16:14 26/07/2023

Vì sao khó xử lý dứt điểm việc trốn đóng bảo hiểm xã hội?

Nhật Dương

Các chế tài và hành lang pháp lý để ngăn chặn tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã có, tuy nhiên thực tế đang có khó khăn trong việc áp dụng, những nguyên nhân khách quan từ khó khăn của các doanh nghiệp cũng khiến tình trạng nợ đóng vẫn tiếp diễn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022 vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó phải kể đến các giải pháp, biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. 

NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI SẼ ĐỂ LẠI HỆ LỤY AN SINH XÃ HỘI LÂU DÀI

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn nhận, những người lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với công nhân. “Nợ đóng bảo hiểm xã hội là vấn đề lớn để lại hệ lụy an sinh xã hội cả trước mắt và lâu dài”, ông Hiểu nói.

Theo ông Hiểu, các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội về bản chất được lợi nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ bảo hiểm xã hội rồi lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Việc này không được pháp luật cho phép mà vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Từ góc độ cơ quan Bảo hiểm xã hội, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban quản lý Thu - Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho biết trong thời gian qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã triển khai nhiều giải pháp, từ việc cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để đôn đốc số nợ đọng bảo hiểm xã hội; hàng tháng đều gửi thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội về chủ doanh nghiệp.

Ngoài ra, hằng năm tất cả người lao động đều được xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội của năm đó, và lũy kế từ thời điểm tham gia cho đến kết thúc năm tham gia.

Từ khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành đóng, qua đó đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra. Riêng năm 2022 đã thực hiện thanh, kiểm tra hơn 36 nghìn đơn vị. 

Vấn đề đặt ra là tại sao đã thực hiện nhiều giải pháp như vậy, nhưng nợ bảo hiểm xã hội vẫn tiếp diễn. Theo ông Hào, ngoài những lí do khách quan vì doanh nghiệp khó khăn thực sự, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động, thì cũng phải xét đến cơ chế, chế tài xử lí hiện chưa đủ mạnh, bên cạnh khởi kiện hình sự cần thêm các chế tài khác.

"Để hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội đề xuất một số chế tài trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là thực hiện phong tỏa hóa đơn như cơ quan thuế; cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ từ 12 tháng trở lên; các địa phương cũng bổ sung thêm các hình thức khác như không cho đấu thầu các dự án đầu tư công; không vinh danh, khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm", ông Dương Văn Hào thông tin.

XÂY DỰNG NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, mặc dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhưng thực tế vẫn còn thiếu thống nhất dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội gia tăng và diễn biến phức tạp.

Thanh tra các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh - Thu Hiền.
Thanh tra các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh - Thu Hiền.

Đơn cử vấn đề khởi kiện của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định trong 4 luật gồm Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật, thẩm tra vẫn chưa đảm bảo tính thống nhất của các đạo luật, do vậy có sự mâu thuẫn nhau. Có luật quy định trách nhiệm của công đoàn nói chung, nhưng có luật quy định rõ phải là công đoàn cơ sở; có luật lại quy định bắt buộc phải do người lao động ủy quyền…

“Chính vì còn có những điều khác nhau như vậy, nên mặc dù tổ chức công đoàn rất nỗ lực để đưa các vụ kiện này ra tòa, nhưng đến nay cơ bản bế tắc, tòa không thụ lí các vụ án để xử lí được”, ông Hiểu trăn trở.

Bên cạnh đó, đối với rất nhiều doanh nghiệp, nếu đặt vấn đề ủy quyền thì rất không thực tế, bởi có những đơn vị có 3 – 4 nghìn lao động, thậm chí hàng chục nghìn, giả sử rơi vào những doanh nghiệp này thì thủ tục hành chính cho người lao động khởi kiện, bao gồm thời gian, công sức rất tốn kém.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng chỉ ra những khó khăn khi khởi kiện vấn đề nợ bảo hiểm xã hội. Luật sư phân tích, ngành Bảo hiểm xã hội chỉ có quyền kiểm tra ở một số khía cạnh, khi phát hiện sai phạm của các doanh nghiệp phải đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện việc xử phạt. Nhưng cơ quan nhà nước khi vào cuộc lại không thể dùng kiến nghị của Bảo hiểm xã hội để xử phạt mà phải quay lại quy trình thanh tra dẫn đến rất mất thời gian.

Trong khi đó, hiện nay chức năng thanh tra xử phạt trong lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, song nhân lực thanh tra của ngành còn hạn chế.

Bên cạnh đó, để người lao động ủy quyền khởi kiện cũng không khả thi, thậm chí gây tốn kém về chi phí, thời gian, tiền bạc. “Người lao động bị nợ lương, bảo hiểm xã hội thông thường là những những người yếu thế, để duy trì cuộc sống hằng ngày đã khó thì việc bỏ chi phí thuê luật sư dường như là không thể, bản thân họ cũng rất ngại khởi kiện vì không hiệu quả”, Luật sư Nguyễn Danh Huế nêu thực tế.

Theo luật sư, cũng phải nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng nợ đóng, trốn đóng, khách quan do doanh nghiệp quá khó khăn thì họ sẽ tính đến việc sẽ cắt giảm cái gì dễ nhất.

“Trốn thuế có thể đối mặt với việc bị khởi tố hình sự ngay lập tức, nhưng trốn đóng vảo hiểm là lựa chọn an toàn hơn. Những khoản nợ phải trả cho khách hàng, đối tác, hay tiền điện, nước, doanh nghiệp sẽ ưu tiên trả trước, như vậy, đương nhiên bảo hiểm xã hội sẽ là khoản bị để lại cuối cùng, đây cũng là bất lợi cho ngời lao động”, luật sư dẫn chứng.

Để hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu kiến nghị, trước hết cần sửa đổi các luật để đảm bảo tính đồng bộ; xây dựng tổng thể các giải pháp, trong đó có hoàn thiện chính sách pháp luật với Luật Bảo hiểm xã hội, và quy định công đoàn được tham gia vào việc khởi kiện.

Tuy nhiên, cần làm rõ thủ tục, điều kiện pháp lý phù hợp với đặc thù tổ chức công đoàn. Đồng thời, cần mở rộng quyền khởi kiện cho cả chủ thể là Bảo hiểm xã hội; thiết lập các biện pháp hành chính kinh tế như: hạn chế, tước quyền sử dụng hóa đơn; hoãn xuất cảnh với những chủ sử dụng lao động cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Các giải pháp khác nữa là cần trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan như Bảo hiểm xã hội, thanh tra lao động, thậm chí cả chính quyền của từng địa phương. “Chúng tôi cũng đề xuất trong luật phải thiết lập được một hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng của những lao động đang là nạn nhân của việc nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ cả trước mắt và lâu dài”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.