11:11 12/03/2008

Chống hàng giả: “Cần triệt tận gốc bảo kê”

Đinh Tịnh

"Các lực lượng kiểm tra, kiểm soát cần phải có các biện pháp chống cho được tình trạng bảo kê cho bọn buôn lậu, làm hàng giả"

Lực lượng công an tiêu tổ chức tiêu hủy hàng lậu - Ảnh: VNN.
Lực lượng công an tiêu tổ chức tiêu hủy hàng lậu - Ảnh: VNN.
Hỏi chuyện ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam.

Xin ông cho biết những hoạt động của chúng ta trên mặt trận chống hàng nhái, hàng giả?

Thời gian qua, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực chống hàng nhái, hàng giả.

Tuy nhiên, đây là công tác phức tạp đòi hỏi phải bền bỉ, lâu dài. Chúng ta không thể nhìn vấn đề theo tháng, bởi lẽ có những sự vụ kéo dài từ một đến hai năm. Trong năm 2007, chúng tôi đã kết hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của người Việt Nam về hàng giả, nâng cao ý thức phòng chống.

Ngoài ra, chúng tôi còn liên tiếp phát hiện hàng nhái, hàng giả trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời, kiến nghị với các cơ quan nhà nước để xử lý hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực gas, các sản phẩm may mặc của các công ty may mặc lớn thường bị làm giả, làm nhái nhãn hiệu, nhái bao bì. Hiệp hội cũng đã phát hiện và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề dược phẩm và mỹ phẩm và đề cập rõ vấn đề, thực trạng thuốc chữa bệnh trên thị trường.

Đặc biệt, hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ cho phép lấy ngày 29/11 hàng năm là cái ngày phòng chống hàng nhái, hàng giả. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên xây dựng, bảo vệ, và quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp hội viên.

Thế nhưng, tình trạng làm hàng giả, xâm phạm thương hiệu vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp, ông đánh giá như thế nào?

Quả thật, nạn làm hàng nhái, hàng giả ở Việt Nam đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều sản phẩm trong nước làm nhái của nhau, nghiêm trọng hơn là tình trạng hàng nhái từ nước ngoài đang nhan nhản trên thị trường.

Trước đây, phải 8 tháng thì mới làm nhái được sản phẩm, nhưng bây giờ chỉ mất 1 tháng. Một sản phẩm có uy tín bị làm nhái từ nước ngoài, chỉ sau một tháng là tràn ngập thị trường Việt Nam. Tốc độ làm nhái, làm giả bây giờ nhanh hơn trước rất nhiều.

Hiện trên thị trường đang có hai kênh: kênh từ nước ngoài đưa vào và kênh trong nước tự làm nhái của nhau. Rất nhiều loại mỹ phẩm chăm sóc da, tóc cũng bị làm nhái, làm giả. Chỉ sau 1 tháng sản phẩm OLAY được lưu thông trên thị trường, thì hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện tràn lan khắp cả nước, bày bán công khai. Việc làm hàng giả hàng nhái này được tổ chức sản xuất với quy mô lớn từ nước ngoài rồi tìm cách đưa vào Việt Nam, chủ yếu qua đường biên giới.

Mặt hàng OLAY của công ty P&G thường bị làm giả bao gồm các sản phẩm kem dưỡng da hoàn hảo, kem dưỡng da chống nắng, kem làm trắng da. Tương tự, các sản phẩm Sunsilk, P/S, Dove, Clear, Pond’s nổi tiếng của Unilever Việt Nam; mỹ phẩm chăm sóc tóc Wella của Công ty TNHH Nam Đạo bị làm giả từ nước ngoài đưa vào...

Trước thực trạng này, VATAP đã có những hành động như thế nào để ngăn chặn nạn làm hàng nhái, hàng giả?

Chúng ta đều nhận thấy bà con kinh doanh tại các chợ, cửa hàng vẫn chưa ý thức đầy đủ về lĩnh vực này. Họ không phân biệt được thế nào là vi phạm sở hữu trí tuệ hàng giả, hàng nhái. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần phối hợp với VATAP và các lực lượng chức năng mở các đợt tuyên truyền tới tiểu thương các chợ để họ có ý thức tốt hơn.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng cần phải hỗ trợ các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trong công tác giám định hàng giả và thông tin về hàng giả. Các lực lượng kiểm tra, kiểm soát cần phải có các biện pháp chống cho được tình trạng bảo kê cho bọn buôn lậu, làm hàng giả nói chung và đặc biệt lưu ý phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng bảo kê trên địa bàn (biết mà làm ngơ, bảo kê cho người thân quen, lợi dụng chức vụ gây khó dễ cho doanh nghiệp...).

Công tác kiểm tra, kiểm soát phải có hiệu quả, làm đúng quy trình của pháp luật, phải làm tốt công tác điều tra, xác minh đúng các ổ nhóm làm hàng giả và đưa hàng giả từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng công tác thanh tra, kiểm tra thị trường của chúng ta vẫn còn tản mạn, không đồng bộ.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng còn mang tính hình thức. Hàng năm cũng có tổ chức các đoàn kiểm tra địa phương nhưng chỉ dừng lại ở mức nắm tình hình, hiệu quả đem lại không đáng kể, lại tốn kém cho nhà nước.

Theo ông, làm thế nào để khắc phục những tồn tại và yếu kém đã nêu?

Đây cũng chính là mục tiêu mà chúng tôi đang rất quan tâm. Chẳng hạn như làm sao để đơn giản hoá thủ tục hành chính trong thanh tra, kiểm tra, kiện toàn quy trình thực thi pháp luật.

Bởi quy trình thực thi pháp luật tuy nằm rải rác ở một vài văn bản có quy định (như pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính) nhưng vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt còn nhẹ, theo tôi cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật hình sự.