14:15 26/08/2011

Cổ đông ầm ầm tháo chạy khỏi DVD

Thiện Ý

Thông tin DVD "chờ phá sản" đã khơi mào làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu này hôm nay

Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang mắc kẹt với cổ phiếu DVD
Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang mắc kẹt với cổ phiếu DVD
Thông tin DVD "chờ phá sản" đã khơi mào làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu này hôm nay.

Lần đầu tiên DVD xuất hiện hơn 1,19 triệu cổ phiếu bị bán tháo bằng lệnh ATC, tức là với mục đích thoát ra bằng mọi giá. Ngay từ lúc chớm bước vào đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa - DVD chỉ được giao dịch duy nhất trong đợt này - khối lượng bán đã tăng vọt. Lượng bán giá sàn chỉ khoảng hơn 46.000 đơn vị.

Khối lượng bán lớn như vậy chứng tỏ rất nhiều cổ đông đã bị động trước diễn biến mới trong vụ việc DVD. Điều này cũng không khó hiểu vì tình hình giao dịch hơn 8 tháng qua cho thấy vẫn có rất nhiều nhà đầu tư đánh cược với cổ phiếu này.

Vùng giao dịch đạt khối lượng lớn nhất của DVD từ sau khi vụ việc vỡ lở là ngưỡng giá 12.000 đồng đến 20.000 đồng. Trong khi đó, khả năng thoát ra từ tháng 5 đến nay là rất ít khi thanh khoản của DVD chỉ đạt vài chục ngàn cổ phiếu mỗi ngày.

Điều lạ là vẫn có người mua trong phiên hôm nay, dù khối lượng chỉ 2.770 cổ phiếu. Xét về giá trị, mức vốn bỏ ra để tạo giá khớp cho DVD là không đáng kể. Nếu áp lực bán tiếp tục mạnh, khả năng giảm sàn liên tục của DVD là hoàn toàn có thể.

Một câu hỏi thú vị là liệu DVD có thể rớt về giá bao nhiêu để cân bằng với rủi ro? Hiện DVD chỉ có 4.000 đồng/cổ phiếu, tức là mỗi ngày người mua chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn là cũng có thể đưa DVD về mức “giấy vụn”. Mặc dù hoạt động của DVD vẫn sẽ tiếp tục trong khi tiến hành các thủ tục và công đoạn tiếp theo của quy trình theo luật, nhưng rõ ràng việc không nắm được thông tin một cách đầy đủ khiến cổ đông phổ thông hoảng loạn.

Cổ đông nắm giữ cổ phiếu phổ thông là đối tượng nằm “bét” trong bậc thang ưu tiên được phân chia tài sản nếu DVD phải phá sản. Ngoài ra, việc hoàn tiền trong đợt phát hành thêm vốn đã bị hủy trước đây cũng chưa được trả lại.

Vấn đề quan trọng khiến ngay cả nhà đầu tư ưa mạo hiểm cũng ngần ngại là liệu DVD còn bao nhiêu tài sản sau khi trả nợ? Nếu DVD khôi phục được hoạt động thì gánh nặng nợ nần cũng sẽ đè nặng lên doanh nghiệp.

Một điểm nữa là câu hỏi ai là chủ nợ lớn nhất của DVD vẫn chưa rõ ràng. Hiện DVD không công bố đầy đủ các báo cáo mới nhất nên thông tin rất thiếu cụ thể. Thông tin tạm coi là mới nhất và chính xác nhất là báo cáo tài chính bán niên năm 2010 của DVD đã được kiểm toán.

Theo nguồn này thì chủ nợ lớn nhất là ngân hàng An Bình chứ không phải ANZ - tổ chức đứng ra yêu cầu mở thủ tục phá sản. Điều đó hàm ý rằng các chủ nợ khác cũng sốt ruột với cách giải quyết nợ nần của DVD và cách tốt nhất là buộc doanh nghiệp phải chịu sự giám sát của tổ quản lý, thanh lý tài sản. Điều này sẽ hạn chế được hành vi tẩu tán tài sản nếu có và các hoạt động kinh doanh trong thời gian doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản cũng bị giám sát.

Hệ quả của “quả bom DVD” là giới đầu tư bắt đầu tỏ ra nghi ngờ tất cả những doanh nghiệp vướng nợ cao. Đặc biệt, với các doanh nghiệp niêm yết mà báo cáo tài chính bán niên soát xét có ý kiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Thường mục này dựa trên tương quan giữa nợ ngắn hạn với tài sản ngắn hạn.

Nói đơn giản thì doanh nghiệp có tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ ngắn hạn bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ có khả năng không trả được nợ khi đến hạn.

Riêng với trường hợp của DVD, thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần ngay lập tức yêu cầu DVD minh bạch tài sản, tổng nợ phải trả đề nhà đầu tư có thể đánh giá được khả năng trả nợ cũng như định giá được giá trị còn lại của doanh nghiệp này.

Theo quy định, tài liệu nộp theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rất chi tiết, trong đó quan trọng nhất là bảng kê chi tiết tài sản của doanh nghiệp và địa điểm nơi có tài sản nhìn thấy được; danh sách chủ nợ, các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các tổ chức, cá nhân đang nợ doanh nghiệp.