08:59 09/04/2022

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giảm tuần này

Bình Minh

“Tuy nhiên, tin xấu giờ đã được phản ánh hết và thị trường đang chờ những dữ liệu tiếp theo”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/4), nhưng hoàn tất một tuần đi xuống do nhà đầu tư lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Giá dầu cũng có một tuần giảm do các nước giàu xả mạnh dữ trữ.

NỖI LO CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ THẮT CHẶT KHIẾN CỔ PHIẾU MẤT GIÁ

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 137,55 điểm, tương đương tăng 0,4%, đạt 34.721,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,27%, còn 4.488,28 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,34%, còn 13.711 điểm.

Cả ba chỉ số cùng giảm trong tuần, với S&P 500 giảm 1,27%; Nasdaq mất 3,86%; và Dow Jones trượt 0,28%. Đây là tuần giảm thứ hai liên tiếp của Dow Jones.

Các tín hiệu từ Fed trong tuần này cho thấy ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có thể hành động quyết liệt hơn nữa để chống lạm phát.

“Tuy nhiên, tin xấu giờ đã được phản ánh hết và thị trường đang chờ những dữ liệu tiếp theo”, chuyên gia Adam Crisafulli của Vital Knowledge nhận định trong một báo cáo. “Chúng tôi cho rằng tuần này thực ra không có diễn biến gì lớn, ngoài những phát biểu của Thống đốc Fed Lael Brainard về sự cần thiết phải thắt chặt mạnh mẽ để chống lạm phát. Mấy ngày qua, thị trường đã ‘tiêu hoá’ những phát biểu đó”.

Triển vọng lãi suất tăng mạnh và nguy cơ suy thoái kinh tế gây áp lực mất giá lên các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn trong phiên ngày thứ Sáu. Các hãng chip Nvidia và Micron giảm tương ứng 4,5% và 1,4%. Tesla, Alphabet và Apple giảm 3%; 1,9%; và 1,2%.

Trái lại, cổ phiếu tài chính như JPMorgan Chase và American Express tăng khá mạnh phiên này, đảo ngược xu thế giảm vào đầu tuần. Cổ phiếu tài chính thường hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng vì lãi suất cao hơn thường cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng.

Biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed công bố vào hôm thứ Tư tuần này cho thấy Fed dự kiến mỗi tháng cắt giảm 95 tỷ USD trái phiếu trong bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, biên bản cũng cho thấy Fed có ý định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong ít nhất một cuộc họp của năm nay. Fed đã nâng lãi suất vào tháng 3 và dự kiến có thêm 5-6 lần nâng nữa trong cả năm nay.

“Công cụ chính của Fed là lãi suất, nên nỗ lực chống lạm phát của Fed chủ yếu là bằng lãi suất. Nhưng ngoài nâng lãi suất, Fed còn bắt đầu rút thanh khoản khỏi hệ thống”, bà Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Oxford Economics, phát biểu. “Họ sẽ cắt giảm số trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc mà họ đang nắm giữ với tốc độ cắt giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Đó là một lượng thanh khoản lớn được rút khỏi hệ thống, và nhà đầu tư khu vực tư nhân sẽ phải lấp đầy chỗ trống đó”.

Lập trường cứng rắn của Fed đẩy lợi suất trái phiếu tăng. Trong phiên ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 2,7%, cao nhất gần 3 năm. Lợi suất này kết thúc tuần trước ở mức dưới 2,4% và khởi đầu năm 2022 ở mức hơn 1,6%.

“Chu kỳ tăng lãi suất có khả năng diễn ra với tốc độ quyết liệt này phản ánh một thực tế rằng Fed (và phần lớn các chuyên gia kinh tế) trước đây đã quá lạc quan khi tin rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Fed giờ đây phải đuổi theo lạm phát vì đã bị chậm”, chiến lược gia trưởng về đầu tư cổ phiếu của Barclays, ông Maneesh Deshpande, phát biểu.

Tuần tới, Phố Wall sẽ bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2022, được khởi động với loạt báo cáo từ 5 ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Wells Fargo.

GIÁ DẦU GIẢM VÌ CÁC NƯỚC GIÀU XẢ DỰ TRỮ

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,2 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt phiên ngày thứ Sáu ở 102,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,23 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, chốt ở 98,26 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent giảm 1,5% và giá dầu WTI giảm 1%.

Tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuyên bố các quốc gia thành viên của tổ chức sẽ xả 60 triệu thùng dầu trong 6 tháng, ngoài 180 triệu thùng mà Mỹ dự kiến xả trong cùng khoảng thời gian. Việc xả dự trữ này sẽ bắt đầu từ tháng 5. Như vậy, trong vòng 6 tháng, thị trường dầu thế giới sẽ được bổ sung 240 triệu thùng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc xả dự trữ này chỉ là một giải pháp tạm thời và không giải quyết được những vấn đề mang tính cơ cấu của thị trường.

“Có nhiều ý kiến nói rằng xả dự trữ chỉ kéo giá dầu xuống một cách giả tạo và tạm thời. Nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng lên và nguồn cung bổ sung đó sẽ bị đốt rất nhanh”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.

Việc các nước giàu xả dự trữ dầu cũng có thể khiến các nhà sản xuất dầu lớn, gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, chần chừ trong việc tăng sản lượng cho dù giá dầu đang ở vùng 100 USD/thùng – theo một báo cáo của ANZ Research.

Theo nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil, vẫn còn đó những hoài nghi về việc liệu nguồn cung dầu bổ sung nói trên có giải quyết được sự thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga. JPMorgan Chase cho rằng trong ngắn hạn, lượng dầu được xả từ dự trữ sẽ thừa để bù đắp 1 triệu thùng dầu mỗi ngày bị gián đoạn từ Nga, nhưng vấn đề là sự gián đoạn này có thể sẽ kéo dài, thậm chí vĩnh viễn.

“Nhìn về năm 2023 và xa hơn, các nước sản xuất dầu sẽ cần phải đẩy mạnh đầu tư khai thác, vừa để bù đắp nguồn cung dầu gián đoạn từ Nga, vừa để làm đầy lại dự trữ chiến lược của các nước thành viên IEA”, một báo cáo của JPMorgan Chase nhận định.

Liên quan đến sản lượng dầu của Nga, nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga giảm còn 10,52 triệu thùng/ngày trong thời gian từ 1-6/4, từ mức bình quân 11,01 triệu thùng/ngày của tháng 3. Về cuộc chiến tranh, điện Kremlin ngày 8/4 nói rằng “chiến dịch đặc biệt” của Nga ở Ukraine có thể kết thúc “trong tương lai gần”.

Cùng ngày, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn lệnh cấm nhập khẩu than Nga. Tiếp theo, khối này sẽ bàn về cấm nhập khẩu dầu Nga.

Tuần này, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ việc thành phố Thượng Hải của Trung Quốc phải phong toả để chống dịch Covid-19 bùng phát. Số ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng đang đặt ra khả năng Thượng Hải phải gia hạn phong toả.

Ngoài ra, dầu còn chịu sức ép mất giá từ đồng USD mạnh lên do khả năng Fed thắt chặt mạnh tay. Cả tuần, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng hơn 1,2%.