09:31 09/02/2007

Còn có thể xuất siêu sang Nhật Bản?

Hồng Thoan thực hiện

Câu hỏi này đã được chúng tôi đặt ra với ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Thương mại tại Nhật Bản

Đồ gỗ là một trong những mặt hàng xuất sang Nhật có nhiều triển vọng - Ảnh: Việt Tuấn.
Đồ gỗ là một trong những mặt hàng xuất sang Nhật có nhiều triển vọng - Ảnh: Việt Tuấn.
Câu hỏi này đã được chúng tôi đặt ra với ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Thương mại tại Nhật Bản.

Ông đánh giá như thế nào về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2006?

Nét nổi bật trong năm 2006 là quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã chuyển từ đối tác tin tưởng, ổn định, lâu dài thành đối tác chiến lược số 1, được đánh dấu bằng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nếu như 5 năm trước đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản mới ở mức 4,52 tỷ USD thì đến năm 2006, con số này đã vượt lên tới 9,9 tỷ USD.

Một đặc điểm cơ bản trong quan hệ thương mại giữa 2 nước là Việt Nam luôn là nước xuất siêu. Trong năm 2006, chúng ta đã xuất khẩu mạnh 5 nhóm mặt hàng vào thị trường Nhật Bản.

Thứ nhất là mặt hàng may mặc, năm 2006, Việt Nam đã xuất khoảng 850 triệu USD.

Thứ hai là mặt hàng thuỷ sản với kim ngạch 650 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng hơn 4% (nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Nhật trong năm 2006 là 11 tỷ USD). Trong đó, tôm và mực là những mặt hàng điển hình xuất khẩu mạnh (tôm đạt 450 triệu USD năm 2006 và mực đạt gần 100 triệu USD), chiếm 84 - 85% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào Nhật.

Mặt hàng thứ ba là đồ gỗ với tốc độ phát triển nhanh từ năm 2003 đến nay. Năm 2003, đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật đứng thứ 4 thì đến năm 2006, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2, vượt qua Thái Lan và Đài Loan, đạt kim ngạch 210 triệu USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/ năm.

Mặt hàng thứ tư là các sản phẩm nhựa và túi nilon. Mỗi năm Nhật nhập khoảng 8 tỷ USD mặt hàng này, nhưng Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu được khoảng 50 triệu USD.

Thứ năm là mặt hàng thủ công mỹ nghệ (kể cả đồ gốm, mây tre đan, túi xách). Năm 2006, Việt Nam đã xuất khẩu gần 100 triệu USD, trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật là 8,7 tỷ USD. Như vậy, thị phần của Việt Nam rất nhỏ. Từ năm 2004, 2005, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Nhật đã có xu hướng chững lại bởi bản thân thị hiếu của người Nhật đã thay đổi về hình thức, mẫu mã sản phẩm và nhu cầu tiêu thụ cũng giảm.

Dự kiến năm 2007, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nhật Bản khoảng 12 tỷ USD.

Vậy trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục được duy trì khả năng xuất siêu sang Nhật Bản hay không, thưa ông?

Năm 2006, Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản khoảng trên 2 tỷ USD. Nếu trừ 2 mặt hàng dầu thô và than đá thì mức xuất siêu của Việt Nam còn khoảng xấp xỉ 400 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, mức xuất siêu vẫn đang ở khoảng cách rất dễ chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu. Bởi hiện nay, tất cả các lô hàng tôm và mực của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất sang Nhật đều bị kiểm tra 100%.

Nếu xét về mặt quy định của Nhật Bản thì các mặt hàng tôm và mực của Việt Nam có thể đã đủ điều kiện để Nhật áp lệnh cấm nhập khẩu. Với nỗ lực của Bộ Thuỷ sản đã tìm ra được nguyên nhân và đưa ra những biện pháp thích hợp báo cáo với Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản cho nên việc cấm nhập khẩu đang được dừng lại.

Thế nhưng, đến thời điểm này, vẫn có những lô hàng tôm và mực vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật, tất nhiên xu hướng đang có chiều hướng giảm. Nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng ta rất dễ bị áp lệnh cấm nhập khẩu.

Khi đó, với kim ngạch 450 triệu USD xuất khẩu mặt hàng tôm (năm 2006), tổng kim ngạch xuất khẩu vào Nhật sẽ giảm ngay lập tức. Như vậy, từ xuất siêu, Việt Nam sẽ chuyển sang thành nhập siêu.

Theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải lưu ý những gì để giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời đảm bảo luôn xuất siêu sang thị trường Nhật Bản?

Trong những năm qua, Nhật Bản vẫn là nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu châu Á. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản với các nước trong năm 2006 đạt 1.234 tỷ USD. Nhật Bản cũng luôn là một nước xuất siêu và tốc độ phát triển thương mại có tính bền vững. Tính riêng năm 2006, Nhật Bản xuất siêu khoảng 80 tỷ USD.

Do kinh tế Nhật Bản trong năm vừa qua phát triển mạnh nên tiêu dùng cá nhân trong nước tăng rất nhanh. Đây sẽ là cơ sở để Việt Nam có thể xuất được nhiều hàng hoá hơn nữa sang thị trường Nhật Bản.

Ví dụ như trong thị phần GDP của Nhật Bản năm 2006, nội nhu đạt khoảng 55%. Vì vậy, kinh tế Nhật Bản có tăng trưởng hay không phụ thuộc vào tiêu dùng cá nhân. Khi chỉ số này đã tăng đến mức 55% thì rất có lợi cho nền kinh tế Nhật Bản cũng như có lợi đối với các nước xuất khẩu vào Nhật Bản.

Khó khăn nổi cộm của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm vừa qua chính là vấn đề lão hoá dân số. Tỷ lệ người già trên 65 tuổi đã tăng tới trên 20%, trong tổng dân số khoảng 127 triệu người, vì thế, Nhật Bản trở thành đất nước có tỷ lệ người già lớn nhất thế giới. Theo đó, nhu cầu về hàng hoá của Nhật Bản rất khác với các nước khác.

Theo ước tính, đến năm 2050, dân số Nhật Bản giảm khoảng 45 triệu người, trong khi đó, tỷ lệ người già sẽ ngày càng tăng. Chúng ta có thể tận dụng đặc điểm này để phát triển xuất khẩu lao động trong thời gian tới.

Cũng do dân số lão hoá nên tỷ lệ dân số trong lao động nông nghiệp sẽ giảm, hiện chỉ có 4,5% dân số chuyên sống bằng nông nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Nhật Bản rất lớn, trung bình mỗi năm khoảng 55 tỷ USD.

Dựa vào đặc điểm này, Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu những mặt hàng lương thực, thực phẩm vào Nhật trong tương lai không xa. Đồ gỗ cũng là mặt hàng chúng ta có nhiều khả năng tiếp tục phát triển vào thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng gần đây nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản về hàng đồ gỗ đã có sự thay đổi. Trên bề mặt sản phẩm, họ chỉ muốn nhìn thấy các lát gỗ, vân gỗ, còn bên trong sản phẩm có thể là những nguyên liệu khác như sắt thép, ván ép...

Vì vậy, nếu các nhà sản xuất chú ý thay đổi mẫu mã, tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng lên rất nhanh, bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng có thể tiết kiệm được nguyên liệu gỗ.