Công nghiệp: Ngành kinh tế thực lớn nhất
Không chỉ là “phi công bất phú”, công nghiệp còn là ngành kinh tế thực lớn nhất, với định hướng đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp và đến năm 2030 có công nghiệp hiện đại, cùng với có thu nhập trung bình cao...
Kết quả tích cực của công nghiệp được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, thể hiện ở tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (IIP).
Trước đại dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao, có mấy năm tăng ở mức 2 con số. Chỉ sau khi đại dịch xảy ra (2020) và bùng phát (2021), đặc biệt diễn ra nặng ở những địa bàn có tỷ trọng công nghiệp lớn của cả nước, thì IIP mới tăng thấp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít nước và vùng lãnh thổ có IIP tăng trưởng dương.
NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Năm 2022, sau khi chuyển chiến lược phòng, chống đại dịch, tăng trưởng IIP có dấu hiệu phục hồi với tốc độ tăng gần bằng trước đại dịch (biểu đồ 1).
Tăng trưởng IIP 2022 đạt được ở nhiều ngành công nghiệp. Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo - một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của nước công nghiệp, tăng trưởng 8% - tốc độ cao nhất trong số các ngành công nghiệp.
Một số ngành cụ thể trong công nghiệp chế biến chế tạo còn tăng cao hơn nữa, như: sản xuất đồ uống tăng 32,3%, may mặc tăng 14,8%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,6%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 19,2%, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,2%, sản xuất máy móc tăng 19,1%…
Hai ngành sản xuất, phân phối điện và cung cấp nước cũng có tốc độ tăng trưởng khá cao (7% và 6,4%), gấp đôi so với năm trước.
Nhìn chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng cao nhất, góp phần vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Các ngành còn lại tăng trưởng khá.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp cuối năm nay so với cuối năm trước tăng (biểu đồ 2).
Việc tăng số lao động đang làm việc là một trong những yếu tố góp phần vào tăng trưởng công nghiệp, góp phần tăng thu nhập, tăng tiêu dùng cuối cùng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung.
Trong 4 ngành công nghiệp cơ bản, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP (24,7%); tiếp theo là sản xuất và phân phối điện (3,99%); công nghiệp khai khoáng (2,82%), và cuối cùng là cung cấp nước (0,49%). Tỷ trọng này của các ngành đều có xu hướng cao lên qua các năm. Chẳng hạn, nếu như tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 là 20,96%, thì đến năm 2020 đã tăng lên 23,95%; 2021 là 24,82%; 2022 là 24,76%; dự kiến năm 2023 sẽ lên 26,4%.
Dự kiến trong năm 2023, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tiếp tục đà tăng trong thời gian qua và sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. “Nhịp độ” tăng lên của tỷ trọng trong GDP cũng cao hơn các thời kỳ trước (nếu từ 2015 đến 2022, bình quân mỗi năm chỉ tăng được 0,67 điểm phần trăm, trong đó năm 2020 chỉ tăng 0,16 điểm phần trăm, thì nay có thể tăng 0,8-0,9 điểm phần trăm). Điều đó thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu để đến 2025 có công nghiệp theo hướng hiện đại, tránh một lần nữa bị lỡ hẹn như vào năm 2020 trước đây.
Quyết tâm này xuất phát từ nhiều yếu tố. Khi đất nước đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, nông nghiệp đã có “bát ăn, bát để”, thì việc chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là điều tất yếu.
“Phi công bất phú” không hoàn toàn nói về công nghiệp nói chung, mà chủ yếu nói về công nghiệp chế biến, chế tạo (những nước chủ yếu dựa vào khai khoáng không được gọi là nước công nghiệp), nên tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là tiêu chí của nước công nghiệp.
Chính công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng có vai trò về nhiều mặt: tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp, cung cấp trang thiết bị để hiện đại hóa nông nghiệp.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 50%) giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm trên dưới 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vốn FDI cũng có xu hướng tập trung cho công nghiệp chế biến, chế tạo.
Mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài là tận dụng lợi thế về số lao động đông, giá nhân công rẻ; lợi thế đang trong quá trình mở cửa hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), tranh thủ các ưu đãi để xuất khẩu.
Sản phẩm công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có những sản phẩm có kỹ thuật- công nghệ cao (như điện thoại và linh kiện) có mặt ở nhiều thị trường lớn và chiếm tỷ trọng tới 16,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cơ cấu công nghiệp chế biến, chế tạo theo trình độ công nghiệp về một số chỉ tiêu chủ yếu (số doanh nghiệp, số lao động, nguồn vốn, giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế) năm 2020 như sau (biểu đồ 3).
Trình độ cao tuy chỉ chiếm thấp về số doanh nghiệp, về số lao động, về giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, nhưng đã chiếm tỷ trọng cao hơn về nguồn vốn, về doanh thu thuần, về lợi nhuận trước thuế; cao nhất về doanh thu thuần, về lợi nhuận trước thuế.
Quý vị độc giả có thể đặt mua ấn phẩm Kinh tế 2022-2023: Việt Nam và Thế giới tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam