14:50 29/07/2022

Cựu Giám đốc Toàn cầu S&P Global Ratings: “Cần chứng minh lợi ích của xếp hạng tín nhiệm để thị trường minh bạch hơn”

Thu Hà

Xếp hạng tín nhiệm là một trong những công cụ thúc đẩy sự phát triển và tính chuyên sâu của thị trường tài chính, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường minh bạch cho thị trường và đem lại một tiêu chí chung về rủi ro cho hoạt động kinh doanh, phân phối và giao dịch nợ...

Đại diện của S&P Global Ratings và FiinRatings.
Đại diện của S&P Global Ratings và FiinRatings.

Sự sôi động của thị trường Trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây đã cho thấy đây không chỉ là một kênh dẫn vốn đặc biệt quan trọng đối với nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong những năm tới mà còn hỗ trợ đắc lực trong việc làm giảm bớt áp lực lên hệ thống tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên mức độ thông tin còn thiếu minh bạch đang trở thành một thách thức không nhỏ đối với các nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Do đó, xếp hạng tín nhiệm (XHTN) đóng vai trò quan trọng, giúp giảm bất đối xứng thông tin giữa các chủ thể tham gia thị trường vốn, cung cấp các phân tích có chiều sâu về chất lượng tín dụng của đơn vị phát hành và công cụ nợ đang lưu hành trên thị trường.

Được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam vào 20/3/2020, FiinRatings đã thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho 11 tổ chức phát hành lớn trong các ngành khác nhau và đã công bố kết quả của 7 tổ chức. FiinRatings cũng là đơn vị Việt Nam được Tổ chức Trái phiếu Khí hậu Quốc tế (Climate Bonds Initiative) ủy quyền xác nhận trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế kể từ ngày 11/3/2022.

Là một đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa, FiinRatings đang không ngừng nỗ lực để phát triển và hoàn thiện dịch vụ của mình nhằm hỗ trợ các thành viên thị trường trong việc xây dựng và thực thi chiến lược vốn và chiến lược đầu tư phù hợp qua một góc nhìn độc lập và chuyên sâu, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững và minh bạch của thị trường vốn Việt Nam.

Để tìm hiểu sâu hơn các vấn đề về xếp hạng tín nhiệm nội địa dưới góc nhìn của chuyên gia quốc tế, phóng viên đã có buổi phỏng vấn với ông Paul Coughlin, Chủ tịch Hội đồng Xếp hạng Tín Nhiệm, FiinRatings. Trước khi tham gia FiinRatings, ông là Giám đốc Toàn cầu Khối Phân tích và Vận hành của S&P Global Ratings (2005 - 2014). Ông đã có hơn 26 năm làm việc tại S&P Global Ratings, phụ trách S&P Trung Quốc, S&P Singapore và tham gia xây dựng Taiwan Ratings.

Paul Coughlin, Chủ tịch Hội đồng Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings; Cựu Giám đốc Toàn cầu, Khối Phân tích và Vận hành, S&P Global Ratings.
Paul Coughlin, Chủ tịch Hội đồng Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings; Cựu Giám đốc Toàn cầu, Khối Phân tích và Vận hành, S&P Global Ratings.

Ông Paul Coughlin làm việc tại S&P Global Ratings từ năm 1988 đến 2014. Ông bắt đầu tham gia hoạt động xếp hạng tín nhiệm với Australian Ratings tại Úc, trước khi hãng này được S&P Global Ratings mua lại vào năm 1990. Đến năm 1995, ông trở thành Giám đốc đầu tiên của S&P Trung Quốc và phụ trách xây dựng Taiwan Ratings.

Sau khi đảm nhiệm rất nhiều vị trí quản lý cấp cao tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Toàn cầu Dịch vụ xếp hạng doanh nghiệp và xếp hạng quốc gia của S&P tại trụ sở New York từ năm 2005. Sau cuộc Khủng hoảng Tài chính Thế giới, ông quản lý đơn vị xếp hạng các công cụ tài chính có cấu trúc và sau đó là toàn bộ hoạt động Xếp hạng tín nhiệm toàn cầu của S&P Global Ratings.

Chào ông, là một chuyên gia giàu kinh nhiệm trong ngành xếp hạng tín nhiệm quốc tế, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của Xếp hạng Tín nhiệm nội địa tại một thị trường mới nổi như Việt Nam?

Theo tôi, xếp hạng tín nhiệm là một trong những công cụ thúc đẩy sự phát triển và tính chuyên sâu của thị trường tài chính, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường minh bạch cho thị trường và đem lại một tiêu chí chung về rủi ro cho hoạt động kinh doanh, phân phối và giao dịch nợ. Điều quan trọng là xếp hạng tín nhiệm nội địa cải thiện tính minh bạch cho các nhà đầu tư.

Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia XHTN với các tổ chức quốc tế. Nhưng một vấn đề đặt ra là không thể có doanh nghiệp nào vượt được trần xếp hạng do các đơn vị quốc tế đặt ra (hiện là BB+ bởi S&P) và do vậy không có sự phân biệt đáng kể về chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam nếu chỉ thực hiện XHTN theo thang điểm quốc tế.

Điều này thực tế chủ yếu phục vụ các định chế tài chính có danh mục phân bổ tín dụng hoặc đầu tư trên phạm vi đa quốc gia hoặc toàn cầu trong khi thang điểm nội địa có dải điểm rộng hơn từ mức cao nhất AAA (thông thường là mức xếp hạng trái phiếu Chính phủ) xuống CCC và do đó, việc ứng dụng thực tế vào công tác đầu tư và quản trị rủi ro cũng như đem đến sự phân biệt cao độ cho các các nhà đầu tư và công chúng.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng XHTN, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm làm việc cùng FiinRatings không? Đã có những khó khăn, thách thức gì khi làm việc với một đơn vị XHTN nội địa mới như FiinRatings?

Tôi thấy rằng thách thức lớn nhất của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa như FiinRatings trong giai đoạn mới hình thành chính là minh chứng cho thị trường các lợi ích của việc xếp hạng đối với thị trường tài chính, qua đó thuyết phục doanh nghiệp công khai và minh bạch hơn trong công bố thông tin. Bên cạnh đó, tôi nhận ra nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá nhạy cảm đối với các phân tích chỉ ra rủi ro trong hoạt động kinh doanh của họ.

Với tư cách là cựu Giám đốc Toàn cầu Khối Phân tích và Vận hành của S&P Global Ratings, ông có thể đưa ra các khuyến nghị cho việc xây dựng văn hóa XHTN, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Từ kinh nghiệm thực tiễn, tôi cho rằng để hoạt động xếp hạng tín nhiệm trở nên hữu dụng nhất có thể cho cả bên cho vay, nhà đầu tư và cơ quan quản lý, phạm vi hoạt động của xếp hạng tín nhiệm cần được mở rộng tối đa và những thay đổi về mức điểm xếp hạng cũng như cập nhật triển vọng cần được chấp nhận bởi không chỉ các tổ chức phát hành và phía nhà đầu tư.

Điểm tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam có sự tham gia khá lớn của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và nhỏ lẻ vào thị trường trái phiếu này nên những cân nhắc về chính sách và thiết chế phát triển thị trường cần tính đến việc đẩy mạnh minh bạch thông tin và bảo vệ lợi ích của họ. Lý do là sản phẩm trái phiếu là một sản phẩm tài chính phức tạp, vô hình và có vòng đời thường rất dài nên không phải nhà đầu tư nào cũng có thể đánh giá đúng và trong bối cảnh môi trường vĩ mô và kinh doanh cũng như nội tại của doanh nghiệp nhiều biến động như Việt Nam.

Có những luận điểm cho rằng XHTN có thể không giúp các nhà đầu tư dự đoán được các công ty gặp khó khăn về tài chính và thậm chí là vỡ nợ. Những tranh luận đó xuất phát từ vai trò của đơn vị XHTN trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông có thể chia sẻ những nhận xét và bài học nào cho các đơn vị XHTN về lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam?

Có thể thấy rõ ràng rằng các đơn vị xếp hạng tín nhiệm trên toàn thế giới vẫn đang góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự minh bạch và củng cố nhận thức của thị trường về thị trường tín dụng. Đúng là các tổ chức tín dụng, cũng như các cơ quan quản lý, ngân hàng và các tổ chức đầu tư đã không lường trước được mức độ nghiêm trọng của những khó khăn thị trường thế chấp tại Mỹ phải đối mặt vào năm 2008. Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đã rút ra nhiều bài học từ giai đoạn đó. Tuy nhiên, bên cạnh các sự kiện của năm 2008, dữ liệu lịch sử cho thấy xếp hạng tín nhiệm vẫn đóng vai trò hữu ích trong việc phân biệt rủi ro tín dụng của các bên phát hành nợ khác nhau.

Việt Nam sẽ có nhiều đơn vị XHTN và một trong các vấn đề có thể nảy sinh là tinh trạng “mua kết quả xếp hạng” hay còn gọi là “Rating Shopping” như đã xảy ra tại Trung Quốc và dẫn đến việc hầu hết các trái phiếu được xếp hạng đầu tư trên quy mô địa phương. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tránh những sự kiện như Trung Quốc?

Phần lớn xếp hạng từ các cơ quan xếp hạng địa phương của Trung Quốc trước đây thuộc hạng AAA và AA. Theo tôi, điều này không thực tế. Nếu bạn kiểm tra xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp từ S&P và Moody’s, có thể thấy phần lớn xếp hạng thuộc loại BB và B trở xuống. Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp đều có rủi ro kinh doanh trọng yếu, và tất cả chúng ta cần phải cởi mở và trung thực về điều đó. Công bằng mà nói, việc có quá nhiều doanh nghiệp xếp hạng ở Trung Quốc dẫn đến tình trạng thổi phồng xếp hạng để tăng tính cạnh tranh. S&P Trung Quốc hiện đang đưa ra một bộ xếp hạng thực tế hơn.

Vì vậy, bài học rút ra từ trường hợp trên là nhà đầu tư cần quan tâm đến chất lượng phân tích của cơ quan xếp hạng và các cơ quan quản lý cần tập trung vào số lượng tổ chức xếp hạng tín nhiệm thực tế mà thị trường có thể hỗ trợ. Điều đáng chú ý là ở Mỹ, nơi có thị trường tài chính rất lớn và phức tạp, chỉ có ba cơ quan xếp hạng chính và quy định hiện nay là trái phiếu phải được xếp hạng bởi hai trong ba cơ quan xếp hạng đó.

Cảm ơn ông rất nhiều về những chia sẻ với chúng tôi!

Ngày 26/7/2022, FiinRatings thông báo đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác với S&P Global Ratings, tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất trên thế giới, thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác tại Hà Nội nhân chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo S&P Global Ratings.

Việc hợp tác này không chỉ đánh dấu mốc quan trọng trong việc phát triển và nâng cao năng lực của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm nội địa như FiinRatings mà còn góp phần cải thiện hơn nữa năng lực chuyên môn nhằm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường vốn nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng tại Việt Nam.

* Thông tin chi tiết: https://fiingroup.vn/NewsInsights/Detail/10423846?lang=vi-vn