02:04 28/01/2008

Chứng khoán tuần qua: Bốn giảm, một tăng

Hải Bằng

Trong tuần từ 21 đến 25/1, thị trường ảm đạm nhất kể từ tháng 1/2007 đến nay, giá hàng loạt cổ phiếu chủ chốt sụt mạnh

Niềm tin của nhiều nhà đầu tư đang gặp thử thách lớn - Ảnh: DĐDN.
Niềm tin của nhiều nhà đầu tư đang gặp thử thách lớn - Ảnh: DĐDN.
Trong tuần từ 21 đến 25/1, thị trường ảm đạm nhất kể từ tháng 1/2007 đến nay, giá hàng loạt cổ phiếu chủ chốt sụt mạnh.

Giao dịch khớp lệnh cổ phiếu sụt mạnh xuống mức thấp, nhưng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu lại tăng mạnh, giao dịch chứng chỉ quỹ và trái phiếu cũng tăng khá mạnh. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ở cả 2 sàn đều suy giảm. 

Vn-Index mất hơn 70 điểm

Tuần qua, VN-Index đã sụt mạnh với 4 phiên đầu tuần giảm tới 82,92 điểm, chỉ duy nhất phiên cuối tuần tăng điểm. Sau 5 phiên, VN-Index giảm 71,01 điểm, tương đương mức giảm 8,38%, đứng ở mức 776,04 điểm.

So với tuần trước, có 5 cổ phiếu tăng giá gồm CII, CLC, DCC, NTL và TSC nhưng có đến 136 mã giảm giá và 4 mã đứng giá gồm TMC, TMS, TTC và BF1.

Tuần qua, khá nhiều doanh nghiệp (FPT, SAM, SSI, REE, SFN...) đã công bố báo cáo tài chính năm 2007 với kết quả kinh doanh tương đối khả quan nhưng hầu hết các cổ phiếu này đều giảm hoặc đứng giá.

Đáng chú ý trong nhóm giảm giá là FPT, khi ban lãnh đạo công ty liên tiếp bán cổ phiếu đã khiến nhà đầu tư không còn giữ vững niềm tin vào công ty, bán ra mạnh làm FPT giảm sàn 2 phiên liên tục.

Kết thúc 1 tuần giao dịch, FPT giảm 24.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 178.000 đồng/cổ phiếu. REE và SSI cũng giảm lần lượt 10.000 đồng/cổ phiếu và 13.000 đồng/cổ phiếu.

SAM phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lê phân phối 5:1 nên đã có phiên điều chỉnh kỹ thuật, giảm 10,51%, xuống còn 88.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày 24/1/08 là ngày giao dịch đầu tiên của 9.770.479 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (mã chứng khoán là PIT). Sau 2 phiên giao dịch PIT giảm 15.600 đồng/cổ phiếu so với giá tham chiếu 65.000 đồng/cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên.

Khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch đều giảm mạnh so tuần trước, trung bình mỗi phiên có khoảng 7,7 triệu đơn vị được khớp lệnh (giảm khoảng 1 triệu đơn vị), tương đương giá trị 714,2 tỷ đồng, giảm 122 tỷ đồng so tuần trước đó.

Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,21 triệu cổ phiếu, giảm 8 triệu cổ phiếu và gần 3,13 triệu chứng chỉ quỹ, tăng 2,13 triệu chứng chỉ quỹ so tuần trước. Tổng trị giá khớp lệnh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt 2.958 tỷ đồng, giảm 614 tỷ đồng so tuần trước.

Giao dịch thỏa thuận đạt 3,648 triệu cổ phiếu, tăng 1,92 triệu cổ phiếu, tổng trị giá 301 tỷ đồng, tăng 160 tỷ đồng so tuần trước. Giao dịch trái phiếu đạt hơn 12,55 triệu trái phiếu, tăng 2,3 triệu trái phiếu, tổng trị giá đạt 1.281 tỷ đồng, tăng 260 tỷ so tuần trước.

Tổng lượng đặt bán đạt hơn 56,54 triệu cổ phiếu, giảm hơn 10 triệu cổ phiếu, tổng lượng đặt mua đạt 52,25 triệu cổ phiếu, giảm 14 triệu cổ phiếu, tổng lượng đặt bán chứng chỉ quỹ đạt 4,563 triệu chứng chỉ quỹ và đặt mua 4,188 triệu chứng chỉ quỹ, đều tăng so tuần trước.

Nhà đầu tư nước ngoài giảm mua vào, họ mua khớp lệnh 3,635 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ giảm hơn 0,5 triệu đơn vị và bán khớp lệnh 3,729 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, giảm 0,83 triệu đơn vị so tuần trước. Họ còn mua bán thỏa thuận cùng khối 1,5 triệu STB, 25.000 REE và mua 54.500 TYA. Nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất 653.934 DPM, 266.500 SSI và 208.910 FPT.

HASTC-Index cũng sụt mạnh

Tuần qua, chỉ số HASTC-Index giảm 16,27 điểm, tương đương mức giảm 5,65% và đóng cửa ở mức 271,76 điểm. Tương tự như sàn Tp.HCM, sàn Hà Nội cũng có 4 phiên đầu tuần giảm điểm, phiên cuối tuần mới tăng điểm nhưng rất ít, chỉ tăng được 1,4 điểm.

Tuần qua có 11 cổ phiếu tăng giá, 110 cổ phiếu giảm giá và 1 cổ phiếu không có giao dịch. Ba cổ phiếu mới lên sàn tuần qua là NVC, SDD và VE9 đóng cửa ở mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu, 51.100 đồng/cổ phiếu và 36.400 đồng/cổ phiếu.

Tăng giá nhiều nhất là cổ phiếu CMC, tăng 10.900 đồng/cổ phiếu (+21,67%), tiếp đến là HCT với mức tăng 9.400 đồng/cổ phiếu (+18,4%). Dẫn đầu về mức giảm giá là NST với mức giảm 9.800 đồng/cổ phiếu (-25,93%), tiếp đến là CID giảm 10.500 đồng/cổ phiếu (-22,68%).

Hầu hết các cổ phiếu lớn đều giảm giá: ACB giảm 5.200 đồng/cổ phiếu (-3,94%), BVS giảm 14.200 đồng/cổ phiếu (-8,07%), MIC giảm 8.700 đồng/cổ phiếu, PVS giảm 7.900 đồng/cổ phiếu (-8,2%).

Khối lượng cổ phiếu mua vào của nhà đầu tư nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 274.200 cổ phiếu nhưng vẫn cao hơn lượng bán ra là 162.100 cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất 65.100 PVI và 74.600 PVC.