Cô dâu Việt ở Đài Loan: “Cuộc sống đã dễ chịu hơn”
“Tham gia hoạt động từ thiện là một cách để chúng tôi cảm ơn những gì mà chính quyền đã giúp đỡ”, một cô dâu Việt ở Đài Loan nói
14 năm trước, khi Ngô Quang Mai mới từ Tp.HCM nhập cư vào Đài Loan theo diện hôn nhân, xin phép ra khỏi nhà là một việc không hề dễ dàng bởi mẹ chồng khó tính lo cô ra ngoài sẽ “hư”. Nhưng giờ đây, Mai đã trở thành một nhà hoạt động năng nổ trong cộng đồng cô dâu Việt ở Cao Hùng, thành phố lớn thứ nhì Đài Loan.
“So với khoảng 10 năm trước, bây giờ chúng tôi cảm thấy dễ sống hơn nhiều”, Mai nói với phóng viên VnEconomy về cuộc sống hiện nay của các cô dâu Việt tại Đài Loan.
Từ chỗ là một phụ nữ chỉ cặm cụi lo công việc nhà chồng và phụ thuộc hoàn toàn về mặt kinh tế vào chồng, Mai hiện đã có nguồn thu nhập cá nhân và hỗ trợ được nhiều chị em khác. Hội đầu bếp Nam Dương do cô và một số cô dâu nước ngoài khác ở Đài Loan xây dựng và vận hành đã trở thành một tổ chức nổi bật trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong cộng đồng “tân di dân”- khái niệm thường dành cho những người nước ngoài trở thành công dân Đài Loan nhờ con đường kết hôn.
Là một trong những vùng lãnh thổ dẫn đầu xu hướng “nhập khẩu cô dâu” ở châu Á, Đài Loan hiện có tới khoảng 500.000 cô dâu nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục và Việt Nam.
Đây là số liệu do ông Manfred P. T. Peng, Tổng giám đốc Cục Thông tin quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao đưa ra trong một cuộc gặp gỡ với báo giới ở Đài Bắc hôm 5/8. Cũng theo ông, hiện nay, cứ 10 em bé được sinh ra ở Đài Loan, thì có 1 em là con của mẹ nhập cư.
“Nguyên nhân chính của xu hướng này là ngày càng có nhiều phụ nữ Đài Loan có học thức không muốn kết hôn hoặc không muốn lấy chồng là người không có điều kiện tài chính hay bằng cấp cao. Thậm chí, có nhiều phụ nữ trẻ ở Đài Loan hiện nay ngại chăm sóc con cái”, ông giải thích.
Theo ông Peng, cô dâu nhập cư đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền Đài Loan, trong đó có vấn đề tạo công ăn việc làm, giúp những cô dâu này và con cái của họ hòa nhập cộng đồng. Tuy vậy, ông Peng khẳng định, chủ trương hiện nay của chính quyền Đài Loan là tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho các cô dâu nước ngoài, giúp họ có được cuộc sống tốt hơn.
Nguyễn Bình Trân, người gốc Nha Trang, được người chồng Đài Loan đưa từ Việt Nam sang Cao Hùng 13 năm trước, cho biết, đúng là trong những năm gần đây, chính quyền Đài Loan đã đẩy mạnh chính sách hỗ trợ người nhập cư nhằm tạo điều kiện để họ hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng người bản xứ.
“Chính quyền giúp người nhập cư có cơ hội học nghề để tìm việc làm, có các chương trình dạy tiếng và dạy văn hóa, hỗ trợ y tế, cấp học bổng cho con em của người nhập cư từ cấp tiểu học tới đại học… Những trường hợp cô dâu nhập cư bị chồng bạo hành đều có cảnh sát can thiệp ”, cô nói.
Hội đầu bếp Nam Dương là nơi tổ chức hoạt động đào tạo nấu ăn cho các cô dâu nước ngoài để thi lấy chứng chỉ nghề, từ đó có thể tìm được việc làm. Ra đời năm 2006, hoạt động của hội được chính quyền địa phương Cao Hùng ủng hộ và có hỗ trợ tài chính. Các thành viên của hội chủ yếu là các cô dâu Việt, ngoài ra còn có một số cô dâu đến từ Thái Lan, Malaysia, và Indonesia. Ngoài đào tạo nấu ăn, hội đầu bếp Nam Dương còn bán thức ăn chế biến sẵn và nấu tiệc thuê để có thu nhập cho các chị em trong hội, đồng thời giúp tổ chức từ thiện của chính quyền địa phương nấu cháo đem đến cho người già neo đơn hàng ngày.
Không chỉ giúp các chị em có chứng chỉ nghề và tìm được việc làm, cũng như hỗ trợ được người già neo đơn trong vùng, hội đầu bếp Nam Dương còn là một kênh quan trọng đưa hương vị ẩm thực của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là ẩm thực Việt Nam tới Đài Loan. Thậm chí, 20% lợi nhuận hàng tháng của hội được đóng góp cho tổ chức từ thiện của chính quyền địa phương.
“Tham gia hoạt động từ thiện là một cách để chúng tôi cảm ơn những gì mà chính quyền đã giúp chúng tôi”, Mai cho hay.
Theo số liệu của Sở Các vấn đề xã hội Cao Hùng, tính đến tháng 6/2014, có 45.350 người nhập cư ở thành phố này, chủ yếu là các cô dâu nước ngoài. Trong số này có 10.372 người Việt, 1.686 người Indonesia, 900 người Thái Lan, 632 người Philippines, và 506 người Thái Lan. Với con số này, Cao Hùng là một trong những địa phương tập trung nhiều cô dâu Việt nhất ở Đài Loan - vùng lãnh thổ với 80.000 cô dâu Việt.
Lê Gia Linh, một cô dâu Việt khác đã sống ở Cao Hùng 14 năm, cũng là một thành viên trụ cột của hội đầu bếp Nam Dương. Nhờ giỏi tiếng Trung, cô còn tham gia vào các hoạt động nhằm bảo vệ cô dâu người Việt tại đây. Công việc này bao gồm phiên dịch cho các cô dâu Việt chưa thạo tiếng khi họ bị đánh đập, làm thủ tục ly dị, khám chữa bệnh, có chồng qua đời, thậm chí là giúp họ thuyết phục bố mẹ chồng về một vấn đề “khó nói” nào đó.
“Các cô dâu Việt Nam ở Đài Loan giờ đã được tôn trọng hơn trước, con cái họ cũng không còn bị kỳ thị ở trường học nữa. Nhiều người đã tìm được việc làm như buôn bán, làm việc trong các nhà hàng…”, Linh nói.
Nhiều tờ báo và kênh phát thanh tiếng Việt đã ra đời tại Đài Loan, trong đó phải kể tới tạp chí Chị em Việt Nam phát hành từ năm 2006, báo Bốn phương, báo Quê hương… Tờ Chị em Việt Nam song ngữ Việt-Hoa phát hành mỗi quý 1 số, với lượng phát hành 5.500 bản. Tờ Bốn phương tiếng Việt phát hành hàng tháng, mỗi số 20.000 bản, với các nội dung về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội tại Việt Nam cũng như cuộc sống của người Việt tại Đài Loan.
“Khi mới đến Đài Loan, cô dâu Việt mới nhận ra là có những khó khăn quá lớn mà trước đó họ chưa thể ngờ tới. Từ tiếng nói, thức ăn đến phong tục tập quán đều khác lạ. Nhiều người dù biết tiếng Trung phổ thông cũng không thể hiểu bố mẹ chồng nói gì vì họ nói tiếng Phúc Kiến”, Trân nói. Hiện nay, cô là một trong những phát thanh viên tiếng Việt trong chương trình dành cho người nhập cư phát sóng trực tiếp vào chiều Chủ Nhật hàng tuần ở Cao Hùng.
Với sự nỗ lực của mỗi cô dâu Việt, sự bao bọc lẫn nhau trong cộng đồng cô dâu Việt ở Đài Loan, và sự hỗ trợ ngày càng lớn của chính quyền Đài Loan, các cô dâu Việt Nam ở đây đang dần tìm được một cuộc sống dễ chịu hơn trước ở xứ người.
“Khi sống lâu với nhau, hai bên cũng hiểu nhau hơn”, Trân nói về mối quan hệ giữa các cô dâu Việt và người bản xứ Đài Loan.
Mai thì dự kiến sẽ mở một nhà hàng Việt Nam ở Cao Hùng. Cô kể: “Người dân ở đây rất thích thức ăn Việt Nam. Họ ngày càng quan tâm đến sức khỏe nên rất thích những món ăn Việt Nam ít chất béo và ít muối”.
“So với khoảng 10 năm trước, bây giờ chúng tôi cảm thấy dễ sống hơn nhiều”, Mai nói với phóng viên VnEconomy về cuộc sống hiện nay của các cô dâu Việt tại Đài Loan.
Từ chỗ là một phụ nữ chỉ cặm cụi lo công việc nhà chồng và phụ thuộc hoàn toàn về mặt kinh tế vào chồng, Mai hiện đã có nguồn thu nhập cá nhân và hỗ trợ được nhiều chị em khác. Hội đầu bếp Nam Dương do cô và một số cô dâu nước ngoài khác ở Đài Loan xây dựng và vận hành đã trở thành một tổ chức nổi bật trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong cộng đồng “tân di dân”- khái niệm thường dành cho những người nước ngoài trở thành công dân Đài Loan nhờ con đường kết hôn.
Là một trong những vùng lãnh thổ dẫn đầu xu hướng “nhập khẩu cô dâu” ở châu Á, Đài Loan hiện có tới khoảng 500.000 cô dâu nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục và Việt Nam.
Đây là số liệu do ông Manfred P. T. Peng, Tổng giám đốc Cục Thông tin quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao đưa ra trong một cuộc gặp gỡ với báo giới ở Đài Bắc hôm 5/8. Cũng theo ông, hiện nay, cứ 10 em bé được sinh ra ở Đài Loan, thì có 1 em là con của mẹ nhập cư.
“Nguyên nhân chính của xu hướng này là ngày càng có nhiều phụ nữ Đài Loan có học thức không muốn kết hôn hoặc không muốn lấy chồng là người không có điều kiện tài chính hay bằng cấp cao. Thậm chí, có nhiều phụ nữ trẻ ở Đài Loan hiện nay ngại chăm sóc con cái”, ông giải thích.
Theo ông Peng, cô dâu nhập cư đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền Đài Loan, trong đó có vấn đề tạo công ăn việc làm, giúp những cô dâu này và con cái của họ hòa nhập cộng đồng. Tuy vậy, ông Peng khẳng định, chủ trương hiện nay của chính quyền Đài Loan là tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho các cô dâu nước ngoài, giúp họ có được cuộc sống tốt hơn.
Nguyễn Bình Trân, người gốc Nha Trang, được người chồng Đài Loan đưa từ Việt Nam sang Cao Hùng 13 năm trước, cho biết, đúng là trong những năm gần đây, chính quyền Đài Loan đã đẩy mạnh chính sách hỗ trợ người nhập cư nhằm tạo điều kiện để họ hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng người bản xứ.
“Chính quyền giúp người nhập cư có cơ hội học nghề để tìm việc làm, có các chương trình dạy tiếng và dạy văn hóa, hỗ trợ y tế, cấp học bổng cho con em của người nhập cư từ cấp tiểu học tới đại học… Những trường hợp cô dâu nhập cư bị chồng bạo hành đều có cảnh sát can thiệp ”, cô nói.
Hội đầu bếp Nam Dương là nơi tổ chức hoạt động đào tạo nấu ăn cho các cô dâu nước ngoài để thi lấy chứng chỉ nghề, từ đó có thể tìm được việc làm. Ra đời năm 2006, hoạt động của hội được chính quyền địa phương Cao Hùng ủng hộ và có hỗ trợ tài chính. Các thành viên của hội chủ yếu là các cô dâu Việt, ngoài ra còn có một số cô dâu đến từ Thái Lan, Malaysia, và Indonesia. Ngoài đào tạo nấu ăn, hội đầu bếp Nam Dương còn bán thức ăn chế biến sẵn và nấu tiệc thuê để có thu nhập cho các chị em trong hội, đồng thời giúp tổ chức từ thiện của chính quyền địa phương nấu cháo đem đến cho người già neo đơn hàng ngày.
Không chỉ giúp các chị em có chứng chỉ nghề và tìm được việc làm, cũng như hỗ trợ được người già neo đơn trong vùng, hội đầu bếp Nam Dương còn là một kênh quan trọng đưa hương vị ẩm thực của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là ẩm thực Việt Nam tới Đài Loan. Thậm chí, 20% lợi nhuận hàng tháng của hội được đóng góp cho tổ chức từ thiện của chính quyền địa phương.
“Tham gia hoạt động từ thiện là một cách để chúng tôi cảm ơn những gì mà chính quyền đã giúp chúng tôi”, Mai cho hay.
Theo số liệu của Sở Các vấn đề xã hội Cao Hùng, tính đến tháng 6/2014, có 45.350 người nhập cư ở thành phố này, chủ yếu là các cô dâu nước ngoài. Trong số này có 10.372 người Việt, 1.686 người Indonesia, 900 người Thái Lan, 632 người Philippines, và 506 người Thái Lan. Với con số này, Cao Hùng là một trong những địa phương tập trung nhiều cô dâu Việt nhất ở Đài Loan - vùng lãnh thổ với 80.000 cô dâu Việt.
Lê Gia Linh, một cô dâu Việt khác đã sống ở Cao Hùng 14 năm, cũng là một thành viên trụ cột của hội đầu bếp Nam Dương. Nhờ giỏi tiếng Trung, cô còn tham gia vào các hoạt động nhằm bảo vệ cô dâu người Việt tại đây. Công việc này bao gồm phiên dịch cho các cô dâu Việt chưa thạo tiếng khi họ bị đánh đập, làm thủ tục ly dị, khám chữa bệnh, có chồng qua đời, thậm chí là giúp họ thuyết phục bố mẹ chồng về một vấn đề “khó nói” nào đó.
“Các cô dâu Việt Nam ở Đài Loan giờ đã được tôn trọng hơn trước, con cái họ cũng không còn bị kỳ thị ở trường học nữa. Nhiều người đã tìm được việc làm như buôn bán, làm việc trong các nhà hàng…”, Linh nói.
Nhiều tờ báo và kênh phát thanh tiếng Việt đã ra đời tại Đài Loan, trong đó phải kể tới tạp chí Chị em Việt Nam phát hành từ năm 2006, báo Bốn phương, báo Quê hương… Tờ Chị em Việt Nam song ngữ Việt-Hoa phát hành mỗi quý 1 số, với lượng phát hành 5.500 bản. Tờ Bốn phương tiếng Việt phát hành hàng tháng, mỗi số 20.000 bản, với các nội dung về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội tại Việt Nam cũng như cuộc sống của người Việt tại Đài Loan.
“Khi mới đến Đài Loan, cô dâu Việt mới nhận ra là có những khó khăn quá lớn mà trước đó họ chưa thể ngờ tới. Từ tiếng nói, thức ăn đến phong tục tập quán đều khác lạ. Nhiều người dù biết tiếng Trung phổ thông cũng không thể hiểu bố mẹ chồng nói gì vì họ nói tiếng Phúc Kiến”, Trân nói. Hiện nay, cô là một trong những phát thanh viên tiếng Việt trong chương trình dành cho người nhập cư phát sóng trực tiếp vào chiều Chủ Nhật hàng tuần ở Cao Hùng.
Với sự nỗ lực của mỗi cô dâu Việt, sự bao bọc lẫn nhau trong cộng đồng cô dâu Việt ở Đài Loan, và sự hỗ trợ ngày càng lớn của chính quyền Đài Loan, các cô dâu Việt Nam ở đây đang dần tìm được một cuộc sống dễ chịu hơn trước ở xứ người.
“Khi sống lâu với nhau, hai bên cũng hiểu nhau hơn”, Trân nói về mối quan hệ giữa các cô dâu Việt và người bản xứ Đài Loan.
Mai thì dự kiến sẽ mở một nhà hàng Việt Nam ở Cao Hùng. Cô kể: “Người dân ở đây rất thích thức ăn Việt Nam. Họ ngày càng quan tâm đến sức khỏe nên rất thích những món ăn Việt Nam ít chất béo và ít muối”.