Chứng khoán sáng 1/11: Choáng váng, nhóm cổ phiếu Vin khuynh đảo thị trường
VN-Index đột ngột bùng nổ tăng trong sáng nay chỉ với "tờ A4" thông báo mua cổ phiếu quỹ của VHM và VRE
VN-Index đột ngột bùng nổ tăng trong sáng nay chỉ với "tờ A4" thông báo mua cổ phiếu quỹ của VHM và VRE. Đặc biệt là VHM, chỉ 1 phiên sáng đã nhảy lên sát đỉnh cao lịch sử.
Trong 5 cổ phiếu chiếm gần như toàn bộ mức tăng của VN-Index sáng nay (11,26 điểm) thì cả ba cổ phiếu nhóm "vin" dẫn đầu là VHM, VIC và VRE. Còn lại là VNM và VCB. 5 mã này đóng góp 11 điểm cho VN-Index.
VHM đang tăng 6,74% so với tham chiếu, chưa phải là phiên tăng mạnh nhất trong lịch sử. VHM còn 2 bước giá nữa mới kịch trần để đạt tới phiên tăng như ngày 21/2/2019. Tuy nhiên mức tăng cực mạnh sáng nay đã đưa VHM nhảy lên 95.000 đồng, tương đương với vùng đỉnh cao nhất trong lịch sử.
Chỉ nhờ thông tin mua lại 60 triệu cổ phiếu quỹ vừa công bố đầu phiên mà giá VHM lập tức tăng đột biến. Chưa mua cổ phiếu quỹ mà vốn hóa của VHM đã tăng thêm 20.097 tỷ đồng, đóng góp gần 6,5 điểm cho VN-Index.
Ngoài ra, VRE cũng "bồi" thêm thông tin mua 56,5 triệu cổ phiếu quỹ nữa, đẩy giá tăng 4,52%. VIC không có tin gì, nhưng cũng tăng 1,6%. Như vậy nhóm cổ phiếu vin sáng nay bùng nổ vốn hóa thêm xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.
VN-Index bị sức kéo không cưỡng lại được từ các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường nên đã tăng vùn vụt vượt trở lại 1.000 điểm và phi tiếp lên 1.010,08 điểm cuối phiên sáng. Chỉ số đã quay lại sát đỉnh cao nhất năm 2019 hồi tháng 3 vừa qua, khi VN-Index đóng cửa 1.011,86 điểm.
Diễn biến bùng nổ của chỉ số hoàn toàn bất ngờ và chỉ nhờ một thông tin mua cổ phiếu quỹ. Nhà đầu tư đổ xô vào mua VHM, VIC, VRE, đặc biệt là VHM và VRE đạt thanh khoản cao nhất thị trường sau ROS, với 139,8 tỷ đồng và 196,7 tỷ đồng giá trị. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có mua khá nhiều ở hai mã này nhưng chỉ chiếm khoảng 35% thanh khoản, còn lại là nhà đầu tư trong nước.
Thông tin mua cổ phiếu quỹ quy mô lớn như vậy dĩ nhiên là yếu tố hỗ trợ tâm lý tốt. Tuy nhiên điều cần lưu ý là chưa hẳn đây sẽ là mua qua khớp lệnh thị trường và lý do "định giá thấp hơn thị trường" chỉ là câu nói. Thị trường đã từng có nhiều thương vụ mua cổ phiếu quỹ rất lớn, nhưng thực chất là chuyển nhượng theo thỏa thuận với một đối tác, cổ đông lớn nào đó.
Ngoài đột biến của nhóm cổ phiếu Vin, một số blue-chips khác cũng khá mạnh sáng nay là VNM tăng 1,31%, VCB tăng 0,8%, MSN tăng 1%. Thật bất ngờ là số tăng còn lại trong nhóm VN30 rất làng nhàng. Chỉ số này đang tăng 0,7% với 16 mã tăng/8 mã giảm trong khi VN-Index tăng 1,13% với 135 mã tăng/166 mã giảm. VHM, VNM, VIC, VRE vẫn là 3 cổ phiếu đẩy VN30 nhiều nhất, nhưng sức đẩy bị hạn chế rất nhiều do đều giới hạn vốn hóa.
VN-Index tăng mạnh chỉ nhờ nhóm 5 mã lớn nhất nói trên, còn lại tăng giá nhẹ. Độ rộng rất hẹp cho thấy sự tập trung rất khác thường vào nhóm trụ, thay vì có sự lan tỏa tăng giá. Bản thân VN30 đà tăng giá cũng không lan tỏa.
HNX dĩ nhiên "đóng băng" vì sức nóng của VIC, VHM, VRE không lan đến được. HNX-Index tăng 0,1% với 40 mã tăng/58 mã giảm. HNX30 tăng 0,13% với 7 mã tăng/9 mã giảm.
Thanh khoản hai sàn sáng nay chỉ tăng 1,7% so với sáng hôm qua, đạt 1.933,5 tỷ đồng. ROS giảm giao dịch một chút nên phần còn lại tăng hơn 5%. Tuy nhiên giao dịch lại cực kỳ đột biến ở VHM, VRE. Nếu tính chung thì cả 3 mã này chiếm tới 35% giá trị khớp cả sàn HSX và chiếm 51,2% giá trị rổ VN30. Đây là điều đáng lo với thanh khoản ở nhóm còn lại.
Nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh cổ phiếu "Vin" nên đẩy giao dịch lên cao. HSX được giải ngân 335,9 tỷ đồng, bán ra 203,1 tỷ đồng. VN30 được mua 233,8 tỷ đồng, bán ra 139,3 tỷ đồng. HNX có chuyển nhượng 141,6 tỷ đồng với NVB. Các mã được mua ròng lớn là VRE, VHM, NVB, VCB, HPG, VIC, PPC, VNM. Phía bán ròng có SSI, MSN và POW.