17:19 27/09/2024

Công trình xanh giúp giảm tác động tiêu cực tới môi trường

Thanh Xuân

Dù tăng nhanh vào thời gian qua, nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn. Phát triển công trình xanh là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình phát triển đô thị đối với môi trường…

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn: “Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và Giải pháp”, do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức vào ngày 26/9/2024, ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định chuyển đổi xanh đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu.

GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI XANH Ở CẤP ĐỘ QUỐC GIA

Theo đại diện Bộ Xây dựng, chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế, trong đó, mức phát thải từ thấp đến rất thấp đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thái cacbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.

Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi tường, vật liệu có mức phát thải thấp và các thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong công trình xây dựng; Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm cả lĩnh vực công trình xây dựng.

Khái niệm, nội hàm về công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (công trình xanh) được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu việc công trình xanh được thể hiện chính thức trong văn bản quy phạm pháp luật.

Qua thống kê, công trình xanh đã xuất hiện ở Việt Nam được hơn 15 năm. Từ những công trình xanh đầu tiên tại TP.HCM cho đến giữa năm 2024, chúng ta đang có gần 500 công trình xanh trên cả nước (ước tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu m2). Tuy nhiên, với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm đạt trên dưới 100 triệu m2, chưa gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, cho thấy dù tăng nhanh vào thời gian qua, nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn và phát triển công trình xanh là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định việc phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh là tất yếu. Trong đó, công trình xanh là yếu tố cốt lỗi giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình phát triển đô thị đối với môi trường. Các công trình được thiết kế để tối ưu hóa sử dụng năng lượng và tài nguyên tự nhiên, thông qua việc ứng dụng vật liệu thân thiện môi trường, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khí thải nhà kính; đặc biệt là phát triển không gian xanh trong công trình giúp cải thiện vi khí hậu, tạo không gian sống trong lành, nâng cao sức khỏe cho người sử dụng.

PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XANH LÀ NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC

Ông Tuấn cho biết TP.Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh giúp phát triển bền vững Thủ đô.

Cụ thể, tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP.Hà Nội ngày 13/10/2020 đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố xanh – thông minh – hiện đại. Nghị quyết tập trung vào việc phát triển và mở rộng diện tích cây xanh, đảm bảo các công trình xây dựng phải tuân thủ tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025” là chương trình có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 21/8/2023 của UBND TP.Hà Nội được ban hành nhằm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đô thị bền vững đặt mục tiêu đến năm 2030.

Quyết định số 4281/QĐ-UBND ngày 28/8/2023 của UBND TP.Hà Nội đưa ra một số yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể về phát triển công trình xanh; xây dựng cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng, giảm thiểu tác động môi trường.

Hiện nay, Hà Nội cũng tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng những quy định, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững với nhiều công trình xanh. Các quy định sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh – thông minh – hiện đại.

“Phát triển công trình xanh và hạ tầng đô thị thông minh là nhiệm vụ chiến lược, đưa Hà Nội trở thành Thành phố xanh – thông minh – hiện đại, xứng tầm với vị thế Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định.

Ngoài ra, để khuyến khích phát triển công trình xanh, theo ông Hoàng Minh Lâm, Sở Công thương Hà Nội, Hà Nội còn đang triển khai chương trình công nhận danh hiệu năng lượng xanh cho các cơ sở công nghiệp và công trình xây dựng. Đây là hướng đi đúng, thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững nói chung.