16:31 18/02/2009

“Cần có giải pháp tình thế cho lao động mất việc!”

Quỳnh Lam

Tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam đã và đang trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng

"Năm nay chúng tôi sẽ quan tâm, giám sát nhiều hơn về vấn đề lao động, thất nghiệp, giám sát các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...".
"Năm nay chúng tôi sẽ quan tâm, giám sát nhiều hơn về vấn đề lao động, thất nghiệp, giám sát các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...".
Tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam đã và đang trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng.

Những thông tin doanh nghiệp này phá sản, doanh nghiệp kia sa thải hàng loạt công nhân xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng giải pháp cho thực trạng này như thế nào, theo nhiều ý kiến, hiện vẫn đang là một mớ “bòng bong”.

Vậy cụ thể thì thực trạng mất việc làm của lao động hiện đang ở mức độ nào? Trả lời câu hỏi này của VnEconomy, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói:

- Hiện chúng tôi chưa thể nói được điều gì bởi chúng ta mới trải qua thời gian hơn một tháng đầu của năm 2009. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế để biết rằng năm 2009 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp.

Và khi doanh nghiệp đình đốn sản xuất, làm ăn khó khăn, thậm chí phá sản thì người lao động có thể bị mất việc là điều không tránh khỏi.

Chuyến thực tế của chúng tôi tại 4 tỉnh phía Nam là Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Vũng Tàu vừa rồi cũng thấy rõ sự khó khăn này. Thực tế khá nhiều doanh nghiệp đã, đang và sẽ có kế hoạch cắt giảm lao động.

Theo số liệu từ Ban quản lý các khu công nghiệp ở Đồng Nai, tính đến 10/2, số lao động đang làm việc là 340.000 người, dự kiến năm nay sẽ có khoảng 10.000 lao động mất việc.

Ở Tp.HCM, năm ngoái có hơn 10.000 người mất việc. Năm nay,  nhiều doanh nghiệp trên địa bàn này cho biết, mới chỉ nhận được đơn đặt hàng đến tháng 3. Như vậy khó khăn đã bộc lộ khá rõ.

Cũng phải nói thêm rằng, đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên trong bối cảnh này chính là lao động phổ thông. Ở các địa phương mà chúng tôi đi kiểm tra trong thời gian vừa qua thì nhận thấy một điều, những lao động phổ thông trong các ngành như dệt may, da giày, có khả năng mất việc làm nhiều hơn là những lao động kỹ thuật cao.

Tại Vũng Tàu, tình hình đỡ hơn rất nhiều vì công nhân ở đây phần lớn là có tay nghề và tay nghề cao. Như thế để thấy rằng, ngoài đào tạo nghề, Nhà nước còn phải có sự lựa chọn trong việc thu hút đầu tư… nên chọn những dự án công nghệ cao và  cần lao động tay nghề cao.

Quốc hội sẽ giám sát nhiều hơn về vấn đề lao động

Về các giải pháp gì cho lao động mất việc, hiện tình hình ra sao, thưa bà?

Về vấn đề việc làm và giải pháp cho lao động mất việc, Nhà nước phải có trách nhiệm nghiên cứu, đánh giá, đưa ra dự báo và các giải pháp khắc phục, giải quyết, song bản thân người lao động cũng phải chủ động trong việc tìm kiếm việc làm cho mình.

Nhà nước sẽ đóng vai trò đảm bảo thực thi pháp luật và vai trò hỗ trợ người lao động. Ví dụ doanh nghiệp vi phạp pháp luật về lao động thì các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ “thổi còi”.

Ở một khía cạnh khác, người lao động mất việc làm thì Nhà nước có thể trợ cấp một phần tài chính bước đầu, hay hỗ trợ về mặt thông tin, giúp người lao động có cơ hội giải quyết được vấn đề của mình.

Vấn đề cần thiết ở đây chính là thông tin, bản thân người lao động nếu có thông tin người ta có thể chủ động giải quyết việc của người ta. Vì thế, theo tôi toàn xã hội có thể tham gia vào công việc này, kể cả giới truyền thông chứ không riêng gì cơ quan quản lý nhà nước.

Năm nay Quốc hội có đưa vấn đề thất nghiệp như một trọng tâm giám sát?

Với chức năng lập pháp và giám sát, hàng năm Quốc hội quyết định nhiều chỉ tiêu liên quan đến vấn đề kinh tế xã hội. Về lĩnh vực việc làm, Quốc hội cũng có đưa ra chỉ tiêu về việc làm mỗi năm và chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề.

Với trách nhiệm giám sát, chúng tôi cũng không thể giám sát tất cả mọi vấn đề, mà tùy theo điều kiện từng năm để Ủy ban quyết định giám sát vấn đề gì.

Nhưng, năm nay chúng tôi sẽ quan tâm, giám sát nhiều hơn về vấn đề lao động, thất nghiệp, giám sát các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Tuy nhiên, trước lúc trình các chỉ tiêu ra Quốc hội, chúng tôi yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải có báo cáo đánh giá và những dự báo tương đối xác thực, từ đó mới xem xét đưa ra chỉ tiêu, các giải pháp phù hợp.

Dự báo thất nghiệp, mỗi nơi một con số

Vậy theo bà, dự báo về lao động và thất nghiệp đã phục vụ tốt công tác giám sát của Quốc hội và điều hành của Chính phủ chưa?

Nói chung, công tác dự báo của chúng ta còn hạn chế. Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, tính dự báo cũng là một trong những mối quan tâm được đưa ra thảo luận. Thực tế, nhiều dự báo của chúng ta không được chuẩn xác, và khi dự báo không chuẩn xác thì thì giải pháp đưa ra sẽ không phù hợp.

Về vấn đề này Chính phủ cũng đã nhận thấy và cũng đang chỉ đạo sao cho công tác dự báo được tốt hơn.

Với lĩnh vực lao động, quan trọng nhất bây giờ là phải có dự báo tổng thể về tình hình mất việc làm. Hiện chúng ta chưa có một con số dự báo chính xác về số lao động thất nghiệp nên cũng chưa thể đánh giá một cách đầy đủ tình hình.

Tổng liên đoàn Lao động đưa ra một con số, Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra một con số, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cũng có con số riêng, rồi từng địa phương….

Vì thế, theo tôi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải có một điều tra, nghiên cứu, từ đó đánh giá và đưa ra con số dự báo và các giải pháp đồng bộ cho vấn đề này. Hiện, theo thực tế mà chúng tôi ghi nhận được, mỗi địa phương đang có một cách giải quyết riêng, như vậy rất tản mạn.

Phải có giải pháp tình thế

Trước thực trạng lao động mất việc, Nhà nước liệu sẽ có giải pháp gì cụ thể, thưa bà?

Ở những nước khác, một trong những công cụ chính đối phó với thất nghiệp là bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hỗ trợ tài chính cho người lao động để giúp họ có thể tồn tại và có cơ hội tìm việc làm khác.

Tuy nhiên, ở Việt Nam mọi việc hoàn toàn khác.

Trong tình hình kinh tế khó khăn thì để thực hiện tốt một chính sách như bảo hiểm thất nghiệp là không hề đơn giản. Ngay như bảo hiểm xã hội, số doanh nghiệp trốn đóng không phải là ít .

Tuy nhiên, đây là chính sách mà trước sau gì cũng phải làm, điều quan trọng là Nhà nước cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo pháp luật được thực thi tốt hơn.

Tại Tp.HCM người ta cũng bắt đầu đưa một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp ra trước pháp luật. Thực tế, nhiều địa phương cũng phản ánh, chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh để răn đe, cái này chúng tôi ghi nhận và sẽ đề xuất thêm những biện pháp giám sát và quản lý hữu hiệu.

Nhưng bảo hiểm thất nghiệp sớm nhất cũng phải một năm nữa người lao động mới được hưởng, vậy với những lao động đã mất việc hoặc sẽ mất việc trong thời gian tới thì sao?

Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này Chính phủ cũng phải tìm giải pháp mang tính chất tình thế để giải quyết vấn đề như trợ cấp tạm thời, đào tạo nghề để nhóm mất việc làm có điều kiện tìm việc làm mới.

Tái bố trí lao động cũng được xem là một giải pháp. Nhiều tỉnh đã thực hiện việc này rất tốt, rất đáng ghi nhận, đó là tự điều chỉnh lao động từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Doanh nghiệp nào thừa lao động thì chuyển sang cho các doanh nghiệp có đơn hàng cần lao động.

Tuy nhiên cách đó cũng không giải quyết được tất cả vì số lao động bị mất việc làm của chúng ta lớn hơn nhu cầu tuyển dụng mới của các doanh nghiệp rất nhiều. Vì thế, tôi cho rằng, Chính phủ cũng cần có giải pháp trước mắt, giúp lao động vượt qua khó khăn trong một thời gian để họ có thể kiếm việc làm mới.

Vấn đề này chúng tôi sẽ thảo luận trong buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào đầu tháng 3 tới. 

Về lâu dài, bảo hiểm thất nghiệp vẫn chính là lưới đỡ cho người lao động, bởi khi không có việc người ta vẫn có thể đảm bảo được mức tối thiểu cho cuộc sống, học nghề trong một thời gian nào đó nhất định và vẫn có hy vọng một việc làm cho tương lai.

Đây có phải là lúc nhìn rõ những bất cập trong công tác tạo việc làm hay không, thưa bà?

Tôi nghĩ là không phải.

Tình hình kinh tế thế giới đang đi xuống thế này, Việt Nam cũng không thế là ngoại lệ, cũng nằm trong tình trạng chung thôi, không tránh được.

Ngay cả các nước như Mỹ, các nước châu Âu có nền kinh tế phát triển,  người ta cũng đều rơi vào thảm cảnh mất việc hàng loạt.