Đại học Cần Thơ hướng đến mô hình tổ chức đại học công lập đa ngành
Với việc công bố thành lập mới 4 trường, 1 khoa và 1 viện, nâng tổng số các đơn vị thành viên lên 20, gồm 4 trường, 3 viện, 12 khoa và 1 trường trung học phổ thông sư phạm thực hành, Trường Đại học Cần Thơ đang hướng đến mô hình Đại học Cần Thơ đa ngành đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Tại lễ khai giảng năm học 2022 – 2023 mới đây, Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ đã công bố quyết định thành lập mới 4 trường trực thuộc, 1 khoa và 1 viện với mục tiêu hướng đến mô hình đại học công lập đa ngành.
Các đơn vị mới trực thuộc được thành lập, gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục thể chất, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm.
Như vậy, đến nay Trường Đại học Cần Thơ có tất cả 4 trường; 3 viện là Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long và Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm; 12 khoa, gồm: Khoa dự bị Dân tộc, Khoa Khoa học chính trị, Khoa Khoa học Tự nhiên, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Khoa Luật, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Phát triển nông thôn, Khoa sau đại học, Khoa Sư phạm, Khoa Thủy sản, Khoa Giáo dục thể chất và Trường trung học phổ thông Thực hành sư phạm.
Là một trong những đơn vị đào tạo đại học có uy tín trên cả nước và là trường trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ trong những năm qua đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và phát tiển nguồn nhân lực cho các tỉnh/thành phố trong khu vực và cả nước.
Theo GS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, mô hình thành lập trường trong trường, việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh hơn, tăng vai trò chủ động sáng tạo ở các cấp dưới, tạo động lực phát triển đến từng giảng viên.
Các trường chuyên ngành này sẽ xây dựng chiến lược phát triển gắn với thế mạnh của mỗi trường trong việc xác định tầm nhìn, sứ mạng để phục vụ cộng đồng. Mô hình trường trong trường sẽ giữ vững sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị với nhau trong trường và khác với mô hình các trường đại học thuộc đại học quốc gia hay đại học vùng.
“Khi hệ thống gắn kết hơn, phát triển hơn thì nhu cầu của người học được đáp ứng nhiều hơn, sinh viên được đào tạo kiến thức liên ngành và đặc biệt là tối ưu hóa các nguồn lực của trường như đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, tài chính…”, GS. Toàn nhấn mạnh.
GS. Hà Thanh Toàn cho biết thêm, hiện trường đang xúc tiến thủ tục thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc phát triển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ với mô hình tổ chức của đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm chất lượng đào tạo, phát triển và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước, hỗ trợ cho sự phát triển và xây dựng mạng lưới các trường đại học vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tiền thân là Viện Đại học Cần Thơ, được thành lập năm 1966, đến nay Trường Đại học Cần Thơ đã trở thành một trong số ít các trường đại học tiên phong trong lĩnh vực đào tạo đa ngành, định hướng ứng dụng được Chính phủ xếp vào nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia. Đồng thời là một trong ba trường đại học tại Việt Nam đạt chuẩn đào tạo quốc tế của hệ thống các trường đại học ASEAN.
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư lại cao nhất nước. Giai đoạn 2009 - 2019, tăng dân số toàn vùng là 0%, trong khi đó tỷ lệ này của cả nước là 1,14%. Sự biến động về dân cư đã và đang dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng ở nhiều địa phương trong vùng.