16:00 09/01/2008

Chứng khoán thế giới: “Ngày thứ Ba đen tối”

Kiều Oanh

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một “ngày thứ Ba đen tối”, thị trường châu Á và châu Âu cũng chao đảo mạnh

Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ hiện đang phải đối diện với một loạt những nỗi lo.
Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ hiện đang phải đối diện với một loạt những nỗi lo.
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một “ngày thứ Ba đen tối”, thị trường châu Á và châu Âu cũng chao đảo mạnh.

Chứng khoán Mỹ “rơi tự do”

Trong suốt phiên giao dịch, giá các cổ phiếu trên Phố Wall liên tục lên xuống. Tuy nhiên, đến cuối ngày, các hàn thử biểu chính đồng loạt chốt lại với màu đỏ đáng sợ.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 238,2 điểm tương đương 1,86%, đóng cửa ở mức 12.589,07 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 58,95 điểm, tương đương 2,36%, xuống còn 2.440.51 điểm. Còn chỉ số S&P 500 tụt mất 25,99 điểm, còn lại 1.390,19 điểm. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu loại nhỏ cũng giảm mất 2,6%.

Đầu phiên giao dịch, các nhà đầu tư đã cố gắng chống đỡ những thông tin xấu về việc thay đổi giám đốc điều hành (CEO) tại tập đoàn tài chính Bear Stearn và hãng cà phê Starbucks.

Thêm vào đó là “hung tin” từ thị trường địa ốc Mỹ. Hiệp hội Các công ty bất động sản Mỹ cho biết, các hợp đồng bán nhà hiện hữu đã giảm ngoài dự kiến, với mức giảm 2,6%, trong tháng 11 vừa qua. Hiệp hội này đồng thời cũng rút lại dự báo trước đó cho rằng, giá nhà sẽ tăng trong năm 2009.

Cũng ngay trong buổi sáng, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson phát biểu cho rằng, các vấn đề trên thị trường địa ốc Mỹ vẫn chưa hề giảm nhẹ. Một quan chức khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thì nhận định, nước Mỹ sẽ phải chứng kiến một thời kỳ suy giảm đầu tư vào bất động sản dài nhất trong 50 năm.

Vào giữa phiên giao dịch, có lúc giá các cổ phiếu đã được đẩy lên chút ít, tuy nhiên, vào cuối ngày, giới đầu tư trên Phố Wall dường như không thể chịu đựng thêm nữa khi cổ phiếu của ngân hàng cho vay lớn nhất nước Mỹ, Countrywide Financial, mất giá tới hơn 30%, lao thẳng xuống mức thảm bại nhất kể từ năm 1987 đến nay, mặc dù các quan chức của Countrywide Financial đã nỗ lực xua tan những tin đồn cho rằng ngân hàng này chuẩn bị phá sản. Sự mất giá của cổ phiếu Countrywide Financial được coi là một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tín dụng “dưới chuẩn” của Mỹ.

Chưa hết, thị trường phải hứng chịu thêm một “quả đấm” nữa khi một báo cao được tung ra cho thấy nợ thẻ tín dụng tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 11 đã tăng lên mức 15,4 tỷ USD, cao gấp gần 2 lần so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Thêm vào đó, cổ phiếu của tập đoàn công nghệ AT&T mất giá tới 4,6% sau khi tập đoàn này cho biết, bộ phận công nghệ tiêu dùng của tập đoàn đang suy giảm hoạt động.

Kết quả là, chỉ trong vòng nửa giờ cuối cùng của ngày giao dịch, các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu, khiến các chỉ số đồng loạt vẽ đồ thị xuống dốc theo chiều thẳng đứng.

Một số nhà phân tích cho rằng, mặc dù liên tục xuống dốc trong những ngày đầu tiên của năm 2008 này, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy. “Có thể đây mới chỉ là sự khởi đầu của một giai đoạn điều chỉnh toàn thị trường, một dấu hiệu điển hình về suy thoái kinh tế”, nhà phân tích thị trường Ryan Atkinson tại công ty Balestra Capital nhận định.

Trong vòng một năm qua, chỉ số S&P 500 đã giảm 5,3%, chỉ số Dow Jones tuột 5,1%, trong khi Nasdaq cũng đã mất 8%.

Giới chuyên môn nhận xét, các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ hiện đang phải đối diện với một loạt những nỗi lo, bao gồm những cú sốc về giá dầu, những lo ngại về tình hình bầu cử và nguy cơ suy thoái kinh tế, trạng thái kinh tế kết hợp giữa tăng trưởng chậm chạm và lạm phát cao. Với nguy cơ suy thoái đang tiến sát hơn bao giờ hết, Phố Wall đang trông đợi FED cắt giảm lãi suất đồng USD thêm 0,5% trong cuộc họp của tổ chức này vào cuối tháng 1 năm nay.

Châu Á “đỏ” rồi “xanh”, châu Âu giảm mạnh

Thị trường châu Á mở cửa ngày giao dịch 9/1 không lâu sau khi thị trường Mỹ đóng cửa, và do đó, “ngày thứ Ba đen tối” trên Wall Street ngay lập tức khiến các cổ phiếu “phương Đông” đồng loạt mất giá mạnh mẽ, nhưng khép lại ngày giao dịch, thị trường này lại có một phiên tăng khả quan nhất kể từ đầu năm.

Chỉ số MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản gần như ngay lập tức “đánh mất” 0,7% số điểm, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/12. Tuy nhiên, đến cuối ngày, chỉ số này đã “xanh” trở lại, với mức tăng 0,9% lên 154,47 điểm.

Tương tự, trong suốt phiên giao dịch, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm mạnh, có lúc giảm tới 1,8%, nhưng cuối ngày, chỉ số này tăng thêm 70,49 điểm, tương đương 0,49%, đóng cửa ở mức 14.599,16 điểm. Chỉ số Topix cũng tăng 21,23 điểm, tương đương 1,5%, lên mức 1.424,29 điểm, mặc dù trước đó giảm 1,7%.

Đây là kết quả của việc các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào khi phiên giao dịch chuẩn bị khép lại do giá các cổ phiếu lúc này đã trở nên dẫn hấp dẫn. Cổ phiếu của ngân hàng cổ phần lớn nhất Nhật Bản được niêm yết tăng giá 2,7%.

Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc giảm mất 1,4%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Australia sụt 1% với sự đi đầu của các cổ phiếu ngân hàng và tài chính.

Đi đầu trong việc kéo thị trường châu Á “bật” trở lại trong phiên giao dịch ngày hôm nay không ai khác chính là cổ phiếu của các công ty khai mỏ và dược phẩm.

Cổ phiếu của hãng sản xuất thuốc Takeda Pharmaceutical tăng mạnh nhất trong các loại cổ phiếu dược phẩm vì giới đầu tư đổ xô đi tìm những cổ phiếu ít bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế.

Giá các mặt hàng kim loại, trong đó có vàng, tăng cao cũng giúp cổ phiếu của Jiangxi Copper, hãng khai mỏ lớn thứ hai ở Trung Quốc lên giá mạnh mẽ, với mức tăng 4,2%. Cổ phiếu của một công ty khai mỏ khác là Nippon Mining cũng tăng 3,5%.

Trong khi đó, cổ phiếu của các hãng sản xuất ôtô như Honda của Nhật và Hyundai của Hàn Quốc lại mất giá 0,9% và 0,4% vì tình hình kinh tế ở Mỹ có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của các hãng này.

Khác với thị trường châu Á, thị trường châu Âu cũng trải qua một phiên giao dịch ảm đạm.

Đầu phiên giao dịch tại London, chỉ số Dow Jones Stoxx 600 giảm 0,9% xuống còn 350,1 điểm. Chỉ số Euro Stoxx 50, hàn thử biểu của thị trường các nước sử dụng đồng Euro cũng giảm 0,7%.

Không chỉ chịu tác động của thị trường Mỹ, các chỉ số chứng khoán châu Âu còn giảm vì thông tin từ tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Anh Marks & Spencer cho biết, doanh số của tập đoàn lần đầu tiên giảm trong hơn 2 năm qua, khiến cổ phiếu của Marks & Spencer giảm 16%.

Cổ phiếu của một số công ty công nghệ và viễn thông tại châu Âu, trong đó có Deutsche Telekom của Đức, cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của việc cổ phiếu AT&T mất giá nặng nề tại Mỹ.

Ngoài ra, thị trường còn chịu tác động từ một báo cáo được công bố trong ngày cho thấy niềm tin người tiêu dùng tại Anh giảm xuống thấp nhất trong 10 tháng trở lại đây, do giá dầu tăng cao và thị trường nhà đất ảm đạm.