Chốt vượt 1.350 điểm, VN-Index có “trở lại đường đua”?
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiều nay khởi sắc không nhiều, nhưng VCB tăng tốt cộng với các mã còn lại trong rổ VN30 nâng giá, giúp VN-Index tăng gần 11 điểm cuối ngày. Như vậy chỉ số đã xóa sạch mức giảm của phiên “bom nợ” Evergrande hôm qua...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiều nay khởi sắc không nhiều, nhưng VCB tăng tốt cộng với các mã còn lại trong rổ VN30 nâng giá, giúp VN-Index tăng gần 11 điểm cuối ngày. Như vậy chỉ số đã xóa sạch mức giảm của phiên “bom nợ” Evergrande hôm qua.
VN-Index đóng cửa tại 1350.68 điểm, tăng 0,81% so với tham chiếu tương đương 10,84 điểm. Hôm qua thị trường bị bán tháo dưới ảnh hưởng tâm lý của chứng khoán thế giới, chỉ số giảm 10,64 điểm. Trước khi xuất hiện cú sốc mang tên Evergrande, VN-Index đang nhấp nhổm vượt đỉnh tháng 8. Cơ hội đang quay lại.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là ẩn số phiên chiều, vì đây là các mã lớn nhưng buổi sáng vẫn giảm. Nếu các trụ cộng hưởng tăng, VN-Index sẽ thăng hoa rõ ràng hơn. Không nhiều mã ngân hàng mạnh lên trong chiều nay, nhưng một số cổ phiếu quan trọng cải thiện cũng có tác dụng lớn.
VCB tăng giá tốt nhất nhóm. Cuối phiên sáng cổ phiếu này tăng nhẹ 0,41% nhưng từ sau 2h bật lên mạnh mẽ. Thanh khoản không nhiều, chỉ hơn 22 tỷ đồng buổi chiều nhưng so với phiên sáng, giá tăng thêm 1,1%, chốt trên tham chiếu 1,53%. Từ chỗ không có vai trò gì nhiều trong nỗ lực kéo chỉ số, kết phiên VCB trở thành trụ mạnh thứ hai sau VNM, đóng góp 1,5 điểm cho VN-Index.
Các cổ phiếu ngân hàng khác mạnh lên trong phiên chiều là VPB phục hồi thêm 0,6% so với phiên sáng và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ 0,15% so với tham chiếu; TPB tăng 0,5% so với phiên sang, chốt tăng 0,25% so với tham chiếu; TCB tăng cao hơn gần 0,8%, đóng cửa tăng 0,2% so với tham chiếu; STB phục hồi cao hơn 0,4%, MBB thêm 0,72%... Các cổ phiếu này đóng góp cho thị trường ở hướng bớt giảm, một cách để giảm gánh nặng cho những cổ phiếu khác.
Trong nhóm trụ lớn nhất, ngoài VCB, VHM chiều nay cũng tăng rất tốt. Phiên sáng VHM là gánh nặng cho VN-Index khi giảm 1,16%. Cổ phiếu này không những phục hồi hết mức giảm mà còn tăng vượt tham chiếu 0,65% lúc đóng cửa, tức là riêng buổi chiều giá biến động tăng 1,83%.
Các cổ phiếu tăng tốt từ sáng như VNM, MSN chiều nay không đi thêm được bao nhiêu vì giá đã rất mạnh. MSN thậm chí còn tụt nhẹ 0,4% so với thời điểm cuối phiên sáng.
Nhìn tổng thể nhóm blue-chips phiên chiều có mặt bằng giá cao hơn đáng kể so với phiên sáng chứ không chỉ nhờ các trụ cải thiện. Thống kê có 18/30 mã VN30 đóng cửa tăng giá so với thời điểm cuối phiên sáng, 9/30 mã tụt giá. Chỉ số chốt tăng 0,48% với 18 mã tăng/10 mã giảm.
Nhờ blue-chips mạnh hơn, VN-Index hưởng lợi lớn nhất vì VCB, VHM, VNM, GVR đều là các cổ phiếu rất có ảnh hưởng. Chỉ số này tăng 0,81% lúc đóng cửa với 8/10 mã tạo điểm số nhiều nhất là thuộc VN30, còn lại là DGC tăng 6,96% và SBT tăng 5,35%.
Tuy nhiên nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhất từ đà tăng của VN-Index và sự ấm lên ở rổ blue-chips vẫn là các mã đầu cơ nhỏ. VNSmallcap-Index đóng cửa tăng vọt 1,75%. Độ rộng của rổ này mở rộng hơn thành 147 mã tăng/34 mã giảm, trong khi cuối phiên sáng đang là 112 mã tăng/55 mã giảm. Ngoài ra thêm 11 cổ phiếu nữa trong rổ tăng kịch trần, đưa tổng số lên 38 mã.
Toàn sàn HoSE ghi nhận 60 cổ phiếu tăng hết biên độ, về mặt số lượng, là kỷ lục từ đầu tháng 2/2021. Đại đa số các mã trần nằm ở nhóm đầu cơ nhỏ. Điều này tiếp tục cho thấy sự hấp dẫn của hoạt động đầu cơ trong bối cảnh các blue-chips có rất ít cơ hội lợi nhuận.
Mặc dù chiều nay đà phục hồi và kéo chỉ số chủ đạo diễn ra trong rổ Vn30 nhưng nhóm này lại không nhiều thanh khoản. Giá trị khớp lệnh tăng thêm chỉ có 2.620 tỷ đồng, tương đương chiều hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE hôm nay giảm sốc 21% so với phiên trước, tương đương mức giảm tuyệt đối 4.658 tỷ đồng chỉ còn 17.291 tỷ đồng, nhưng nhóm smallcap chỉ giảm 9%, tương đương 370 tỷ. Như vậy dòng tiền đầu cơ không suy giảm quá nhiều, nhưng các giao dịch khác ở phần còn lại trên thị trường thì giảm.
Đặc biệt rổ VN30 cả ngày hôm nay giao dịch rất nhỏ, khoảng 6.351 tỷ đồng khớp lệnh, mức thấp nhất trong vòng 8 tuần. Thanh khoản dồn nhiều vào đột biến giao dịch của VNM với gần 912 tỷ đồng, VHM với 675 tỷ đồng, HPG với 668 tỷ đồng. Có thể thấy trừ VNM, ngay cả các mã siêu thanh khoản như HPG cũng suy giảm giao dịch. Nhóm cổ phiếu ngân hàng còn giảm thanh khoản nhiều hơn nữa.