Chứng khoán sáng 23/11: Khối ngoại nhẹ nhàng “cover” VNM
Thị trường tiếp tục lình xình khá đơn điệu trong sáng nay bất chấp một số mã đầu cơ vẫn nóng
Thị trường tiếp tục lình xình khá đơn điệu trong sáng nay bất chấp một số mã đầu cơ vẫn nóng. Giao dịch của khối ngoại có phần khởi sắc nhờ hoạt động mua lại với VNM.
Đã có 266.720 VNM được mua trong phiên sáng, tương đương hơn 35 tỷ đồng từ phía nhà đầu tư nước ngoài. Hôm nay đúng vào ngày T+3 của giao dịch bán ròng hơn 260.000 VNM của khối này hôm 17/11 vừa qua.
Như vậy gần như chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài đã đảo hàng với VNM tại đỉnh cao quanh 140.000 đồng khi thấy giá lên quá nóng. Khối ngoại có thể sẽ tiếp tục mua vào VNM trong ngày mai để bù nốt hơn 139.000 cổ phiếu bán ròng ngày 18/11 nữa.
Mặc dù lực đỡ của nhà đầu tư nước ngoài khá tốt ở VNM sáng nay, chiếm gần 38% thanh khoản và chủ yếu mua ở mức giá trên tham chiếu 132.000-133.000 đồng, VNM vẫn có dấu hiệu bị xả. Cầu ngoại đã tạo một chút biến động giá mạnh ngay từ lúc mở cửa với 147.830 cổ phiếu khớp giá 133.000 đồng.
Giá còn được đẩy lên cao hơn sau đó khi nhà đầu tư nhìn thấy biến động mạnh lúc mở cửa. Lúc gần 10h, VNM còn lên tới 133.000 đồng một lần nữa, trước khi bị xả lớn đè xuống tham chiếu. Cổ phiếu này hiện vẫn đang bị chặn bán lớn ở tham chiếu và giá chốt phiên sáng giảm 0,76%.
Ngoài VNM, nhóm dầu khí là “thảm họa” của thị trường sáng nay khi đồng loạt giảm theo giá dầu thế giới. Giá dầu trồi sụt khiến các cổ phiếu dầu khí phập phù rất khó đoán. Mới phiên cuối tuần một số mã tăng khá, hôm nay đã đồng loạt giảm.
Tác động mạnh ở HSX là GAS giảm 0,69%, PVD giảm 0,9%. Ở HNX có PVG giảm 1,12%, PVC giảm 0,55%, PVB giảm 1,41%, PLC giảm 0,79%, PGS giảm 0,53%.
HNX khá may mắn có PVS lại tăng 0,5% với thanh khoản cực thấp, gần như là chỉ tăng kỹ thuật. Tuy nhiên tác động lên chỉ số lại khá tốt.
Mặc dù độ rộng ở VN30 không quá tệ với 13 mã tăng/8 mã giảm nhưng chỉ số chỉ tăng được 0,23%. Nguyên nhân là vẫn có những mã vốn hóa khá cao giảm ngoài VNM như EIB, GMD, KDC, PVD, CSM. Trong khi đó không nhiều mã tăng thực sự mạnh với thực lực tốt trên tham chiếu. Chỉ có CII, FLC, HCM, HHS, HPG, HVG, SSI là tạo được khoảng cách khá lớn. Nhiều mã trong số này lại có vốn hóa nhỏ.
Rổ HNX30 cũng có độ rộng không khác nhiều lắm VN30, với 14 mã tăng/9 mã giảm. Tuy nhiên chỉ số lại tăng 0,99%. Ngoài những mã dầu khí, không còn cổ phiếu nào lớn giảm đáng kể ở HNX30. Ngược lại, PVS vẫn tăng, SHB, ACB không giảm và nhóm chứng khoán, bất động sản khá mạnh.
Các cổ phiếu chứngkhoán là hiện tượng bất ngờ sáng nay: SSI tăng 2,58%, HCM tăng 3,24%, VND tăng 3,01%, SHS tăng 5,41%, BVS tăng 1,59%, KLS tăng 2,94%. Nhiều mã chứng khoán nhỏ thậm chí tăng nóng hơn.
Các cổ phiếu bất động sản vẫn còn nhiều mã tăng, nhưng bắt đầu có sự phân hóa đáng kể. VCG, SCR, HUT, TDH, CEO… vẫn mạnh nhưng HAG, VIC, SJS, NTL, TDH, ITA, KBC… lại chỉ tham chiếu hoặc giảm.
Sau một nhịp tăng mạnh sớm đầu phiên nhờ VNM bất ngờ được khối ngoại tác động giá tốt, thị trường nhanh chóng hạ nhiệt và suy giảm dần. Suốt từ sau 10h30, VN-Index hầu như chỉ co giật quanh tham chiếu mà không thể bứt phá được. Nguyên nhân vẫn là do nhóm blue-chips không giữ được đà tăng của phiên cuối tuần trước cũng như chút sức mạnh đầu phiên sáng nay.
Tuy thế diễn biến này cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến các cổ phiếu vừa và nhỏ. Xu hướng đầu cơ vẫn mạnh, chỉ có điều sức căng giá không còn như tuần trước và đã có sự phân hóa. VNMidcap cũng tạo đỉnh lúc 10h và đang suy yếu, mức tăng chỉ còn 0,66%. VNSmallcap khá hơn, đang tăng 0,72% nhưng cũng chỉ còn tập trung vào số ít cổ phiếu như BHS, DRH, EMC, HAX, MHC, LSS, TNT, VNE, SRC. Sàn HNX, chỉ số của nhóm vừa và nhỏ thậm chí đang giảm 0,19%.
Độ rộng thị trường vẫn khá tốt nhờ 110 mã tăng/79 mã giảm ở HSX, 77 mã tăng/65 mã giảm ở HNX. Tuy nhiên sự sôi động và động lực là quá yếu nếu trông đợi vào các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Thanh khoản thị trường có sự gia tăng gần 9% sáng nay, đạt 1.405,7 tỷ đồng chủ yếu do VNM giao dịch mạnh lên. Ngoài ra SBT và HHS cũng giao dịch khá lớn. VNM tăng quy mô khớp lệnh tới 45% so với sáng hôm thứ Sáu tuần trước. SBT tăng gần gấp ba còn HHS tăng gần 1,7 lần tính theo giá trị khớp lệnh.