17:03 16/06/2021

Cổ phiếu đường bứt phá nhờ bước ngoặt chính sách

Việc áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan tạo lợi thế cho các nhà máy đường có quy mô lớn trong sản xuất đường RS và RE. Đây sẽ là các công ty hưởng lợi từ chính sách mới...

Nhìn lại quãng thời gian 2018 – 2019, ngành đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn khi giá đường thế giới đi xuống. Ngành này càng trở nên khó khăn hơn khi từ 1/1/2020 thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN giảm xuống còn 5% và khi hạn ngạch được xóa bỏ.

Đường Thái Lan rẻ hơn tràn vào thị trường Việt Nam, đe dọa đến sản phẩm đường nội địa có chi phí sản xuất cao hơn. Năm 2020, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đạt 1,3 triệu tấn, tăng 330% so với cùng kỳ (tổng lượng đường nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn).

Trong niên vụ 2020 - 2021, tổng sản lượng sản xuất chỉ ước đạt 612 nghìn tấn (-15% so với cùng kỳ), và tổng nguồn cung nội địa là khoảng 700 nghìn tấn (-14% so với cùng kỳ).

Trái lại, nhu cầu trong nước ước tính đạt 2,2 triệu tấn trong năm 2021 (theo doanh nghiệp ước tính) và dự kiến sẽ tăng từ 3% -5% mỗi năm trong những năm tới.

Như vậy, nguồn cung từ vụ mía trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Nguồn cung còn lại sẽ đến từ các nhà máy đường nhập đường thô về tinh luyện khi niên vụ mía kết thúc; nhập khẩu đường tinh luyện; đường nhập lậu (hiện đang được kiểm soát tốt vì Việt Nam đang kiểm soát chặt đường biên giới để khống chế dịch bệnh Covid-19).

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường tinh luyện và đường thô với mức thuế 47,64% nhập khẩu từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, có hiệu lực từ ngày 16/6/2021.

Trước đó, vào ngày 16/2/2021 sau 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng tạm thời thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan trong vòng 120 ngày. So với mức thuế tạm thời, mức thuế chính thức đối với đường tinh luyện thấp hơn một chút, trong khi mức thuế đối với đường thô cao hơn đáng kể so với mức thuế tạm thời (47,64% so với 33,99%)

Diễn biến giá đường thế giới trong thời gian gần đây
Diễn biến giá đường thế giới trong thời gian gần đây

Theo Công ty Chứng khoán SSI, mức thuế cao hơn đối với đường thô cho thấy Chính phủ định hướng thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu mía đường trong nước để đảm bảo nguồn cung so với việc nhập khẩu đường thô về để luyện.

Đồng thời, các nhà máy đường có lợi thế về quy mô trong sản xuất đường RS và RE như QNS và SBT sẽ có lợi thế về giá thành hơn so với các nhà máy nhỏ, do đó các công ty này sẽ được hưởng lợi hơn từ chính sách mới.

Do đó, chính sách thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, thúc đẩy ngành đường trong nước về lâu dài vì mục tiêu an ninh lương thực và hỗ trợ lao động ngành nông nghiệp.

Cổ phiếu ngành mía đường trong phiên ngày 16/6
Cổ phiếu ngành mía đường trong phiên ngày 16/6

Ngay sau bước ngoặt chính sách, nhóm cổ phiếu ngành đường đồng loạt bứt phá sau thông tin áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với đường mía nhập từ Thái Lan. Trong phiên giao dịch ngày 16/6, KTS và LSS tăng kịch trần, mức tăng trên 6% xuất hiện ở QNS, SLS.

“Chính sách này là 1 sự kiện có tính chất bước ngoặt cho ngành đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường trong nước như SBT, QNS, LSS, SLS... Chúng tôi cũng cho rằng 5 năm là thời gian dài giúp chuỗi cung ứng đường trong nước phục hồi và phát triển bền vững hơn”, nhóm nghiên cứu nhận định.