07:01 16/02/2007

“Cơ hội ở mỗi người”

Tâm sự của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, người có nhiều năm gắn bó với công cuộc hội nhập kinh tế của đất nước

"Thách thức lớn nhất khi Việt Nam ra “chợ tỉnh” là tư duy cũ thể hiện trên nhiều mặt".
"Thách thức lớn nhất khi Việt Nam ra “chợ tỉnh” là tư duy cũ thể hiện trên nhiều mặt".
Tâm sự của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, người có nhiều năm gắn bó với công cuộc hội nhập kinh tế của đất nước.

Có lần đi công tác ở Hà Giang, thấy cảnh nghèo khó của bà con, tôi không sao cầm lòng được. Đi xe hơi mà ì ạch mãi mới lên được tới đỉnh đèo, nhìn xuống thung lũng thấy những ngôi nhà nhỏ li ti như móng tay. Thế mà ngay trên đinh đèo ấy mấy em bé đang lững thững đi học về.

Tôi tự hỏi không biết đến bao giờ hai bàn chân tí xíu kia mới đưa được các em về tới nhà.

“Lần đá qua sông”

Nhưng rồi trong lòng tôi có phần nguôi ngoai ít nhiều khi thấy dù sao ở nơi “khỉ ho cò gáy” này đã có đường đi, đây đó đã có bể nước, ngôi trường gạch lợp ngói, le lói ánh điện - những điều trước kia thậm chí không dám mơ tới. Bỗng tôi hiểu rằng thì ra ánh sáng công cuộc đổi mới đã len lỏi dần vào ngõ ngách của cuộc sống, kể cả ở những nơi heo hút.

Có dịp đi thăm nhiều nơi trên thế giới, tôi thấy có những nước tiềm năng lớn hơn nước ta nhiều song nhiều người sống không ra người. Dân ta tuy còn cơ cực trăm bề song cuộc sống nhân phẩm luôn được tôn trọng. Có lẽ đây là cái cốt lõi của công cuộc đổi mới.

Về một chiến lược tổng thể lâu dài trong công cuộc đổi mới, thoạt nhìn thì đúng là cần có một chiến lược như vậy, song con đường chúng ta đi là chưa có tiền lệ, ngồi salon đẻ ra chiến lược có khi chẳng ăn nhập gì mà phải bắt mạch từ cuộc sống thực tế và chiều hướng của thế giới mà định ra những đường nét chủ yếu, rồi từ đó “lần đá qua sông” để tiến lên. Làm tới đâu đúc rút bài học tới đấy, hoàn thiện dần cơ sở lý luận chứ chẳng ai thánh tướng gì mà nghĩ trước được hết mọi chuyện.

Ngay như công cuộc hội nhập chúng ta cũng vậy. Lúc đầu chẳng qua ta cần mở rộng thị trường, có thêm vốn để phát triển, rồi lại thấy xu thế toàn cầu hóa không ai đứng ngoài được nên đã quyết định phải hội nhập với kinh tế thế giới.

Thật ra khi nộp đơn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta cũng chưa hiểu gì lắm về nó, do đó ta lại phải “lần đá qua sông”, gia nhập “chợ làng” là Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, sau đó lần ra “chợ huyện” là Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, và cả hai chợ đó đều theo mô hình WTO, nay mới ra “chợ tỉnh” là WTO.

Nhiều người do sốt ruột nên có lời chê bai Việt Nam đi chậm, bỏ lỡ thời cơ..., nhưng có ai nhảy được qua đầu mình đâu! Ai mà chẳng muốn nước ta nhanh chóng “bằng chị bằng em”, nhưng mỗi nước mỗi cảnh, làm sao so được.

Ví dụ so ta với Hàn Quốc thì làm sao so được? Ta chịu đựng chiến tranh, họ cũng trải qua chiến tranh nhưng không lâu và được đồng minh trợ giúp sau chiến tranh, hơn nữa còn được lợi qua chiến tranh, hưởng thị trường Mỹ ngay từ đầu và phát triển trong điều kiện cạnh tranh chưa mang tính toàn cầu; còn ta đã bị bao vây cô lập hàng chục năm, khi đổi mới phải tự làm tất cả, lúc hội nhập để phát triển lại đụng đầu với sự cạnh tranh toàn cầu.

Chỉ những so sánh đó thôi cũng đã thấy khác xa nhau rồi. Nói như vậy không có nghĩa lẩn tránh những điều tự ta làm khổ ta, song có những hoàn cảnh khách quan chẳng làm sao thoát nổi. Cần nuôi hoài bão nhưng cũng không thể rớt khỏi mặt đất mình sống.

WTO không phải “cây gậy thần”

WTO là một tổ chức tập hợp các nền kinh tế chấp nhận những luật chơi về lý thuyết, tạo thuận lợi cho buôn bán làm ăn. Còn có tranh thủ được thuận lợi không lại do từng nước. Điều cơ bản vẫn là anh có hàng không, hàng có chất lượng cao không, giá thành có hạ không, có biết rao bán không…

Do đó WTO chẳng phải là “cây gậy thần” chỉ cần vung lên một cái là ăn mày biến thành phú ông. Nhiều nước là thành viên WTO từ khi thành lập mà nghèo vẫn hoàn nghèo. 20 năm qua VN có là thành viên WTO đâu nhưng vẫn phát triển! Tất cả vấn đề là nội lực từng nước.

Việt Nam gia nhập WTO cốt để bổ sung một phương tiện nữa cho sự phát triển là mở rộng thị trường, có thêm nhiều vốn, ví như có món ăn rồi nhưng muốn ngon miệng hơn thì thêm gia vị vào cho dù gia vị vừa có chất ngọt, vừa có chất chua. Ăn vào có bổ hay không lại còn tùy vào hệ tiêu hóa của mình nữa.

Chúng ta đừng kỳ vọng quá nhưng cũng đừng hoảng sợ quá, cho đến nay chưa có nước nào giàu lên nhờ WTO, ngược lại cũng chưa có nước nào nghèo đi chỉ vì WTO.

Đừng nên nghĩ vừa gia nhập WTO là lộ rõ ngay cơ hội và thách thức đối với mọi người, mọi miền. Khi tôi giao lưu trực tuyến, có người hỏi gia nhập WTO thì bà con miền núi được lợi gì, khó khăn gì trước mắt, tôi đã trả lời thẳng rằng: “Chưa được gì và cũng chưa ảnh hưởng gì”.

Chỉ vì những cơ hội và thách thức qua việc gia nhập WTO sẽ “thấm” dần, giống như thùng nước tưới vào lá trước rồi vào thân cây, từ đó nước chảy xuống rễ chứ không phải cả cây được hưởng thụ ngay.

Mỗi người dân là một lính xung kích

Thách thức lớn nhất khi Việt Nam ra “chợ tỉnh” là tư duy cũ thể hiện trên nhiều mặt, nhất là tư duy ỷ lại, nhiều nơi còn khá nặng nề, báo chí nên góp phần đả phá sức ỳ này.

Ví dụ như tai nạn giao thông, ai chẳng đau xót về những mất mát hơn cả chiến tranh do tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày. Nhiều người lại “chĩa mũi nhọn” vào Nhà nước, đòi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm chính.

Đành rằng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo về an toàn giao thông phải chịu trách nhiệm, song ông (hay Nhà nước nói chung) chủ yếu là đề ra luật lệ chứ người thực hiện là chính chúng ta.

Bộ trưởng có tài thánh cũng không làm gì được nếu chúng ta cứ vượt đèn đỏ, cứ lượn ở mũi xe, cứ say bia lái xe bất chấp luật lệ... Mỗi người không lo lấy thân mình, không đếm xỉa gì đến luật lệ thì chẳng ai làm thay mình được.

Tương tự như vậy, các doanh nghiệp phải tự thân vận động khi hội nhập chứ không nên ngồi chờ. Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý, cung cấp thông tin chứ không thể làm thay cho hàng vạn doanh nghiệp được. Vừa qua, theo dõi truyền hình về một cuộc đối thoại liên quan tới hội nhập, tôi thấy một vị lãnh đạo hiệp hội kinh doanh hỏi Nhà nước làm gì để doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh.

Nhà nước có phận sự của Nhà nước, song nếu doanh nghiệp nói theo kiểu người ngoài cuộc như vậy thì cơ hội sẽ rất khó đến với mình được.