11:09 27/04/2015

“Đâu phải thích nói nợ xấu bao nhiêu là nói!”

Nguyễn Hoài

Đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khẳng định con số nợ xấu Ngân hàng Nhà nước công bố là chính xác

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Tại cuộc họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội mới đây, có ý kiến cho rằng, tỷ lệ nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước công bố là không thuyết phục.

“Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, con số nợ xấu Ngân hàng Nhà nước công bố vừa qua là chính xác. Mức độ chênh lệch giữa con số của chúng tôi với Ngân hàng Nhà nước là rất nhỏ”, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói.

“Đang tồn tại hai con số nợ xấu”


Thưa ông, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá như thế nào về tỷ lệ, số liệu nợ xấu hiện nay khi mà vẫn có một vài nghi ngờ độ xác thực do Ngân hàng Nhà nước công bố?  

Trước hết, phải xem lại hệ thống thống kê có đầy đủ, kịp thời và chính xác hay chưa.

Còn sau này, khi Ngân hàng Nhà nước nói rằng; sau khi đã xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện mà họ vẫn công bố tỷ lệ nợ xấu vào một thời điểm nhất định là bao nhiêu thì phải thấy rằng: họ đã dựa vào hệ thống hạch toán kế toán, hạch toán thống kê, mẫu biểu một cách khoa học và theo quy định luật pháp, chứ đâu phải thích nói nợ xấu bao nhiêu là cứ nói ra!

Với tôi, chưa cần nhìn vào hệ thống hạch toán, hệ thống thống kê, mẫu biểu nhưng vẫn có thể biết một cách tương đối chính xác.

Ở chỗ: nếu không trích lập dự phòng rủi ro thì năm 2014 so với 2013, các tổ chức tín dụng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận 4,62%. Nhưng vì xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro về tín dụng, do đó, lợi nhuận 2014 đã giảm 25,8% so với 2013.

Điều đó chứng tỏ trên 30% lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong 2014 đã được sử dụng để xử lý nợ xấu.

Nôm na là, nếu một người không mua thuốc chữa bệnh, sẽ dư ra ít tiền nhưng vì phải mua thuốc chữa bệnh nên thu nhập sụt giảm so với năm ngoái như đã nói ở trên.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thấy rằng, trong các năm 2013 và 2014, Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng đã tích cực sử dụng hàng loạt biện pháp trích lập dự phòng, cấn nợ, xiết nợ và bán cho VAMC nên tỷ lệ nợ xấu đã giảm rất mạnh.

Đó là một thực tế phải thừa nhận.

Đó là ông “nôm na”. Thực tế thì Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có quyền, công cụ và phương pháp độc lập để xác định tỷ lệ nợ xấu. Ông nói gì khi được hỏi về vấn đề này?


Hiện tại, đang tồn tại hai con số nợ xấu.

Một do tổ chức tín dụng tự báo cáo, và con số thứ hai do Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước công bố. Con số do Cơ quan Thanh tra công bố thường cao hơn là điều dễ hiểu.

Bởi vì: thông qua thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận bản chất các khoản nợ được cơ cấu theo Quyết định 780 là nợ xấu, trong khi tổ chức tín dụng chưa thống kê nợ xấu ở khu vực này nên tỷ lệ nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước công bố luôn cao hơn do tổ chức tín dụng tự báo cáo.

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng có hệ thống đánh giá riêng thông qua các mẫu biểu thu thập từ các tổ chức tín dụng.

Qua đó, chúng tôi căn cứ vào con số lãi dự thu như thế nào, mức độ cơ cấu nợ theo 780 ra sao, mức độ trích lập dự phòng, lợi nhuận, hệ số chênh lệch lãi suất vào - ra; cộng với các căn cứ khác để chốt lại số liệu, chứ không phải chúng tôi tưởng tượng ra.

Tôi cho rằng, việc tỷ lệ nợ xấu ở các năm trước cao nhưng đã giảm mạnh vào thời điểm hiện tại là có cơ sở.

Vì: nợ đầu kỳ cộng nợ phát sinh trong kỳ trừ đi nợ xử lý trong kỳ thành ra nợ cuối kỳ. Để làm được điều này, ngành ngân hàng đã tiến hành hàng loạt biện pháp: tích cực thu hồi nợ, bán cho VAMC, dùng nguồn từ trích lập dự phòng để xử lý.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, con số nợ xấu Ngân hàng Nhà nước công bố vừa qua là chính xác. Mức độ chênh lệch giữa con số của chúng tôi với Ngân hàng Nhà nước là rất nhỏ.

“Đừng băn khoăn con bệnh sốt bao nhiêu độ nữa”

Lo ngại lớn nhất hiện nay là Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ làm gì với khối nợ xấu đang mỗi ngày phình to trong khi tốc độ xử lý chưa tương xứng. Ông nói gì về vấn đề này?


Khi phần lớn cục nợ xấu chuyển qua VAMC thì đương nhiên cần có thời gian để xử lý tiếp. Muốn thế, phải lưu động hóa giá trị tiền tệ kết tinh trong nợ xấu, nói khác đi là tài sản bảo đảm có bán được hay không.

Điều này phụ thuộc vào sức cầu của thị trường bất động sản. Thế nên, Nghị định 34 mới quy định là “mua bán nợ xấu theo giá thị trường”, thuận mua, vừa bán thay vì “mua bán theo giá trị sổ sách” như trước đó.

Cơ chế này có ưu điểm: trái phiếu đặc biệt VAMC có thể được thế chấp để tái cấp vốn hoặc tham gia nghiệp vụ thị trường mở nhưng cũng có nhược điểm.

Ví dụ, trước đây, khoản nợ đó có giá 10 tỷ đồng giá trị sổ sách nhưng bây giờ mua bán theo thị trường chỉ 8,5 tỷ đồng, vậy thì, 8,5 tỷ nói trên được hạch toán vào sổ sách và 1,5 tỷ đưa vào khoản lỗ của tổ chức tín dụng.

Nhưng nói gì thì nói, điều bây giờ chúng ta cần là trả lại cho các tổ chức tín dụng một lượng vốn huy động mà bấy lâu nay đang nằm chết trong nợ xấu. Theo tinh thần này, Nghị định 34 đã đáp ứng được những vướng mắc trước mắt.

Còn tiếp theo, phải xây dựng thành công thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Ở đó, phải có khuôn khổ pháp lý, để các nhà đầu tư tham gia. Dăm bảy năm qua, giá bất động sản đã xuống khá thấp và nếu tạo được hành lang pháp lý mua bán thông thoáng thì đó sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nhập cuộc.

Đây chính là mấu chốt để trong vài ba năm tới, có thể xử lý một cách căn bản nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang khê đọng ở VAMC.

Vấn đề hiện nay, đừng nên băn khoăn con bệnh sốt bao nhiêu độ nữa, bởi mọi thứ đã rõ ràng mà nên chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị để tránh lãng phí thời gian.