14:34 23/01/2008

Chứng khoán thế giới: “Bật dậy” sau “mũi tiêm” của FED

Kiều Oanh

Màu đỏ đã tan trên thị trường chứng khoán châu Á hôm nay (23/1), khi các chỉ số chính đồng loạt phục hồi ngoạn mục

Dẫn đầu thị trường chứng khoán châu Á trong phiên phục hồi ngày hôm nay là thị trường Hồng Kông.
Dẫn đầu thị trường chứng khoán châu Á trong phiên phục hồi ngày hôm nay là thị trường Hồng Kông.
Màu đỏ đã tan trên thị trường chứng khoán châu Á hôm nay (23/1), khi các chỉ số chính đồng loạt phục hồi ngoạn mục. Nhưng tại thị trường Mỹ, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Cứu bạn, nhưng chưa thể cứu mình

Động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đêm qua giống như một cơn gió lành thổi tới thị trường châu Á , tạm thời trấn an những hoang mang của giới đầu tư về sự suy thoái kinh tế toàn cầu, mà dẫn đầu là kinh tế Mỹ. Phiên giao dịch ngày hôm nay đã chính thức chấm dứt hai ngày chấn động mạnh nhất của thị trường chứng khoán châu Á trong 18 năm qua.

Dẫn đầu thị trường chứng khoán châu Á trong phiên phục hồi ngày hôm nay là thị trường Hồng Kông, với chỉ số Hang Seng tăng 5,29% lên mức 22.907,84 điểm. Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hồng Kông đã “xanh” lại, với mức tăng 8,3% trong buổi sáng nay, sau phiên điều chỉnh tồi tệ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây vào ngày hôm qua.

Tại thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 tăng 2%, lên mức 12.829,06 điểm. Chỉ số Topix cũng tăng 2,46% lên mức 1.249,93 điểm.

Tại thị trường Singapore, chỉ số Straits Times tăng 1,41%, lên mức 2.906,98d điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX của thị trường Australia cũng lên thêm 4,35%, đạt mức 5412,30 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc chỉ tăng 1%, còn chỉ số chính của thị trường Thượng Hải lúc kết thúc ngày giao dịch lại đi ngang, mặc dù trước đó cũng tăng khá mạnh.

Tính đến 3h chiều tại Tokyo, chỉ số MSCI của thị trường châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 2,8%, mạnh nhất kể từ ngày 19/9 năm ngoái, bù đắp lại mức sụt giảm 10% trong hai ngày đầu tuần.

Thị trường châu Âu ngày hôm qua cũng kết thúc một phiên đầy hứng khởi. Thông tin FED cắt giảm lãi suất tới 0,75% ngay lập tức đã có tác dụng “vực dậy” các cổ phiếu châu Âu vào những giờ cuối của phiên giao dịch, đưa thị trường thoát khỏi ngưỡng thấp nhất trong 15 tháng qua. Lúc đóng cửa, các chỉ số trên thị trường này đều “xanh mướt”.

Chỉ số Dow Jones Stoxx 600 tăng 2,2% lên mức 315,55 điểm. Chỉ số FTSE 100 tại thị trường London được bổ sung thêm 2,9%, lên mức 5.740,10 điểm. Chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp tăng 2,07%, đạt 4.842,54 điểm. Tất cả các chỉ số chủ chốt của các thị trường khác ở châu Âu cũng đều lên điểm, ngoại trừ chỉ số DAX 30 của thị trường Đức là mất điểm nhẹ.

Giới quan sát dự báo, thị trường châu Âu sẽ tiếp tục có một phiên “xanh” ngoạn mục trong ngày hôm nay.

Mặc dù FED đã giúp chặn được đà tuột dốc của thị trường chứng khoán thế giới, nhưng lại chưa thành công lắm trong việc cứu thị trường trong nước. Đầu phiên giao dịch hôm qua, các hàn thử biểu trên Phố Wall tiếp tục sụt giảm mạnh. Sau đó, thông tin về việc lãi suất USD đột ngột hạ xuống đã hãm phanh xu thế “nhảy cầu” này lại, nhưng đến cuối ngày, các chỉ số chính của thị trường Mỹ vẫn ngập trong sắc đỏ.

Chỉ số Dow Jones mất 1,06%, còn 11,971,19 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,04%, xuống 2.292,27 điểm, còn chỉ số S&P500 giảm 1,1%, còn 1.310,50 điểm. Đến nay Dow Jones đã giảm 15,5% so với mức đỉnh vào tháng 10 năm ngoái, trong khi Nasdaq đã mất đi 19,8% số điểm.

Sự hồi phục không bền vững?

Ngày hôm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo, nhận định rằng, khả năng tăng trưởng chậm lại đáng kể của kinh tế toàn cầu năm nay dường như đã trở nên tất yếu. Cũng theo IMF, việc “cứu trợ” thị trường tài chính thế giới trong năm nay sẽ là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp.

“Tình hình thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh trong những ngày qua đã cho thấy rõ viễn cảnh của tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay”, phát ngôn viên Masood Ahmed của IMF nhận định. Ông cũng bày tỏ sự hoan nghênh đối với quyết định của FED và cho rằng đó là một hành động phù hợp và hữu ích.

Nhiều chuyên gia khác cũng chia sẻ quan điểm của IMF và cho rằng, cho tới khi có những số liệu cho thấy kinh tế Mỹ đã thoát khỏi nguy cơ suy thoái, sự hồi phục của thị trường chứng khoán toàn cầu chưa chắc đã bền vững. Mặt khác, việc cắt giảm lãi suất cũng cần phải có một khoảng thời gian nhất định để phát huy tác dụng.

Do đó, tâm điểm chú ý của chứng khoán thế giới trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục là tình hình kinh tế Mỹ có dấu hiệu được cải thiện hay không.

Những cổ phiếu đi đầu

Nếu như trong ngày hôm qua, những cổ phiếu mất giá nặng nền nhất tại thị trường châu Á là cổ phiếu của các tập đoàn tài chính, xuất khẩu và liên quan đến khai mỏ, thì hôm nay, đây lại là những cổ phiếu dẫn đầu sự phục hồi của thị trường.

Tại thị trường Australia, cổ phiếu của hãng khai mỏ lớn nhất thế giới BHP Billiton tăng mạnh nhất trong 20 năm qua nhờ giá vàng và đồng tăng mạnh sau quyết định của FED. Mức tăng 9,3% hôm nay đã giúp cổ phiếu này bù đắp lại phần nào khoản mất mát 20% trong hai phiên trước. Cổ phiếu của tập đoàn khai mỏ lớn thứ ba thế giới Rio Tinto cũng tăng 5%, trong khi cổ phiếu của Nippon Mining - hãng khai mỏ lớn nhất Nhật Bản tăng 5,4%.

Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC niêm yết tại Hồng Kông cũng tăng tới 7,6%, trong khi cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi UFJ lên giá 3,9%. Cổ phiếu của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) niêm yết tại thị trường Hồng Kông cũng tăng 3,9%.