07:59 06/09/2012

“Chuyển đổi quá nhanh” 13 ngân hàng thương mại

Vũ Ca

13 ngân hàng đã tăng vốn chủ sở hữu lên 10 - 20 lần chỉ trong vòng có 5 năm

13 ngân hàng trước khi chuyển đổi vốn điều lệ chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, theo yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào năm 2011, họ đã buộc phải tăng vốn chủ sở hữu lên 10 - 20 lần chỉ trong vòng có 5 năm.
13 ngân hàng trước khi chuyển đổi vốn điều lệ chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, theo yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào năm 2011, họ đã buộc phải tăng vốn chủ sở hữu lên 10 - 20 lần chỉ trong vòng có 5 năm.
Lần đầu tiên việc chuyển đổi loạt ngân hàng nông thôn lên đô thị dồn dập quãng 2005 - 2007 được đặt ra phân tích khá cụ thể, có lẽ cũng vì những năm gần đây, các vấn đề liên quan mới thực sự định hình.

Giai đoạn 2005 - 2007, nền kinh tế Việt Nam thăng hoa, đặc biệt là các lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Nhu cầu vốn tăng cao phục vụ cho đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đòi hỏi một hệ thống ngân hàng rộng lớn hơn. 13 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn đã được chuyển đổi thành ngân hàng thương mại đô thị trong bối cảnh đó.

Chỉ trong ba năm, một màu hồng như bao trùm các thị trường, các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Có lẽ vì thế mà dự tính về những hệ lụy trong tương lai ít nhiều trên trở nên mờ nhạt. Đến nay, đặc biệt sau những năm khó khăn vừa qua, những hệ lụy của loạt chuyển đổi trở nên rõ ràng hơn.

Và lần đầu tiên, việc chuyển đổi loạt ngân hàng nông thôn lên đô thị quãng 2005 - 2007 được đặt ra phân tích một cách cụ thể, có trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố.

“Chuyển đổi quá nhanh”, tác giả Đinh Tuấn Minh đánh giá trong phần phân tích nội dung trên. Cũng là quá nhanh ở sự phát triển, tầm ảnh hưởng của nhóm ngân hàng thương mại này chỉ vài năm sau đó.

Cụ thể, 13 ngân hàng trước khi chuyển đổi vốn điều lệ chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, theo yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào năm 2011, họ đã buộc phải tăng vốn chủ sở hữu lên 10 - 20 lần chỉ trong vòng có 5 năm.

“Hậu quả của việc phải phát triển với tốc độ cực nhanh của nhóm các ngân hàng này là chúng phải tăng trưởng tài sản bằng mọi giá để tương ứng với lượng vốn chủ sở hữu tăng thêm. Do trình độ quản trị của các ngân hàng này không theo kịp với đà tăng tài sản nên dẫn đến việc chất lượng tín dụng của các ngân hàng này kém”, tác giả Đinh Tuấn Minh phân tích.

Một lý do khác khiến cho chất lượng tín dụng ở các ngân hàng này kém là vì chúng thường là “sân sau” của các tập đoàn, cả nhà nước lẫn tư nhân, vì để tăng vốn chủ sở hữu lớn như vậy các ngân hàng này buộc phải dựa vào vốn đóng góp của chính các tập đoàn này.

Lý do trên cũng được tác giả phân tích thêm trong một nội dung khác của bản báo cáo. Đó là trường hợp các ngân hàng thương mại có cổ đông lớn là các doanh nghiệp (một đặc điểm rất rõ trong cơ cấu của các ngân hàng sau chuyển đổi), thì rất có thể các ngân hàng thương mại này trở thành “sân sau”, chuyên huy động vốn để tài trợ cho các dự án của mình.

Mặc dù theo quy định thì các ngân hàng không được cho các cổ đông của mình vay vốn, nhưng các ngân hàng có thể lách quy định này bằng cách cho các công ty con của các doanh nghiệp vay vốn.

Với khả năng đó, tác giả lo ngại nguy cơ các ngân hàng thương mại có thể sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng từ mối quan hệ trên. Và “nếu điều này xảy ra, đây có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam hiện nay tăng cao”.

Một vấn đề khác nảy sinh khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu quá nhanh của nhóm ngân hàng chuyển đổi này là chính các tập đoàn đằng sau họ cũng phải vay vốn từ các ngân hàng khác để đáp ứng yêu cầu. Hệ quả là vốn vay của các tập đoàn bị sử dụng sai mục đích.

“Đây là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến cho nợ xấu, nợ quá hạn dắt dây trong toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam. Vì lẽ đó, việc khoanh lại nhóm các ngân hàng yếu kém để tái cấu trúc không dễ dàng chút nào”, tác giả Đinh Tuấn Minh nhìn nhận.

Tiếc rằng, có lẽ do khuôn khổ và giới hạn trọng tâm của bản báo cáo nên tác giả không mở rộng phân tích các mối liên hệ, ảnh hưởng khác đối với thị trường từ việc chuyển đổi 13 ngân hàng thương mại nông thôn lên đô thị. Thời gian qua, cũng đã có một số nhận định rời rạc về tác động của loạt chuyển đổi này gắn với những xáo trộn thanh khoản, lãi suất… trong hệ thống.

Hoặc ngược lại, sẽ cân bằng hơn nếu có thêm góc nhìn về sự phát triển của hệ thống từ loạt chuyển đổi đó; thực tế cũng đã có những thành viên sau chuyển đổi đã lớn mạnh nhanh chóng; hay ở góc độ tăng thêm sức cạnh tranh vì lợi ích và lựa chọn của khách hàng.

Có lẽ việc nhận diện những tồn tại là cần thiết hơn cho lúc này, để định hướng xử lý hoặc ít nhất là để thấy một phần thử thách trong quá trình tái cơ cấu hệ thống mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai.

Không liên quan, nhưng báo cáo chuyên đề tháng 9/2012 mà HSBC vừa công bố có nêu một quan điểm có thể tham khảo cho vấn đề này, rằng: “Điều quan trọng nhất là khép lại quá khứ và tập trung vào những công cụ sẵn có để các nhà làm chính sách có thể bình ổn nền kinh tế cũng như gia tăng năng suất”.