13:00 02/09/2022

Chiến lược huy động vốn trong hoàn cảnh mới

Hồng Vinh

Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, không ít doanh nghiệp từ đầu năm đã đặt nhiều kỳ vọng vào gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% nhưng gói hỗ trợ này không như kỳ vọng, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Cửa tìm vốn - vốn đã hẹp, nay dường như lại càng hẹp hơn…

Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã đề ra và sẽ tiếp tục theo dõi để có chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt. (Ảnh minh họa).
Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã đề ra và sẽ tiếp tục theo dõi để có chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt. (Ảnh minh họa).

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã đề ra và sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của lạm phát để có chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt. Vốn tín dụng theo đó được dự báo sẽ eo hẹp trong những tháng cuối năm, đặc biệt là vốn cho các khu vực phát triển dự án bất động sản vì chủ trương kiểm soát chặt, hạn chế rủi ro.

LINH HOẠT HẠN MỨC TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG 

Tại diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng gói hỗ trợ lãi suất hiện nay yêu cầu nguồn vốn rõ ràng (từ ngân sách), đối tượng hỗ trợ (13 lĩnh vực), thời hạn cụ thể (tối đa 2 năm, không dùng hết chắc chắn phải ngừng). Ngoài ra, 2 tiêu chí quan trọng là đáp ứng cơ bản điều kiện tín dụng của tổ chức tín dụng và có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là làm thế nào để đánh giá khả năng phục hồi. Vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… 

Một vướng mắc nữa của gói hỗ trợ lãi suất mà một số ý kiến phản ánh là Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Theo TS. Cấn Văn Lực, không nên chờ đến quý 4, cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát êm rồi mới “nới room tín dụng”, vì làm như vậy sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Không nới room ngay thì cực kỳ khó giải ngân với gói hỗ trợ lãi suất. Nếu ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì làm sao có thể giải ngân được gói hỗ trợ lãi suất. Đây là điều kiện cần và đủ để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.

Liên quan kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, các ý kiến trao đổi khá thú vị nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần làm rõ một số vấn đề. Với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không có tài sản đảm bảo, ngân hàng không cho vay, nên cần tiếp cận Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Còn đối với chương trình phát triển nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay là cần thiết nhưng phải có nguồn lực từ Chính phủ, ngân sách kết hợp với nguồn lực tư nhân. Ở các nước có Quỹ phát triển nhà ở như mô hình ở Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đã thực hiện thành công. Còn chúng ta thỉnh thoảng có một gói hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất cho vay 4,8%/năm sẽ khó thành công. Tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ gần đây, một số doanh nghiệp xung phong đầu tư nhà ở xã hội nhưng TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo phải tránh hiện tượng phong trào mà cần lãm rõ định hướng phát triển và trách nhiệm của các bên.

Cuối cùng, dùng Quỹ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, kiến nghị này là không trúng. Quỹ dự trữ ngoại hối là vô cùng quan trọng, cấp bách, chỉ được sử dụng trong một số trường hợp nhất định chứ không được và không nên dùng để hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta còn nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chưa giải ngân hết, thậm chí đầu tư công chưa giải ngân được.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM, cho rằng một trong những thách thức làm giảm đà tăng tốc phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt làm giảm hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 trị giá gần 350.000 tỷ đồng, là vấn đề chậm giải ngân của các dự án đầu tư công. Tính đến 31/7/2022, mới chỉ giải ngân 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

XÂY DỰNG QUY TRÌNH NỘI BỘ ĐẨY NHANH CHO VAY 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM, đã có ý kiến về việc tăng cơ hội vốn cho doanh nghiệp. Theo đó, vốn cho doanh nghiệp được nhìn nhận ở góc độ ngân hàng có 2 chính sách: tín dụng và lãi suất. Ông Minh phân tích về tín dụng, năm 2022 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng là 14% và mục tiêu là rất phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Trong gần 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,3%, tức là dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450 ngàn tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP.HCM, room tín dụng còn trên dưới 150 ngàn tỷ đồng. 

Theo ông Minh, với cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% theo gói cấp bù lãi suất, triển khai rất chậm và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận thấy điều này. Vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022, đẩy nhanh, đẩy mạnh và đúng đối tượng và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các ngân hàng thương mại ở TP.HCM đã xây dựng được quy trình nội bộ để cho vay và sẽ đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới. Sắp tới, các ngân hàng sẽ triển khai nhanh và cho vay nhanh hơn theo gói cấp bù lãi suất.

Vấn đề về tài sản thế chấp, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ gặp khó khăn về tài sản thế chấp ngân hàng. Trên thực tế việc vay tín chấp ở từng ngân hàng cũng có quy định riêng và đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng mới được vay. Các ngân hàng ở TP.HCM đã và đang cho phép các doanh nghiệp vay vốn với thế chấp bằng dòng tiền. Có nghĩa là các doanh nghiệp phải minh bạch các thông tin về dòng tiền sản xuất, kinh doanh thì các ngân hàng mới cho vay.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh việc chuẩn bị “profile đẹp”, doanh nghiệp cần phải đưa ra các điều kiện hợp tác thuận lợi, mục tiêu kinh doanh cụ thể và mức chiết khấu chào bán phải hấp dẫn cho nhà đầu tư. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư FIDT, cho biết thị trường chứng khoán vừa qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 3 triệu nhà đầu tư cho năm 2020-2021, 3 sàn chứng khoán HOSE, UPCoM, HNX có lúc vượt con số 360 tỷ USD.

“Chúng ta có thị trường vốn hoá đứng thứ 3 khu vực. Do đó, chiến lược để doanh nghiệp được phát hành ra công chúng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc được M&A là rất quan trọng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải quan tâm quản trị tài chính; đồng thời phải tính tới rủi ro Covid-19 và những bất ổn 2 năm qua, không có thặng dư tài chính, phải cuống cuồng huy động vốn. Bên cạnh đó, khi chuẩn bị IPO, các doanh nghiệp cần tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn pháp định rõ ràng và minh bạch, như vốn từ 120 tỷ đồng, 2 năm hoạt động liên tục có lãi và thêm một số yêu cầu về hiệu suất hoạt động”, đại diện FIDT cho hay.

NỚI ROOM THÊM 1-2% CHO BẤT ĐỘNG SẢN

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết theo quy định pháp luật về đất đai, để làm dự án, doanh nghiệp bất động sản phải có vốn chủ sở hữu từ 15-20% tổng vốn đầu tư. Nếu dự án có quy mô từ 20 hecta trở lên thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu là 15% và yêu cầu tỷ lệ vốn 20% với dự án có quy mô nhỏ hơn 20 hecta. Như vậy, có 80-85% nguồn vốn đầu tư là nguồn vốn huy động. 

Chiến lược huy động vốn trong hoàn cảnh mới - Ảnh 1

Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường vốn Việt Nam còn sơ khai, tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 1%, và 99% còn lại là phát hành trái phiếu riêng lẻ. Thị trường trái phiếu còn thiếu minh bạch và thiếu bền vững. Nguồn vốn qua quỹ bất động sản, quỹ tín thác đang khiếm khuyết khi hiện nay chỉ có một quỹ duy nhất tại Việt Nam là quỹ của Techcombank, còn được gọi là TechREC. Nhưng quỹ này cho đến nay vẫn còn rất nhỏ bé với số vốn là 50 tỷ đồng.

Hiện nay, Luật Chứng khoán đã cho phép thành lập quỹ đầu tư bất động sản. Nhưng quỹ đầu tư bất động sản hiện nay là quỹ lai vừa cho phép đầu tư, vừa cho phép tín thác bất động sản. Điều này trái ngược với thế giới. Do đó, thị trường vốn vẫn chưa hoàn thiện và phát triển mạnh khi thiếu dòng vốn từ các quỹ đầu tư. Với vốn FDI, theo thống kê 7 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đang sụt giảm hơn 10%. Trong đó vốn FDI chủ yếu chảy vào bất động sản công nghiệp và các dự án khu đô thị lớn ở miền Bắc. Nhưng đáng chú ý, nguồn vốn kiều hối đang có xu hướng sụt giảm nhưng dành khoảng 20% đầu tư vào bất động sản.

Một kênh vốn quan trọng khác với doanh nghiệp bất động sản là huy động từ khách hàng nhưng nguồn vốn này lại cần vốn tín dụng. Hiện nay, các ngân hàng thương mại không cho phép vay để mua đất mà chỉ được vay để phát triển dự án sau khi có quỹ đất. Do đó, vốn tín dụng ngân hàng là cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp bất động sản có đủ nguồn lực hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Hiện nay, một số điều luật như tại Điều 33, Nghị định 100/2015 quy định từ năm 2015 đến 2020 ngân hàng chính sách xã hội không được cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, khi doanh nghiệp đi vay tại một số các ngân hàng khác chỉ được vay với lãi suất thấp nhất 9%/năm do bất động sản không nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên vay với lãi suất thấp.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đưa ra dẫn chứng rằng với gói 40 ngàn tỷ đồng, trong đó có gói 15 ngàn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay không có sản phẩm để giải ngân. Các chủ nhà trọ là những đối tượng đang cần hỗ trợ. Hoặc với người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại 9%/năm nhưng nếu không tiếp cận được nguồn vốn, sẽ trở thành gánh nặng. Do đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị phần tiền còn lại để hỗ trợ cho những đối tượng đã vay với lãi suất thương mại.

Bên cạnh đó, room tín dụng của năm 2022 là 14%, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị xem xét nâng thêm 1-2%. Bởi phần lớn các ngân hàng thương mại hiện đã gần cạn room. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đánh giá và cho phép 4 ngân hàng lớn nới room, và xem xét nới room cho các ngân hàng đạt chuẩn BASE II nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Để tiếp sức doanh nghiệp, tăng tốc cuối năm, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM kiến nghị, cần rà soát tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân nhanh hơn nữa công tác đầu tư công từ cả vốn đầu tư ngân sách và trọng điểm, nhất là gói phục hồi và phát triển, nhằm thực hiện các mục tiêu vĩ mô Chính phủ đề ra, đồng thời để các ngành nghề liên quan trực tiếp đến đầu tư công như cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản… gắn với đầu tư công và công ăn việc làm của nhiều lao động, có điều kiện phục hồi. Ngoài ra, cần tăng tốc đối với gói cấp bù lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng trong tổng thể chương trình gần 350 nghìn tỷ đồng, đặc biệt cần đẩy nhanh khả năng thực thi gói hỗ trợ này. Hiện đã có nhiều ngân hàng đăng ký gói này nhưng triển khai giải ngân vẫn chậm.

“Hiện nhiều quốc gia mà Việt Nam có ký kết FTA đã bày tỏ sự quan tâm, làm việc với VCCI để tìm hiểu cơ hội mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt. Hy vọng với sự quan tâm của Chính phủ các nước, công tác hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tốt hơn thời gian tới. Bên cạnh đó, VCCI cũng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, phát triển bèn vững, đồng thời tăng cường các chương trình đào tạo về lao động cho giới chủ”, ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.