15:54 16/03/2023

Chuyên gia khuyến nghị các giải pháp lấp "khoảng trống" trong Luật Đất đai

Thi Nguyễn

Theo Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mekong (MRLG), khoảng 17% các mâu thuẫn đất đai liên quan đến thu hồi đất và đền bù. Việc tranh chấp đất đai vẫn luôn là vấn đề “nóng” được quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) của Việt Nam…

Việt Nam cần có cơ chế rõ ràng để phát triển bền vững thị trường bất động sản
Việt Nam cần có cơ chế rõ ràng để phát triển bền vững thị trường bất động sản

Chiều 15/3, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp cùng với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, liên hiệp hội, nhà khoa học... về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại hội thảo, nhiều vấn đề trọng tâm đã được các chuyên gia thảo luận như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế sử dụng đất, sử dụng nguồn lực đất đai để huy động tài chính, vấn đề về tranh chấp đất đai…

CẦN CÓ CƠ CHẾ RÕ RÀNG VỀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Nhiều chuyên gia cũng đồng thuận rằng vấn đề về tranh chấp đất đai cần phải đặc biệt quan tâm trong Dự thảo sửa đổi Luật đất đai.

Ông Nguyễn Vinh Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai cần cụ thể, chi tiết hóa trong quá trình đăng ký online, đảm bảo được quyền lợi của người mua đất và người sử dụng đất. Cần có cơ chế rõ ràng trong việc giải quyết các hậu quả về tranh chấp. Ngoài ra, việc giảm thiểu tranh chấp đất ở hộ gia đình cũng là vấn đề quan trọng cần được quan tâm.

“Vấn đề về đất đai ở vùng nông thôn liên quan đến đất canh tác, đất vườn, tài sản gắn với đất vẫn còn hạn chế về mặt pháp lý khi tiếp cận với người dân ở những nơi này. Do đó, cần xây dựng pháp lý rõ ràng, cụ thế để họ có thể hiểu về luật sử dụng đất, giúp hạn chế tối đa việc tranh chấp đất giữa người dân với nhau hoặc với ngân hàng”, ông Vinh Huy nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Brian Garcia, Quản lý Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mekong (MRLG), cũng chỉ rõ những “khoảng trống” về Luật Đất đai và đưa ra những khuyến nghị xoay quanh ba nội dung chính.

Thứ nhất, vấn đề liên quan đến việc cam kết bảo đảm quyền sử dụng đất và sự hài hòa giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp năm 2017 nhằm khẳng định cam kết tôn trọng không gian sống, quyền hưởng dụng theo phong tục và ưu tiên giao đất cho cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, cần quan tâm đến việc lấy ý kiến và sự đồng thuận của cộng đồng, người dân trong việc sửa đổi luật và các hoạt động quản lý đất đai quan trọng. Vì đây là vấn đề có khả năng ảnh hưởng đến sinh kế hoặc không gian sống của các hộ sản xuất và đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, việc bổ sung các quy định rõ ràng về cơ chế giải quyết xung đột để người dân có thể tiếp cận luật dễ dàng hơn. Cần có cơ chế giải quyết khiếu nại, xung đột và hỗ trợ pháp lý khi có yêu cầu của người dân, đặc biệt trong quá trình thu hồi đất, bồi thường và tái định cư, tích tụ đất.

GỠ NÚT THẮT ĐỂ THU HÚT FDI

Nhận định của các chuyên gia cho thấy Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển bất động sản trong tương lai. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vũng lãnh thổ châu Á như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...

Theo đại diện Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam (VBF), việc bổ sung và giải thích rõ ràng các khái niệm sẽ giúp các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn về quy định về đất đai. Trong đó, VBF đặc biệt nhắc đến cụm từ “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” vì đây là một trong những khái niệm quan trọng, liên quan đến quyền sử dụng đất của doanh nghiệp.

Ông Darryl Dong, Phó giám đốc Quốc gia Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), cho rằng để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao năm 2040 và thực hiện cam kết về việc đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam cần có một lượng vốn khổng lồ, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc sửa đổi Luật đất đai sẽ giúp Việt Nam tháo gở nút thắt về nguồn vốn.

“Hành trình phát triển hai mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và cân bằng phát thải của Việt Nam là quyết định táo bạo và đầy tham vọng. Đây là vấn đề không đơn giản, Việt Nam cần chủ động thực hiện, gỡ bỏ nút thắt từ việc sửa đổi Luật Đất đai để giúp thu hút tốt nguồn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam”, ông Darryl Dong chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ liên đoàn luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết những nhà đầu tư nước ngoài nhận định Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển bất động sản lớn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề pháp lý còn vướng mắc. Cần tháo gỡ nút thắt để thu hút nhà đầu tư FDI, tránh chồng chéo, trùng lặp chính sách, tạo nên sự phát triển lâu dài trong vấn đề thu hút nguồn vốn.

“Nhà đầu tư nước ngoài có sự quan tâm cực kỳ lớn đến loại hình nhà ở đô thị, khu công nghiệp, logistics và khách sạn nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý liên quan đến bất động sản còn phức tạp, trở thành rào cản trong việc hút vốn ngoại. Chẳng hạn như công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án tương đối chậm chạp, trình độ tay nghề của lực lượng lao động trong một số lĩnh vực vẫn còn chưa cao. Ngoài ra, một số điều khoản trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản hiện vẫn chưa thống nhất”, ông Hậu nhấn mạnh.