Cơn khát cà phê ở “quốc gia uống trà” mở cơ hội cho các chuỗi đồ uống
Theo nghiên cứu của World Coffee Portal công bố mới đây, số lượng quán cà phê có thương hiệu ở Trung Quốc đã tăng 58% trong 12 tháng qua, đạt mức kỷ lục là 49.691 cửa hàng. Con số này cao hơn 9.000 cửa hàng so với Mỹ…
Trung Quốc vốn là một đất nước ưa chuộng dùng trà, nhưng những năm trở lại đây số lượng người tiêu dùng thích uống cà phê đã tăng lên đáng kể. Hơn 90% trong số 4.000 người tiêu dùng tại quán cà phê Trung Quốc được khảo sát uống cà phê nóng hàng tuần, trong khi 64% uống cà phê đá ít nhất một lần một tuần. Trung Quốc cũng đã vượt Mỹ thành thị trường quán cà phê có thương hiệu, tức theo chuỗi, lớn nhất thế giới.
Dữ liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế cho thấy tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc tăng 15% trong niên vụ kéo dài một năm kết thúc vào tháng 9/2023 so với chu kỳ trước lên 3,08 triệu bao. Trung Quốc nhập khẩu cà phê chủ yếu từ Châu Phi và Nam Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán, Trung Quốc sẽ sử dụng 5 triệu bao cà phê trong mùa vụ mới (2023 - 2024), điều này sẽ khiến nước này trở thành nước tiêu dùng cà phê lớn thứ bảy trên thế giới.
Tất nhiên, tiêu thụ cà phê của Trung Quốc hiện tại vẫn còn khá mờ nhạt khi so sánh với những người tiêu dùng hàng đầu là Mỹ và Brazil, nơi sử dụng hơn 20 triệu bao cà phê mỗi năm. Nhưng nhu cầu ngày càng tăng báo hiệu rằng Trung Quốc đang trải qua một sự thay đổi văn hóa tương tự như một số quốc gia châu Á khác, điển hình là Nhật Bản và Hàn Quốc. Và với thế mạnh về dân số, chắc chắn Trung Quốc sẽ là mảnh đất màu mỡ trong mắt các thương hiệu cà phê.
Jeffrey Young, người sáng lập và giám đốc điều hành của World Cà phê Portal, cho biết: “Thị trường chuỗi cà phê thương hiệu ở Đông Á rõ ràng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Dẫn đầu là việc các thương hiệu cà phê ở Trung Quốc đang mở rộng một cách phi thường, bán nhượng quyền hàng loạt, khiến quốc gia này nhanh chóng trở thành cường quốc hàng đầu trong ngành cà phê toàn cầu”.
Điển hình là trường hợp của của các chuỗi địa phương Luckin Coffee và Cotti Coffee. Những thương hiệu này đã nhanh chóng mở rộng trong năm qua, lần lượt Luckin có thêm 5.059 và Cotti có thêm 6.004 cửa hàng. Luckin, mới thành lập cách đây sáu năm, hiện đang dẫn đầu với 13.273 cửa hàng ở Trung Quốc. Starbucks đặt chân vào thị trường Trung Quốc khá lâu từ năm 1999 nhưng tính đến nay, thương hiệu chỉ có 6.806 cửa hàng. Chuỗi cà phê Cottin của Trung Quốc vừa thành lập tháng 8/2022 mà đến nay đã có 6.061 cửa hàng, gần đuổi kịp Starbucks.
Doanh số của Luckin cũng đang ngày càng bỏ xa Starbucks, theo báo cáo tháng 11/2023 của hãng. Giành lấy thị phần là một trong những mục tiêu cốt lõi của Luckin Coffee, Giám đốc điều hành Jinyi Guo từng tuyên bố trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý 3/2023 của công ty. Matthew Barry, nhà phân tích đồ uống của Euromonitor nhận định, có sự cạnh tranh gay gắt giữa các chuỗi địa phương và chuỗi quốc tế. “Bất kỳ ai cũng đều đang cố gắng giành được thị phần lớn nhất có thể trong thị trường đang phát triển mạnh mẽ và năng động này”, ông Barry nhấn mạnh.
Có thể thấy, dù vẫn nổi tiếng nhưng các chuỗi cà phê thương hiệu của Mỹ như Starbucks đang phải chịu sự đe dọa không chỉ từ các đối thủ mạnh, mà còn từ phía những thương hiệu nội địa. Kiki Pang - một giám đốc marketing tại Quảng Đông - uống café 2 lần một tuần. Cô thường đặt một cốc latte của Luckin giao đến văn phòng buổi chiều, trong giờ làm việc và trả qua ứng dụng WeChat. "Starbucks từng rất phổ biến trong nhóm người trẻ Trung Quốc. Nhưng giờ, họ có nhiều lựa chọn hơn rồi. Tình hình đã thay đổi", Pang cho biết.
Dù vậy, các lãnh đạo Starbucks vẫn kiên định với thị trường Trung Quốc. Tháng này, họ cho biết đặt mục tiêu mở mới 1.000 cửa hàng tại Trung Quốc mỗi năm, nâng tổng địa điểm lên 9.000 năm 2025. Họ cho biết Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Starbucks. "Tôi rất tự tin rằng đây chỉ là sự bắt đầu", đồng CEO của Starbucks Trung Quốc Belinda Wong cho biết trong một sự kiện hồi tháng 11. Trên tờ WSJ, Starbucks cũng khẳng định doanh số của họ tại Trung Quốc vẫn đang tăng, bất chấp cạnh tranh từ các đối thủ nội địa.
Thương hiệu chuỗi cà phê từ Việt Nam cũng bắt đầu thâm nhập thị trường này. Theo đó, Trung Nguyên Legend đã mở được hai cửa hàng tại Thượng Hải, lần lượt vào tháng 9/2022 và tháng 7/2023. Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho hay đang xúc tiến triển khai kế hoạch phát triển 1.000 cửa hàng theo mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại khắp các tỉnh thành Trung Quốc thông qua hình thức hợp tác đầu tư.
Dự án nghiên cứu Café East Asia 2024 cho thấy tổng thị trường quán cà phê mang thương hiệu Đông Á tăng 24% về số cửa hàng trong 12 tháng qua, đạt 119.221 cửa hàng, trong đó Trung Quốc chiếm gần 42% tổng thị trường. Việc mở cửa hàng hiện vẫn đang diễn ra ở cả các thành phố lớn và ngay cả thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc - nơi có hàng triệu dân cư mỗi thành phố.
“Vì vậy, về cơ bản là vẫn còn nhiều khoảng trống cho các chuỗi cà phê phát triển”, ông Jason Yu của Kantar Worldpanel đánh giá. Tín hiệu này là một tin tốt cho các nhà sản xuất cà phê vốn đã được hưởng lợi từ giá cao do thời tiết bất lợi ở một số vùng trồng cà phê. Cà phê Arabica đang giao dịch gần mức cao nhất trong 8 tháng, trong khi cà phê Robusta đạt mức cao nhất trong 15 năm vào tuần trước.
Ở chiều ngược lại, ngày càng nhiều chuỗi cà phê nội địa Trung Quốc mở cửa hàng tại Singapore, với niềm tin rằng những quốc gia như Singapore hoặc Malaysia có thể là bước đệm cho tham vọng mở rộng toàn cầu của mình. Ngoài Trung Quốc, Singapore là quốc gia đầu tiên mà Luckin Coffee đầu tư rất mạnh, với việc mở hơn 30 cửa hàng kể từ tháng 3/2023. Người Singapore rất thích cà phê, bất kể lứa tuổi, giới tính hoặc mức thu nhập. Vậy nên khi hoạt động tại Singapore, vấn đề mà các chuỗi thương hiệu cần cân nhắc là họ muốn mở rộng đến mức nào.
Trong một sự kiện gần đây, CEO Starbucks Laxman Narasimhan cho biết so với các đối thủ, Starbucks đem lại trải nghiệm tốt hơn, chất lượng cao hơn cho người tiêu dùng. Nhưng Sunny Shen - một tư vấn viên Singapore uống cà phê vài lần một ngày cho biết, gần đây, cô đã chuyển sang uống loại cà phê sữa phiên bản giới hạn của Luckin. "Nếu có mã giảm giá, đồ uống của Luckin chỉ có giá bằng nửa hoặc một phần ba Starbucks", cô nói.