Chi tiết hạn mức tín dụng của 18 ngân hàng vừa được điều chỉnh
Với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm, tức gần tiệm cận với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước đề ra...
Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, có khoảng 18 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room).
Sacombank là ngân hàng được điều chỉnh hạn mức cao nhất, thêm 4%, vượt kỳ vọng của thị trường. Trong khi trước đó, thị trường từng đồn đoán Vietcombank và MB sẽ là hai ngân hàng nhận được mức room tín dụng cao nhất do đang phải "gánh" hai ngân hàng yếu kém để hỗ trợ xử lý. Thế nhưng thực tế lần điều chỉnh room này, Vietcombank chỉ nhận được mức 2,7% còn MB là 3,2%.
Ngoài ra, TPBank và Eximbank được điều chỉnh room tăng 1,2%; LienVietPostBank tăng 1%. 4 ngân hàng được điều chỉnh room tăng 0,7% gồm VPBank, BIDV, VietinBank, MSB.
Nhìn chung, trong đợt cấp tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước đã ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao. Điển hình như ngân hàng MB, HDBank, VIB, Agribank...
Ước tính của nhóm nghiên cứu tại VNDirect, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm, tức gần tiệm cận với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước đề ra.
"Vì vậy, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, chúng tôi thấy cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng nữa từ giờ cho đến hết năm là khá hạn chế”, nhóm nghiên cứu của VNDirect nhận định.
Hiện tại, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng hệ thống đã tăng 9,91% so với đầu năm tính đến hết ngày 26/8/2022, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (7,45%).
Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm 0,47% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8. Điều này thể hiện, tăng trưởng tín dụng đã và đang chậm lại một cách rõ rệt khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.
Đồng thời, việc giữ nguyên định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14% cho thấy sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trước những biến động và rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành tiền tệ Việt Nam cũng muốn ngăn chặn cuộc chạy đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại khi nhu cầu tín dụng trong nước đang rất mạnh mẽ hiện nay.
Đánh giá về chính sách điều hành tăng trưởng tín dụng thời gian qua, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MB cho rằng, thực tế nhiều năm qua đã chứng minh phương pháp điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng tổ chức tín dụng đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
"Việc thông báo chỉ tiêu ngay từ đầu năm cũng giúp các tổ chức tín dụng chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, các tiêu chí phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện công khai, minh bạch căn cứ kết quả đánh giá xếp hạng theo Thông tư 52 cùng với các tiêu chí khác. Cách tiếp cận theo xếp hạng như vậy là phù hợp với thực tế", ông Thái nói.
Theo ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tại Việt Nam, cung ứng tiền thể hiện qua room tín dụng, đây là kênh gần chủ chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế.
"Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng. Tôi cho là rất thích hợp. Tôi tin nhà điều hành tiền tệ sẽ tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ bơm rút tiền trên thị trường mở hoặc thông qua buôn bán ngoại tệ để tạo mặt bằng lãi suất ổn định", ông Phước chia sẻ.
Song, vị chuyên gia khuyến nghị, hiện tại việc duy trì room tín dụng là rất quan trọng nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình bỏ công cụ này trong tương lai.
Bởi lẽ, chính sách tiền tệ là định hướng của dòng chảy tín dụng, giúp yếu tố lạm phát thấp xuống. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro.
"Nếu ngân hàng cho vay với các ngành nghề rủi ro nhiều thì hệ số rủi ro cao. Đây là một cách hỗ trợ cho chính sách tài khóa một cách gián tiếp, vì nếu như dòng vốn đi vào nền kinh tế, nếu làm cho lạm phát thấp xuống sẽ làm cho nguồn thu tăng lên", ông Phước nói.