14:00 06/11/2024

Cán bộ ngân hàng lừa doanh nghiệp để chiếm đoạt tài sản

Đỗ Mến

Khi doanh nghiệp có nhu cầu làm xác nhận số dư tài khoản, các đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án Lê Xuân Thủy (SN 1980, ở Hưng Yên) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này còn có sự tham gia của một số cán bộ ngân hàng như Hoàng Văn Đảm (SN 1991), Nguyễn Thành Huy (SN 1989), Kiều Tuấn Long (SN 1982) và các bị can khác như Phạm Đình Luân (SN 1982, ở Hà Nội), Tăng Thị Huệ (SN 1982, ở Bình Phước), Nguyễn Việt Tuấn (SN 1990).

Theo cáo trạng, tháng 4/2020, anh Lưu Anh M. – tổng giám đốc công ty có trụ sở ở Hà Nội có nhu cầu mua 1 triệu thùng găng tay y tế không bột trị giá khoảng 1.150 tỷ đồng. Để ký được hợp đồng, bên mua cần phải chứng minh có lượng tài chính bằng 30% với tổng giá trị lô hàng, tương đương 400 tỷ đồng.

Do trong tài khoản công ty không có tiền, anh M.  tìm người có thể giúp chứng minh năng lực tài chính trên trong vòng 1 ngày.

Thông qua người quen, anh M. gặp Thủy đặt vấn đề nhờ làm giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng và trong tài khoản phải có 400 tỷ đồng. Thủy đã liên hệ với Luân và Luân nói làm được thủ tục chứng minh tài chính trong thời gian 24 giờ tại với chi phí 700 triệu đồng.

Thủy báo lại với anh M. chi phí làm là 3,5% (khoàng 1,4 tỷ đồng) nhưng Thủy “giảm giá” còn 1,2 tỷ đồng.

Ngày 8/6/2020, anh M. đã chuyển khoản số tiền trên đồng thời gửi số tài khoản của công ty. Nhận tiền, Thủy lập tức chuyển cho Luân 700 triệu đồng, bản thân “đút túi” 500 triệu đồng.

Trước đó, Luân đã nói việc trên với Huệ và Huệ báo giá cho Luân chi phí làm giấy xác nhận 550 triệu đồng. Vì vậy, Luân đã chuyển 550 triệu đồng cho Huệ, bản thân Luân hưởng lợi 150 triệu đồng.

Về phía Huệ đã liên hệ, chuyển 420 triệu đồng cho Đảm. Sau đó, Đảm tiếp tục liên hệ với Tuấn, rồi Huy, Long.

Theo cơ quan tố tụng, Thủy 2 lần làm giấy xác nhận số dư tài khoản cho anh M.

Lần thứ nhất vào ngày 9/6/2020, sau khi nhận đủ 1,2 tỷ đồng từ phía anh M., Thủy báo với anh M. có giấy xác nhận và gửi qua zalo. Tuy nhiên, anh M. kiểm tra phát hiện tài khoản công ty không có 400 tỷ đồng nên yêu cầu Thủy hỏi lại ngân hàng.

Lần thứ 2, khi có giấy xác nhận và sao kê tài khoản đề ngày 11/6/2020, các đối tượng thông báo cho nhau, lần lượt từ Long đến Huy, Tuấn, Đảm, Huệ, Luân và Thủy.

Theo cáo trạng, ngày 11/6/2020, Thủy hẹn anh M. ra ngân hàng lấy giấy xác nhận nhưng khi anh M. kiểm tra vẫn không thấy trong tài khoản ngân hàng có tiền. Lúc này, anh M. yêu cầu Thủy trả lại tiền nhưng bất thành. Do đó, ngày 22/11/2021, anh M. đến cơ quan điều tra tố giác Thủy.

Quá trình điều tra, các đối tượng đã chuyển trả tiền cho nhau và Thủy đã trả lại anh M. 1,2 tỷ đồng.

Trông vụ án này, cơ quan điều tra không xử lý hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức vì không có tài liệu chứng minh.

Trên thực tế, ở các vụ án khác, cơ quan tố tụng chứng minh hành vi phạm tội tinh vi khi các dối tượng lợi dụng sự am hiểu quy định, trình tự, thủ tục của ngân hàng để qua mặt các doanh nghiệp.

Minh chứng là năm 2022, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử nhóm bị cáo thông đồng với nhân viên ngân hàng để làm giả xác nhận số dư tài khoản, cam kết cấp tín dụng, sao kê tài khoản… nhằm chứng minh năng lực thu lời hàng trăm triệu đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Hạnh (SN 1977) giữ vai trò chủ mưu, mua máy khắc dấu polyme, máy ép plastic để làm giả các giấy tờ trên.

Trong vụ án này, với các cá nhân, đại diện doanh nghiệp có nhu cầu làm tài liệu, công an xác định là không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự nhưng cần bị xử lý hành chính.

Cục An ninh điều tra Bộ Công an từng phát cảnh báo về thủ đoạn làm giả sao kê tài khoản, xác nhận số dư. Theo đó, Bộ Công an xác định đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính được phê duyệt đầu tư có thể trúng thầu, triển khai thực hiện dự án. Từ đó dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ dự án, thậm chí không triển khai được dự án, làm ảnh hưởng xấu đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương...

Ngoài ra, các đối tượng xấu cũng có thể sử dụng các tài liệu giả để nhằm mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân...

 

Đối với doanh nghiệp, người dân khi làm các thủ tục xác nhận của ngân hàng, xin cấp hạn mức, cam kết tín dụng,... cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng để đề nghị hỗ trợ làm thủ tục. Không sử dụng các dịch vụ trên các trang mạng xã hội, không thông qua các đối tượng trung gian không rõ nhân thân, lai lịch để làm các thủ tục nêu trên, tránh tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.