10:52 09/09/2021

Chuyển từ vùng "cam" sang "vàng", doanh nghiệp thủy sản “cứu” giá tôm

Băng Hảo

Thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đã được chuyển từ "vùng cam" sang "vùng vàng", tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh.  Hiện đã có nhiều doanh nghiệp thủy sản trở lại hoạt động...  

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho biết, trong thời gian giãn cách vừa qua cả người nuôi tôm lẫn đại lý và doanh nghiệp chế biến đều gặp khó khăn, trong đó, người nuôi tôm và cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống là 2 nhóm đối tượng bị “tổn thương” nhiều nhất.

Nguyên nhân chính theo ông Huy chính là tình trạng thiếu hụt lao động (thu hoạch và chế biến) và việc vận chuyển, lưu thông vật tư phục vụ nghề nuôi cũng như tôm thương phẩm gặp khó khăn.“Như trường hợp của doanh nghiệp tôi có đến 2 vùng nuôi tại Sóc Trăng và Bạc Liêu, trong khi tôi lại ở Long An, nên dù biết các anh em ở dưới trại rất khó khăn nhưng cũng không sao xuống thăm hỏi hay chỉ đạo sản xuất được,” ông Huy dẫn chứng”.

Trước những khó khăn vừa qua, cả Sóc Trăng lẫn các tỉnh, thành phía Nam đều lo lắng trước viễn cảnh người nuôi tôm sẽ “treo ao” vì lo sợ rủi ro và thiếu vốn. Thực tế là hiện người nuôi đang không có vốn để nuôi tiếp, còn đại lý cũng không còn đủ vốn để hỗ trợ người nuôi như trước do chưa thu được vốn đầu tư trước đó. Sóc Trăng là một trong những tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn sớm nhất nhưng vẫn không ngăn được đà giảm giá tôm khá mạnh.

Ngay khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại, trong một tuần, giá tôm thẻ tại miền Tây đã tăng lên khá cao.
Ngay khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại, trong một tuần, giá tôm thẻ tại miền Tây đã tăng lên khá cao.

Thông tin thêm tình hình vụ tôm của tỉnh, Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, đến hết tháng 8, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 60% so kế hoạch và hiện đang còn gần 18.000ha tôm chưa thu hoạch.

Tin vui là sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội đối với vùng nguy cơ cao (vùng cam), tối ngày 4/9, ông Nguyễn Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký quyết định điều chỉnh mức độ nguy cơ dịch Covid-19 đối với 10 phường ở TP. Sóc Trăng. Cụ thể, TP. Sóc Trăng chuyển từ mức “nguy cơ cao” (vùng cam) thành mức “nguy cơ” (vùng vàng). Với quyết định này, các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP. Sóc Trăng được hoạt động trong điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

Ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, sau khi được chuyển sang "vùng vàng", không còn phải áp dụng phương án "3 tại chỗ", công nhân đã quay lại xưởng sản xuất được khoảng 60 - 70%. Với những công nhân mới vào làm sẽ được xét nghiệm 100% liên tục 3 ngày đầu. Sau đó, doanh nghiệp xét nghiệm 20% công nhân mỗi ngày nhằm phát hiện sớm người nghi nhiễm để không phát sinh ổ dịch. Đồng thời, những công nhân là lực lượng nòng cốt của doanh nghiệp đã được tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19.

 
Các doanh nghiệp chế biến tôm cho biết, những công nhân mới vào làm sẽ được xét nghiệm 100% liên tục 3 ngày đầu. Sau đó, doanh nghiệp xét nghiệm 20% công nhân mỗi ngày bằng kỹ thuật RT-PCR. Trong khi đó, KCN An Nghiệp quy định 7 ngày xét nghiệm 20% công nhân.

Theo ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, sau khi địa phương nới lỏng giãn cách tại các xã, phường, thị trấn "vùng vàng" và "vùng xanh", các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại được trên 50%. Hiện công nhân đã quay vào khu công nghiệp An Nghiệp (lớn nhất Sóc Trăng) làm việc được khoảng 11.000 người, đạt 50% so với lúc cao điểm. Đối với vaccine phòng Covid-19, công nhân các nhà máy đã được tiêm trên 50%.

Các doanh nghiệp tại Sóc Trăng được xem là “trụ đỡ” giúp người nuôi tôm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Do đó, ngay khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại, trong một tuần, giá tôm thẻ tại miền Tây tăng đến 15.000 đồng mỗi kg đối với loại 40 con. Tôm loại này công ty đang mua giá 120.000, tuần trước chỉ 105.000 đồng/kg. Loại 30 con giá 142.000, tăng 10.000 đồng/kg. Các kích cỡ nhỏ tăng 8.000 - 10.000 đồng/kg và được dự đoán giá còn tăng nữa.

Ông Võ Văn Phục cũng nhấn mạnh rằng nhờ chủ trương tiêm vaccine trọng điểm nên doanh nghiệp an tâm sản xuất, một số công nhân là lực lượng nòng cốt của doanh nghiệp đã được tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng dùng chiến thuật siết chặt vùng nhỏ, xét nghiệm trọng điểm và tiêm vaccine trọng điểm. Ngoài việc chỉ đạo các nhà máy, doanh nghiệp có biện pháp ngừa Covid-19, lãnh đạo tỉnh này còn quan tâm đến việc tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng tài xế và phụ xe, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất.

Các doanh nghiệp tại Sóc Trăng được xem là “trụ đỡ” giúp người nuôi tôm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp tại Sóc Trăng được xem là “trụ đỡ” giúp người nuôi tôm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

“Với nguồn lực hạn chế nhưng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng phòng, chống dịch Covid-19 một cách khoa học, hiệu quả nên giữ được thành trì đến nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp chúng tôi luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan. Còn giá tôm dự kiến tiếp tục tăng khá mạnh trong thời gian tới. Bà con nông dân cứ an tâm nuôi tôm, doanh nghiệp tôm sẽ cùng Nhà nước chung tay giúp bà con,” ông Phục nhấn mạnh.

Theo VASEP, tính đến hết tháng 7, tỉnh Sóc Trăng đang dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản với 570 triệu USD, chiếm 11,3% tổng kim ngạch. Trong đó, xuất khẩu tôm chiếm 94% với 535 triệu USD, còn lại là các sản phẩm chả cá, surimi, mực, bạch tuộc và nhuyễn thể khác. Sóc Trăng cũng dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm, chiếm gần 1/4 xuất khẩu tôm của cả nước. 95% giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh là từ tôm chân trắng, tôm sú chỉ chiếm khoảng 4%.

Hiện nay Sóc Trăng có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó 5 doanh nghiệp lớn nhất đều chuyên về chế biến, xuất khẩu tôm, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh.