CIEM: Đã hình dung rõ nét về kinh tế nửa cuối năm
Dù kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn còn có một khoảng cách so với mục tiêu cả năm 2023 song theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết quả 6 tháng đầu năm 2023 đã cho hình dung rõ nét hơn về bối cảnh kinh tế nửa cuối năm…
Chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” ngày 10/7, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều gam màu khác nhau.
Cùng với nhiều yếu tố bất định như hệ lụy của dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine, áp lực lạm phát và ưu tiên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của nhiều quốc gia… thì xu hướng tăng cường hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh.
Chẳng hạn, liên quan đến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), vào tháng 5/2023, các quốc gia tham gia thảo luận đã đạt được Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã chủ động và tích cực tiến hành đàm phán, hoàn tất đàm phán với các đối tác nhằm nâng cấp một số FTA với Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand…
“Đây sẽ là cơ hội cho các nền kinh tế có quy mô tầm trung, trong đó có Việt Nam, tham gia hiệu quả vào xây dựng luật chơi “hiện đại” cho hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế", bà Minh chỉ rõ.
Dựa trên các kịch bản khác nhau gắn với bối cảnh kinh tế thế giới cũng như nền tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu đề ra và chính sách kinh tế trong nước, CIEM đưa ra 3 kịch bản chính.
Kịch bản 1 được xây dựng dựa trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Trong kịch bản này, Việt Nam có nỗ lực giải ngân đầu tư công, song chỉ đạt tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2017-2022. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng chỉ tăng ở mức tương đối khiêm tốn.
Kịch bản này đưa ra, tăng trưởng GDP dự báo chỉ đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64% so với năm 2022. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43% so với năm 2022. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công bằng với mức cao nhất từng đạt được trong giai đoạn 2017-2022 (82%). Đáng lưu ý, kịch bản này không có thay đổi đáng kể về cải thiện các quy định về môi trường kinh doanh, cải cách thể chế nhằm mở rộng không gian kinh tế và năng suất lao động.
Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66% so với năm 2022. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87% so với năm 2022. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD. So với Kịch bản 1, thì Kịch bản 2 có kết quả tích cực hơn ở cả tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu và thặng dư thương mại. Tuy vậy, lạm phát (theo CPI bình quân) trong Kịch bản 2 cũng cao hơn một chút so với Kịch bản 1. Như vậy, chỉ tập trung vào nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà không có các cải cách đủ kịp thời và căn bản đối với môi trường kinh doanh, thì hiệu quả đối với tăng trưởng kinh tế có phần hạn chế và sẽ đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn.
Kịch bản 3, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 chỉ giảm 2,17% so với năm 2022. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39% so với năm 2022. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.
Kịch bản 3 đòi hỏi một loạt các giả thiết, bao gồm cả việc bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, các cơ quan Việt Nam quyết liệt nới lỏng tiền tệ và giải ngân đầu tư công, song hành với việc cải cách mạnh mẽ và hiệu quả về môi trường kinh doanh, các quy định và tăng năng suất lao động. Điểm quan trọng là sự cải thiện đáng kể đối với niềm tin của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngay cả trong Kịch bản này, tốc độ tăng trưởng cao cũng đi kèm với mức lạm phát (theo CPI bình quân) cao hơn, thặng dư thương mại nhỏ hơn. Dù vậy, mức lạm phát 4,39% trong Kịch bản này cũng thấp hơn so với mục tiêu đề ra (4,5% cho năm 2023), dù cao hơn đáng kể so với kết quả lạm phát các năm trước.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), thực tiễn các năm 2020-2022 đã cho thấy không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong một đến hai quý đầu năm nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm.
“Với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn trong các tháng đầu năm 2023 cũng chính là sức ép tích cực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách trong thời gian tới”, ông Dương nhấn mạnh.
Để đạt được kết quả tăng trưởng tích cực, ông Dương cũng kiến nghị cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát song cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.