16:20 06/10/2022

Thị trường lao động quý 3/2022 tiếp tục khởi sắc

Khánh Vy

Cùng với đà tăng mạnh của GDP quý 3/2022, thị trường lao động quý 3/2022 cũng có sự khởi sắc rõ nét khi số người có việc làm tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước…

Sự phục hồi của lao động chính thức là tín hiệu đáng mừng đối thị trường lao động.
Sự phục hồi của lao động chính thức là tín hiệu đáng mừng đối thị trường lao động.

Báo cáo tình hình lao động việc làm quý 3/2022 và 9 tháng năm 2022 được Tổng cục Thống kê phát hành ngày 6/10 cho thấy bức tranh về thị trường lao động quý 3/2022 có rất nhiều điểm sáng.

Đó là thị trường lao động chứng kiến sự tăng trưởng về quy mô của lao động có việc làm ở cả 6 vùng kinh tế-xã hội. Đặc biệt, 3 vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 đã ghi nhận mức phục hồi mạnh.

Cụ thể, trong quý 3/2022, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động đã phục hồi khá tốt với số người có việc làm trong quý này tăng mạnh và đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện (tăng 232,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019).

"Sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra ở tất cả các vùng kinh tế xã hội, điều này có thể thấy qua sự tăng trở lại của lao động có việc làm trong độ tuổi lao động ở các vùng, đặc biệt ở hai vùng còn nhiều khó khăn là vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên", báo cáo ghi nhận.

Quý 3/2022, lao động có việc làm trong độ tuổi lao động ở hai vùng này lần lượt là 5,4 triệu người và 3,2 triệu người, tăng 461,0 nghìn người và 149,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19 xuất hiện (năm 2019) là 276,5 nghìn người và 232,7 nghìn người.

Thị trường lao động quý 3/2022 tiếp tục khởi sắc - Ảnh 1

Ba vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trong quý 3/2021 là Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đã ghi nhận sự phục hồi mạnh. Đáng chú ý, số lao động có việc làm trong độ tuổi lao động của vùng Đông Nam Bộ trong quý 3 năm 2022 đạt 9,7 triệu người, tăng 1,6 triệu người (tương ứng 19,5%) so với cùng kỳ năm trước và đã vượt quy mô lao động của cùng kỳ năm 2019 (trước khi chịu tác động của dịch Covid-19) là 61,7 nghìn người (tương ứng tăng 0,6%).

Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thị trường lao động còn có nhiều chuyển biến tích cực và mang tính bền vững với mức tăng trưởng khá ở quy mô lao động có việc làm chính thức, tỷ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp giảm.

Số người có việc làm chính thức đạt 17,8 triệu người, tăng 642,8 nghìn người (tương ứng tăng 3,8%) so với quý trước, tăng 2,7 triệu người (tương ứng tăng 19,4%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ tăng của lao động chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động phi chính thức phi nông nghiệp trên 2 điểm phần trăm.

Thị trường lao động quý 3/2022 tiếp tục khởi sắc - Ảnh 2

“Sự phục hồi của lao động chính thức là tín hiệu đáng mừng đối thị trường lao động”, ông Tiến nhận xét.

Đáng chú ý, tuy chưa trở về bằng thời điểm cùng kỳ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện nhưng tình trạng thiếu việc làm vẫn tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,92%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,54 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, thu nhập bình quân của người lao động trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ lưu trú ăn uống có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy những ngành kinh tế mũi nhọn đã phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục tăng trưởng, thu hút nhiều lao động, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo đời sống của người dân.

“Tuy tỷ lệ thất nghiệp cả nước không cao nhưng tồn tại tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, số lao động phổ thông bị thiếu hụt cục bộ chiếm tỷ trọng 72,8%”, ông Tiến chia sẻ về những điểm nghẽn của bức tranh lao động 9 tháng đầu năm.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng, cho thấy mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động.

“Điều này đòi hỏi cùng với các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách về an sinh xã hội, lao động, việc làm cần được thực hiện có hiệu quả để từ đó đảm bảo được đời sống cho người lao động”, ông Tiến nhấn mạnh.