21:34 08/01/2008

Chứng khoán ảm đạm: Chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ

Minh Đức

Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán), nói về biện pháp hỗ trợ thị trường qua kỳ ảm đạm

"Với những giải pháp dự kiến, sức cầu có thể sẽ khả quan hơn, thị trường sẽ phát triển tốt hơn".
"Với những giải pháp dự kiến, sức cầu có thể sẽ khả quan hơn, thị trường sẽ phát triển tốt hơn".
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán), nói về biện pháp hỗ trợ thị trường qua kỳ ảm đạm.

Thưa ông, gần đây xuất hiện những nhận định về khả năng Chính phủ sẽ có những giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. Ông có thể cho biết thông tin về khả năng đó không?

Xuất phát từ tình hình thị trường hiện nay, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo cụ thể và đề xuất những giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ thị trường. Bởi hiện nay thị trường đã giảm khá sâu, chỉ số VN-Index đã giảm dưới mức 900 điểm, doanh số giao dịch qua mỗi phiên giảm nghiêm trọng.

Nguyên nhân là do cầu đầu tư suy yếu vì có nhiều đợt phát hành tăng vốn, phát hành lần đầu (IPO) lớn; do tác động của Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán; do nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài gặp trở ngại trong việc quy đổi sang VND để tham gia đầu tư.

Ngoài ra, sự suy giảm của chứng khoán toàn cầu, dù ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam chưa lớn, nhưng với tâm lý nhà đầu tư là một tác động đáng kể. Cung lớn, nhà đầu tư chờ đợi và chưa sẵn sàng mua vào. Trong khi đó thị trường bất động sản và thị trường vàng thời gian qua sôi động đã thu hút một nguồn vốn nhất định.

Vậy trước những vấn đề đó, những giải pháp đặt ra hiện nay là gì?

Trước hết, Bộ Tài chính đã có đề nghị lên Chính phủ tạm ngừng đánh thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng vừa có chỉ đạo cụ thể, đồng ý với đề nghị này.

Thứ hai là giãn kế hoạch IPO những doanh nghiệp lớn. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét lộ trình IPO một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thị trường. Hiện kế hoạch IPO Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn tiến hành trong tháng 1/2008, nhưng kế hoạch IPO của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Ngân hàng Công thương (Incombank) sẽ xem xét lùi lại để tránh tác động đến thị trường. Bởi vì cung hàng của những doanh nghiệp này lớn, như Sabeco khoảng 10.000 tỷ đồng, sẽ ảnh hưởng đến cầu.

Thực chất thì hiện nay thị trường vẫn thiếu hàng, nhưng do sức cầu yếu nên cần dãn IPO cho phù hợp, làm sao để đảm bảo lợi ích, hiệu quả và thời điểm thích hợp.

Thứ ba, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng phối hợp thực hiện mua ngoại tệ để tăng VND quy đổi, tháo gỡ khó khăn đối với nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Việc mua ngoại tệ được thực hiện nhanh nhưng đồng thời là sử dụng các công cụ thị trường mở, phát hành tín phiếu… để hút tiền trong lưu thông về.

Thứ tư, để kích cầu, Ủy ban Chứng khoán cũng như các bên liên quan sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tư nhân thành lập quỹ đầu tư. Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị sớm cho phép thành lập công ty quản lý quỹ đầu tư 100% vốn nước ngoài sớm hơn lộ trình cam kết WTO. Bộ Tài chính cũng sẽ có đề nghị nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết lên 49% khi đi vào quản lý và tổ chức giao dịch…

Liên quan đến Chỉ thị 03, tôi cho rằng dư nợ 3% không phải là cao so với các lĩnh vực khác. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho vay loại này theo cơ chế kiểm soát của các ngân hàng. Tức là mỗi ngân hàng có thể có một hạn mức khác nhau, tùy theo khả năng kiểm soát và quản lý cũng như yêu cầu tăng dự phòng rủi ro tương ứng; chẳng hạn như ngân hàng có thể cho vay ở tỷ lệ cao nhưng phải có tỷ lệ dự phòng cao tương ứng.

Như thế, các ngân hàng sẽ có một cơ chế linh hoạt và theo các hạn mức khác nhau như 5%, 7%... thay vì 3% như hiện nay.

Theo ông, những giải pháp trên được triển khai sẽ có hiệu quả như thế nào đối với thị trường chứng khoán trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, với việc tạm ngừng đánh thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán như chủ trương của Chính phủ là một tác động rất tốt tới tâm lý nhà đầu tư. Những giải pháp khác như giãn IPO, kích cầu, tạo thuận lợi cho vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài quy đổi… như đề cập ở trên sẽ hỗ trợ kích cầu đầu tư và cả tâm lý. Sức cầu có thể sẽ khả quan hơn, thị trường sẽ phát triển tốt hơn.