11:43 06/12/2023

Cân nhắc quy định ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm

Nhật Dương

Theo đại diện VCCI, việc áp dụng chế tài ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ là biện pháp tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như việc làm và thu nhập của người lao động. Vì thế, quy định cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá thận trọng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm “Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và doanh nghiệp”, sáng 6/12.

TUÂN THỦ PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG, BẢO HIỂM GIÚP DOANH NGHIỆP TĂNG LỢI THẾ CẠNH TRANH

Bà Trần Thanh Hương, Phó trưởng phòng quản lý thu và khai thác đối tượng bắt buộc, Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết theo quy định hiện hành, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động lập hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Hằng tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trích tiền đóng từ tiền lương của người lao động theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp người sử dụng lao động không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng, và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề, tính trên số tiền, thời gian chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Số tiền lãi bảo hiểm y tế bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng bảo hiểm y tế. Đồng thời, bị xử phạt hành chính, và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, và buộc phải khắc phục hậu quả vi phạm.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, hiện các doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức, hiểu biết về các chính sách bảo hiểm xã hội, cũng như tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

“Việc các doanh nghiệp tuân thủ các chính sách về quy định pháp luật, trong đó có chính sách về bảo hiểm xã hội, sẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh, khẳng định vị thế, uy tín của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Liên nhấn mạnh.

Thời gian tới, khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua, VCCI sẽ tích cực phổ biến, tuyên truyền các quy định mới của luật tới cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, VCCI cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, làm "cầu nối" giữa doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định trong luật này.

ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG KHI ÁP CHẾ TÀI XỬ LÍ DOANH NGHIỆP TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM

Để hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung các biện pháp, chế tài xử lí vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, như ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ đóng…

Nhiều chế tài xử lí mạnh được đề xuất với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm. Ảnh minh họa - Thu Hiền. 
Nhiều chế tài xử lí mạnh được đề xuất với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm. Ảnh minh họa - Thu Hiền. 

Bên cạnh đó, để tránh doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cũng cho rằng, việc liên thông dữ liệu thuế và bảo hiểm xã hội rất cần thiết trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Hiện nay, cơ quan Thuế và cơ quan Bảo hiểm xã hội đã có quy chế phối hợp liên thông dữ liệu để xác định thông tin của doanh nghiệp liên quan đến việc nộp thuế, và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

“Việc doanh nghiệp tuân thủ các chính sách, pháp luật nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng cũng là một trong những tiêu chí để đối tác, khách hàng lựa chọn hợp tác với doanh nghiệp. Đây cũng là đòi hỏi của các thị trường có yêu cầu cao về tuân thủ quy định về lao động như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...”, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động Trần Thị Hồng Liên khẳng định.

Chính vì vậy, VCCI luôn khuyến nghị các doanh nghiệp thực hành, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, hoặc bị xử lý do vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội có thể ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của doanh nghiệp trong hợp tác sản xuất kinh doanh với các đối tác, khách hàng.

Theo đại diện VCCI, các quy định về xử lý vi phạm liên quan đến bảo hiểm xã hội là cần thiết để răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tuy nhiên, các chế tài nêu trên cần được xem xét một cách thấu đáo để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy việc xây dựng các quy định mới cần phải được đánh giá tác động một cách thận trọng.

Riêng với việc áp dụng chế tài ngừng sử dụng hóa đơn, bà Liên cho rằng có thể khiến cho doanh nghiệp ngừng hoạt động. “Đây là biện pháp tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như việc làm và thu nhập của người lao động”, bà Liên nói.

Vì vậy, VCCI đã đề nghị Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) xem xét, nghiên cứu thêm về nội dung này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cũng như doanh nghiệp.