Châu Á chìm trong "khí quyển ngày tận thế", Việt Nam cũng phải trả giá
Năm 2020, 148 thành phố dẫn đầu danh sách ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới đều thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Chiang Rai là một trong những tỉnh đẹp nhất của Thái Lan, với những ngọn đồi nhấp nhô, những khu rừng, trại voi và nông sản chất lượng hàng đầu. Ở điểm cực bắc của Chiang Rai là hợp lưu của sông Mekong hùng vĩ, chảy xuống từ Trung Quốc và sông Ruak.
Nằm trên một sườn núi gần đó, Anantara Golden Triangle Resort là một trong số khu nghỉ dưỡng 5 sao thu hút khách thích đi bộ đường dài, những người yêu voi và mê phong cảnh. Tuy nhiên, vào tuần trước, chỉ vài phòng tại đây có khách nghỉ. Theo Nikkei Aisa, nguyên không phải dịch bệnh Covid-19 mà là khói mù vào mùa khô hàng năm bao phủ nơi này khiến khung cảnh không chỉ mất đi vẻ ngoạn mục mà còn độc hại.
Nồng độ PM2.5 - bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 μm trong không khí - đo được tại đây hôm 4/4 là gần 400 microgram/m3 không khí, cao gấp gần 40 lần mức độ an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Sương bụi bao phủ khắp các tỉnh miền bắc Thái Lan. Trong ít nhất 15 năm qua, Chiang Mai, tỉnh lân cận với Chiang Rai, đã chứng kiến nhiều ngày có chỉ số PM2.5 cao nhất thế giới. Không giống nhiều nơi ở châu Á, khủng hoảng ô nhiễm không khí ở miền bắc Thái Lan không phải do các nhà máy, nhiên liệu rẻ tiền và phương tiện giao thông, mà bắt nguồn từ những đám cháy do đốt rừng có chủ đích và đốt phụ phẩm nông nghiệp.
"KHÍ QUYỂN NGÀY TẬN THẾ" CỦA CHÂU Á
Miền bắc xanh tươi của Thái Lan, vốn không có khu công nghiệp, giờ đây là tâm điểm của cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí toàn cầu.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mức độ an toàn của nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm là 10 microgam trên 1 m3 không khí. Tuy nhiên, hiện tại, chưa tới 8% dân số thế giới được hít thở bầu không khí an toàn đó. Và không nơi nào trên thế giới có chỉ số này tồi tệ hơn châu Á.
Theo hãng công nghệ chất lượng không khí IQAir của Thụy Sỹ, trong xếp hạng thành phố ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới năm ngoái, 148 thành phố dẫn đầu đều ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo một nghiên cứu của đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Tim mạch năm 2015, tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí đã khiến gần 8,8 triệu người tử vong trên toàn cầu, trong đó gần 6,5 triệu người ở châu Á. Đây trở thành một trong những nguy cơ sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất toàn cầu, thậm chí còn hơn cả thuốc lá.
Xét về những mối đe dọa sức khỏe, cách ứng phó đối với ô nhiễm không khí và dịch bệnh Covid-19 là hoàn toàn khác nhau. Bởi, trong khi nguồn ngân sách công khổng lồ được phân bổ để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, việc giải quyết ô nhiễm không khí hầu như vẫn dậm chân tại chỗ.
Tuy nhiên, số ca tử vong hàng năm do sương bụi cao hơn gấp nhiều lần so với hơn 300.000 ca tử vong do đại dịch Covid-19 năm ngoái tại châu Á, theo dữ liệu tổng hợp trên worldometers.info.
Nhiều năm qua, các cơ quan y tế đã lên tiếng báo động về chất lượng không khí tại châu Á. Cái gọi là "khí quyển ngày tận thế" của Trung Quốc đã khởi đầu một thập kỷ báo động về những tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe. Tình trạng này đã dần được cải thiện nhờ các biện pháp nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan giờ đây thay thế Trung Quốc trở thành những nước có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới.
"Thế giới đã quay lưng lại với thuốc lá, nhưng giờ đây phải đối mặt với loại 'thuốc lá mới' - loại không khí độc hại mà hàng tỷ người hít thở mỗi ngày", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. "Không có nước nào, dù giàu hay nghèo, có thể thoát khỏi ô nhiễm không khí. Đây là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng thầm lặng".
Một trong những nguyên nhân khiến châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm không khí là mật độ dân số đông. Top 4 quốc gia có mật độ dân số đông nhất thế giới có tới 3 đại diện châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Tổng dân số của 3 nước này là 3,1 tỷ người, chiếm khoảng 39,2% dân số toàn cầu.
INDONESIA: ĐỐT RỪNG
Tại Indonesia, các đám đốt rừng do dọn dẹp đất trồng rừng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nghiêm trọng. Theo một báo cáo của tổ chức Greenpeace, 7/10 quốc gia ASEAN bị ảnh hưởng do khói mù gây ra bởi các đám đốt rừng ở Indonesia. Trong đó, Singapore và Malaysia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo cáo này, được đưa ra sau 2 thập kỷ nghiên cứu, cho biết khói mù "gây ra các vấn đề sức khỏe trên diện rộng bao gồm bệnh về phổi và tim mạch".
Năm 2015, các nhà khoa học tại Đại học Harvard và Columbia (Mỹ) ước tính khói mù khiến khoảng 100.000 người chết sớm tại Indonesia, Malaysia và Singapore. Còn theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), khói mù gây thiệt hại hơn 16 tỷ USD cho kinh tế Indonesia.
Hồi tháng 2, ông Mohammad Mahfud MD, Bộ trưởng An ninh Indonesia, cho biết tổng diện tích các khu vực bị ảnh hưởng bởi đốt rừng trong năm ngoái là gần 300.000 ha. Con số này, dù cải thiện hơn so với năm 2019, nhưng vẫn lớn gấp 5 lần diện tích thủ đô Jakarta. Năm 2019, khoảng 1,6 triệu hecta rừng tại Indonesia bị đốt, khiến ít nhất 900.000 người gặp các vấn đề về hô hấp. Thiệt hại kinh tế của 8 tỉnh bị ảnh hưởng là 5,2 tỷ USD.
ẤN ĐỘ VÀ PAKISTAN: ĐIỂM CHUNG GÂY Ô NHIỄM
Theo IQAir 2020, xét về nồng độ bụi mịn PM2.5, chất lượng không khí tại thành phố Delhi của Ấn Độ đã được cải thiện khoảng 15% so với năm 2019 nhờ các biện pháp phong tỏa toàn quốc để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây vẫn là thành phố có mức độ ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới.
Năm 2020, ước tính ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 54.000 người tại thủ đô Ấn Độ, gây thiệt hại 8,1 tỷ USD - tương đương 13% GDP của Delhi, theo báo cáo của Greenpeace và IQAir. Số ca tử vong (có thể tránh được) do ô nhiễm không khí tại thành phố Mumbai và Bangalore lần lượt là 25.000 và 12.000.
Ấn Độ có tới 22 đại diện trong top 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo báo cáo của Greenpeace, dù đã có cải thiện trong vài năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại nước này vẫn ở "mức nguy hiểm cao". Nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm của Delhi là 84,1 microgam/m3 không khí. Để so sánh, con số này của Bắc Kinh là 37,5, Seoul 20,9, Paris 12,2 và London 9,6.
Ấn Độ và Pakistan có điểm chung về vấn đề ô nhiễm: Khói bụi từ phương tiện giao thông. IQAir xếp Pakistan là quốc gia ô nhiễm thứ hai trên thế giới và ước tính khoảng 20% số ca tử vong tại nước này có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Malik Amin Aslam, Bộ trưởng về biến đổi khí hậu của Pakistan, cho biết 40% khói mù tại nước này là do khí thải từ phương tiện giao thông. Một số nguyên nhân khác là khí thải công nghiệp và đốt cây trồng quanh khu vực Lahore và biên giới ở Ấn Độ.
"Tại Pakistan, việc các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu bẩn đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí", Ahmad Rafay Alam, luật sư môi trường tại Lahore và Yale World Fellow, cho biết.
Để giảm thiểu khủng hoảng ô nhiễm không khí, chính phủ Pakistan đã đặt mục tiêu nâng tăng doanh số xe điện lên khoảng 30% tổng doanh số xe năm 2020, đồng thời yêu cầu chỉ nhập những loại nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro-V.
Tuy nhiên, ông Ahmad Rafay Alam cho rằng chính sách nhập khẩu nhiên liệu và xe điện chỉ tồn tại trên giấy bởi chính phủ đã không có những bước đi thiết thực để thực hiện chúng.
VIỆT NAM: CÁI GIÁ CỦA TĂNG TRƯỞNG?
Theo dự báo của GlobalData, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhất trong ASEAN với tăng trưởng GDP thực tế 8,5% năm nay. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng này, mối quan ngại về vấn đề môi trường ngày càng gia tăng.
Theo khảo sát của Q&Me với gần 800 người dân trong độ tuổi 18-49, 79% người được hỏi cho biết ô nhiễm không khí là mối quan tâm về môi trường lớn nhất của họ. 84% nhận định các vấn đề môi trường trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2020.
Theo số liệu chính thức, Việt Nam thiệt hại khoảng 10,8-13,2 tỷ USD mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm ước tính khoảng 50.232 người tử vong vì ô nhiễm không khí tại Việt Nam trong năm 2017.
Nồng độ PM2.5 xung quanh Hà Nội và Tp.HCM chạm ngưỡng đặc biệt cao vào tháng 11 và tháng 12/2020. Trước thực trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo chính quyền địa phương lắp đặt thêm hệ thống quan trắc không khí. Tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm không khí. Chính phủ khuyến cáo người dân đóng cửa sổ, đeo khẩu trang ngoài trời và rửa mũi bằng nước muối cho cả người trẻ và người già.
TRUNG QUỐC: NHỮNG BIỆN PHÁP QUYẾT LIỆT
Trung quốc là xếp thứ 14 trong số 106 quốc gia về mức độ ô nhiễm không khí năm 2020 của IQAir. Tuy nhiên, xếp hạng này đã cải thiện đáng kể so với các năm trước khi nồng độ PM2.5 trung bình của nước này đã giảm từ 41,2 microgram/m3 không khí năm 2018 xuống còn 34,7 năm ngoái (dù vẫn gấp 3 lần mức tiêu chuẩn an toàn của WHO).
Vài năm qua, Trung Quốc đã thực hiện những biện pháo quyết liệt ở cấp chính phủ để làm sạch bầu không khí. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Tháng 1 vừa qua, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc bị Bộ Sinh thái và Môi trường cảnh cáo vì sơ suất trong việc kiểm soát sản xuất than. Đây là động thái khiển trách hiếm hoi trong các cơ quan nhà nước của Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc chỉ thực sự bắt đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí một cách quyết liệt vào năm 2013, khi than đá đáp ứng được 2/3 nhu cầu điện trong nước. Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về phát triển điện mặt trời với chi phí giảm đáng kể so với thế giới. Các lĩnh vực xe điện và pin của nước này cũng dẫn đầu thế giới.
Các biện pháp quyết liệt những năm gần đây của Trung Quốc bao gồm di dời các nhà máy cũ gây ô nhiễm. Đầu năm ngoái, 46 nhà máy ở tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh, đã phải di dời nhằm giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp, đặc biệt là từ hoạt động sản xuất thép, xi măng và thủy tinh.
Tuy vậy, không phải tất cả các giải pháp xử lý ô nhiễm không khí của Trung Quốc đều thân thiện với môi trường. Việc nước này thúc đẩy xây dựng thủy điện nhằm giảm sử dụng than đá làm dấy lên những quan ngại về môi trường tại nhiều nước Đông Nam Á.