Đánh úp cổ phiếu nhỏ niêm yết, tiền “trú” sang UPCoM?
Sàn UPCoM bỗng nhiên trở thành “cứ điểm” cuối cùng chống lại làn sóng xả hàng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Sàn này vẫn có gần trăm mã kịch trần, bất chấp trên hai sàn niêm yết, hàng đầu cơ rụng la liệt...
Sàn UPCoM bỗng nhiên trở thành “cứ điểm” cuối cùng chống lại làn sóng xả hàng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Sàn này vẫn có gần trăm mã kịch trần, bất chấp trên hai sàn niêm yết, hàng đầu cơ rụng la liệt...
Thị trường chiều nay diễn biến khá hoảng loạn, dù vẫn có nhóm blue-chips nâng đỡ nhất định. Cổ phiếu ngân hàng cố gắng trụ chỉ số, nhưng sức ép quá lớn đến từ nhiều mã lớn khác vẫn đẩy VN-Index bốc hơi hơn 17 điểm.
Mức giảm quá lớn ở chỉ số đại diện thị trường tất yếu có ảnh hưởng đến tâm lý. Tuy vậy hôm nay cũng đã có áp lực xả sẵn trong nhóm đầu cơ. Trước khi VN-Index rơi tự do, nhóm này đã giảm giá khá mạnh từ sáng.
Cổ phiếu ngân hàng chiếm 7/10 mã đỡ điểm nhiều nhất cho VN-Index: HDB tăng kịch trần 6,9%, VPB tăng 2,26%, CTG tăng 2,02%, TCB tăng 1,55%, ACB tăng 2,92%, VIB tăng 3,17%, EIB tăng 3,73%, MSB tăng 3,36%.
Nhóm này cũng rực rỡ nhất giữa các bảng điện đỏ rực. BID là mã duy nhất giảm 0,22%, MBB tham chiếu, còn lại là tăng. 14 cổ mã trên cả 3 sàn tăng hơn 2%.
Nhờ các mã ngân hàng, VN30-Index đóng cửa hôm nay chỉ giảm 0,22% so với tham chiếu. 7/10 mã đỡ chỉ số này cũng là ngân hàng, 2 cổ phiếu còn lại là VIC tăng 0,32%, JVC tăng 6,5%, PDR tăng 1,23%. Cả rổ này cũng chỉ có 11 mã tăng/17 mã giảm.
VN-Index bốc hơi 17,48 điểm tương đương 1,19% ngay cả khi các mã ngân hàng tăng tốt. Nguyên nhân khá đơn giản: Những trụ lớn nhất của nhóm ngân hàng lại kém: VCB tăng yếu 0,1%, BID giảm 0,22%. Đây là hai mã rất lớn của VN-Index. Ngoài ra, GAS sụt giảm 6,85%, VHM giảm 2,78%, HPG giảm 3,9%, GVR giảm 5,9%, VNM giảm 2,16% là những trụ cực “khủng”. Tình thế lúc này có phần ngược lại so với những tuần vừa qua, khi VN-Index lại bị các trụ lớn kéo xuống nhanh hơn VN30-Index.
Đối với các cổ phiếu vừa và nhỏ, hôm nay là một ngày bị xả đột biến. Smallcap đóng cửa giảm 2,14% với 40 mã tăng/143 mã giảm. Midcap giảm 1,16% với 19 mã tăng/48 mã giảm. Toàn sàn HoSE vẫn có 16 mã kịch trần, nổi bật là TNI, SJF, MCG, PXI, IDI, EVG, TLD, DAG. Các mã còn lại thanh khoản quá yếu. HNX có 13 mã trần nhưng chỉ có IPA, CMS, ACM là thanh khoản tốt.
Đặc biệt sàn UPCoM vẫn sáng rực rỡ với 99 cổ phiếu kịch trần. Dĩ nhiên đại đa số các mã trong nhóm này thanh khoản quá tệ để có thể đảm bảo về giá. Dù vậy cũng có hàng chục mã giao dịch tốt, tiêu biểu như HVG, PXL, SSN, PVX, ATG, PVR, PVV, AVF... Với sàn này giao dịch vài tỷ đồng cũng đã có thể coi là thanh khoản cao, đủ độ sâu cho các nhà đầu cơ nhỏ lẻ “bay nhảy”. Thanh khoản chung trên UPCoM hôm nay cũng lên ngưỡng kỷ lục với 4.942,9 tỷ đồng.
Mặc dù số cổ phiếu kịch trần tương đối nhiều, nhưng không thể phủ nhận hôm nay thiệt hại trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là quá lớn. Tuy chưa đến ngưỡng giảm sàn la liệt, nhưng 350 mã trên hai sàn giảm quá 2% cho thấy xác suất chứng kiến danh mục đầu cơ thua lỗ là lớn hơn khả năng có lãi.
Thanh khoản cũng có sự gia tăng đột biến ở các nhóm này. Midcap sàn HoSE đã xác lập kỷ lục lịch sử mới về thanh khoản hôm nay, đạt gần 15.402 tỷ. Kỷ lục trước đó là 13.851 tỷ đồng hôm 3/11 vừa qua. Nhóm smallcap chưa lập kỷ lục lịch sử mới nhưng cũng suýt soát kỷ lục, với 8.477 tỷ đồng.
Giao dịch tăng đột biến nhưng hôm nay cổ phiếu hai nhóm này giảm mạnh. Điều này cho thấy đã có lực bán lớn xuất hiện. Tuy vậy cũng không có hiện tượng giảm sàn la liệt (16 mã sàn trong cả hai rổ) tức là cầu bắt đáy vẫn xuất hiện ở vùng giá sâu. Đây là điểm tựa duy nhất cho làn sóng đầu cơ này, vì chừng nào còn tiền bắt đáy thì ít nhất còn hi vọng.
Hai sàn niêm yết hôm nay cũng lập kỷ lục lịch sử mới về thanh khoản với hơn 49.564 tỷ đồng khớp lệnh và 51.253 tỷ đồng tổng giá trị. Mặc dù thanh khoản rất lớn nhưng các cổ phiếu chứng khoán vẫn bị bán tưng bừng: SSI giảm 1,12%, HCM giảm 3,12%, VCI giảm 3,27%, VND giảm 3,35%, MBS giảm 5,56%, SHS giảm 3,88%, CTS giảm 2,73%, FTS giảm 4,17%, AGR giảm 2,91%... Đây là một ví dụ rõ ràng về các kỳ vọng cơ bản không có ảnh hưởng gì trong con sóng đầu cơ này. Lợi nhuận và nhu cầu bảo toàn là yếu tố quyết định.