15:00 25/09/2023

Cuộc đua bán lẻ giá rẻ khiến Amazon “giật mình”

Băng Hảo

Theo dữ liệu từ ImportGenius, Shein đã vận chuyển thêm nhiều đơn hàng may mặc và đồ gia dụng giá rẻ từ Trung Quốc tới các kho hàng tại Mỹ để rút ngắn thời gian người mua hàng nhận sản phẩm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Động thái này của nhà bán lẻ thời trang nhanh được cho là để cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn như Target, Walmart và Amazon, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ. Trước đó, Shein cũng tung ra tùy chọn giao hàng nhanh hơn tại Mỹ được gọi là "QuickShip" vào năm 2022. Cùng năm đó, lượng hàng nhập khẩu số lượng lớn của nhà bán lẻ đến Mỹ bằng đường biển tăng gần 790%, theo dữ liệu của công ty phân tích thương mại toàn cầu ImportGenius.

Theo ước tính của Shein, hàng hóa đủ điều kiện cho QuickShip sẽ được giao nhanh hơn đáng kể so với thời gian vận chuyển tiêu chuẩn của Shein vốn dao động từ 9 đến 14 ngày. Các chuyên gia tại UBS cho biết việc phải chờ đợi quá lâu có thể khiến người mua không tìm đến Shein thường xuyên, nhất là trong những mùa mua sắm quan trọng.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu số lượng lớn các sản phẩm có nhu cầu cao giúp Shein tiết kiệm tiền vì vận chuyển bằng đường biển rẻ hơn đáng kể so với vận chuyển bằng đường hàng không. Shein cho biết họ có kế hoạch tăng không gian lưu trữ tại Mỹ bằng việc mở rộng cơ sở ở Indiana và một nhà kho mới ở Cherry Valley, California, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vài tháng tới.

Cho đến nay, Amazon chưa có động thái nào để so kè giá cả với các mặt hàng bán trên Temu và Shein.
Cho đến nay, Amazon chưa có động thái nào để so kè giá cả với các mặt hàng bán trên Temu và Shein.

Có thể nói, những động thái liên tiếp từ Temu và Shein trong hoạt động kích cầu mua sắm từ người tiêu dùng Mỹ đã khiến Amazon “giật mình” và phải tìm cách đáp trả. Nhiều năm qua, Amazon tập trung cạnh tranh với các đối thủ trong nước như hai chuỗi siêu thị bán lẻ tạp hóa Walmart và Target. Nhưng Temu và Shein, cả hai đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, không chỉ khai thác nhu cầu đối với những mặt hàng giá rẻ mà giờ đây cũng tham gia vào cuộc đua giao hàng nhanh chóng.

Theo WSJ, cho đến nay, Amazon chưa có động thái nào để so kè giá cả với các mặt hàng bán trên Temu và Shein. Nhưng họ cho biết, ban lãnh đạo của Amazon đang cân nhắc chiến lược ứng phó với hai đối thủ của Trung Quốc khi nhận thấy có một thị trường lớn dành cho những mặt hàng giá rẻ. Ban lãnh đạo Amazon đang tìm hiểu xem liệu có nên cung cấp những sản phẩm như vậy trên trang web bán hàng của Amazon hay không.

Chưa dừng lại ở đó, gần đây, Shein tìm cách mở rộng các sản phẩm ra ngoài lĩnh vực thời trang. Nền tảng này đang chuyển hướng trở thành một nền tảng bán mọi thứ từ máy làm đá trị giá 1.200 USD đến chiếc kim băng 50 xu trực tiếp cho người tiêu dùng. Trong khi đó, Temu bán nhiều loại sản phẩm đa dạng. Hầu hết các sản phẩm đều được bán với giá thấp, song Shein tại Mỹ hiện cũng đang hợp tác với các thương hiệu cao cấp như Paul Smith và Stuart Weitzman để đa dạng hóa danh mục. 

Bởi vậy một số giám đốc của Amazon đã đề nghị chuyển hướng, thay vì chỉ chăm chú phát triển tốc độ giao hàng, Amazon có thể bày bán những mặt hàng giá rẻ nhưng thời gian vận chuyển lâu hơn, tương tự như Shein và Temu. Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International ước tính Shein ghi nhận doanh thu 8 tỷ USD vào năm ngoái, qua đó cho thấy Mỹ chiếm khoảng 25% tổng giá trị hàng hóa của công ty. Shein không bán hàng cho người tiêu dùng ở Trung Quốc - nơi thị trường thương mại điện tử đã bão hòa. 

Sắp tới, Amazon sẽ bày bán những mặt hàng giá rẻ nhưng thời gian vận chuyển lâu hơn, tương tự như Shein và Temu?
Sắp tới, Amazon sẽ bày bán những mặt hàng giá rẻ nhưng thời gian vận chuyển lâu hơn, tương tự như Shein và Temu?

Theo Financial Times, Shein kỳ vọng doanh thu hàng năm đạt 58.5 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 22.7 tỷ USD vào năm ngoái. Điều này đồng nghĩa thương hiệu thời trang nhanh này sẽ vượt doanh số bán hàng hàng năm hiện tại của các “đại gia” bán lẻ như H&M và Zara. Hãng cũng đang nhắm mục tiêu đến những người theo dõi đông đảo và trung thành, cộng thêm sự hiện diện ấn tượng trên mạng xã hội để nhanh chóng lan truyền xu hướng mới.

Được biết, Shein có nhiều người theo dõi trên TikTok hơn bất kỳ thương hiệu may mặc nào khác, theo một báo cáo gần đây do ngân hàng đầu tư UBS công bố. Trên Instagram, nó có số lượng người theo dõi nhiều thứ ba và giành được rất nhiều lượt thích (like). “Nếu có thể gắn bó với khách hàng trẻ trong nhiều năm, Shein sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của Amazon”, Brian Ehrig, đối tác trong lĩnh vực thực hành tiêu dùng của công ty tư vấn Kearney, cho biết. 

Không chỉ Shein và Temu, Amazon vẫn còn một số đối thủ đáng gờm khác. Tờ Financial Times đưa tin, TikTok đang mở rộng các dịch vụ bán lẻ trực tuyến bằng cách bán các sản phẩm thông qua ứng dụng video lan truyền của mình. Trong những tuần gần đây, người dùng ở châu Âu và Mỹ đã bắt đầu thấy một tính năng mua sắm mới trong ứng dụng TikTok có tên là “Trendy Beat”, một phần cung cấp các mặt hàng đã được chứng minh là phổ biến trên video, chẳng hạn như dụng cụ lấy ráy tai hoặc chải lông thú cưng khỏi quần áo.

Tất cả các mặt hàng được quảng cáo đều được vận chuyển từ Trung Quốc, được bán bởi một công ty đã đăng ký tại Singapore thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh của TikTok. Theo Financial Times, TikTok đã sử dụng một mạng lưới các nhà cung cấp để sản xuất các mặt hàng cho sản phẩm Trendy Beat của mình. “ByteDance nhận ra rằng họ muốn xây dựng một thương hiệu tự sở hữu trong ứng dụng TikTok thay vì tạo một ứng dụng độc lập như Shein và Temu”, một nhân viên tiết lộ.

Trong những tuần gần đây, người dùng ở châu Âu và Mỹ đã bắt đầu thấy một tính năng mua sắm mới trong ứng dụng TikTok có tên là “Trendy Beat”.
Trong những tuần gần đây, người dùng ở châu Âu và Mỹ đã bắt đầu thấy một tính năng mua sắm mới trong ứng dụng TikTok có tên là “Trendy Beat”.

Trước sự tấn công dồn dập của những cái tên đến từ Trung Quốc, động thái mới nhất của Amazon là thông báo tại hội nghị thường niên (Amazon Accelerate) về tính năng AI dành cho người bán bên thứ ba hoạt động trên nền tảng. “Đây chỉ là một phần nổi về những gì công ty dự kiến sử dụng AI nhằm cải thiện trải nghiệm của người bán và giúp họ trở nên thành công hơn”, Mary Beth Westmoreland, Phó Chủ tịch trải nghiệm đối tác bán hàng toàn cầu của Amazon cho biết.

Hiện người bán trên Amazon đang sử dụng ChatGPT của OpenAI để lên danh sách, đưa ra tiêu đề hấp dẫn hoặc lên ý tưởng cho sản phẩm mới. Trong khi đó, gã khổng lồ bán hàng trực tuyến Mỹ gần đây cũng bắt đầu sử dụng AI để tổng hợp đánh giá khách hàng về sản phẩm. Các công cụ AI được kỳ vọng sẽ giúp người bán dễ dàng nổi bật hơn trên thị trường bên thứ ba rộng lớn và đầy cạnh tranh được Amazon ra mắt vào năm 2000. Đến nay, thị trường này đã trở thành mảng kinh doanh cốt lõi trong hoạt động thương mại điện tử của công ty, thu hút hàng triệu người bán và tạo ra hơn một nửa tổng doanh số bán lẻ.

Andy Jassy, CEO Amazon từng nói với tờ CNBC rằng công ty có kế hoạch kết hợp nhiều ứng dụng AI hơn nữa vào trong các hoạt động kinh doanh của mình. Công ty này chưa phát hành chatbot riêng, song tập trung ứng dụng AI tạo sinh vào mảng kinh doanh thiết bị và bán lẻ, cũng như điện toán đám mây AWS.