09:35 07/08/2007

Đầu tư từ ASEAN vào Việt Nam chưa xứng tiềm năng

Thùy Trang

Từ ngày 8/8/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ bắt đầu thăm chính thức 5 nước ASEAN

Đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Từ ngày 8/8/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ bắt đầu thăm chính thức các nước Indonesia, Philippines, Singapore, Myanmar và Brunei.

Đây là chuyến thăm chính thức các nước ASEAN lần đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời cũng là chuyến thăm các nước ASEAN theo thông lệ của tổ chức này. Chuyến thăm càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2007).

Việt Nam và Indonesia, Philippines, Singapore, Myanmar, Brunei đã có mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước láng giềng và khu vực, trao đổi phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Hiện nay, hầu hết các thành viên ASEAN đã có đầu tư vào Việt Nam (trừ Myanmar). Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong các nước ASEAN, Singapore đứng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với 474 dự án và 9,07 tỷ USD vốn đầu tư, đứng thứ 2 trong tổng số 78 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Tiếp theo là Malaysia với 219 dự án và 1,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư, đứng thứ 10 trong 78 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; tương tự Philippines đã đầu tư 30 dự án với 247 triệu USD tổng vốn đầu tư; Indonesia có 14 dự án với 137 triệu USD tổng vốn đầu tư; Brunei có 37 dự án và 125 triệu USD tổng vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư Singapore có mặt trong hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông, lâm, hải sản, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực dịch vụ với 207 dự án và tổng vốn đầu tư là 5,5 tỷ USD, chiếm 60,7% tổng vốn đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với 230 dự án và tổng vốn đầu tư là 3,3 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký.

Số còn lại thuộc lĩnh vực nông - lâm - nghiệp chỉ có 37 dự án và 254 triệu USD vốn đầu tư. Nhiều dự án của Singapore hoạt động hiệu quả, trong đó phải kể đến dự án liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore.

Đây là liên doanh giữa Công ty Thương mại và Đầu tư với Công ty Vietnam Singapore Industrial Park Pte.Ltd (VSIP) với tổng vốn đầu tư hiện nay trên 139,1 triệu USD, phía Việt Nam chiếm 49%, Singapore chiếm 51%. VSIP đã triển khai xong việc góp vốn đầu tư cho cả 2 giai đoạn với tổng diện tích khoảng 600 ha đất, đã lấp đầy khoảng 88%. Hiện nay VSIP đang lập kế hoạch mở rộng đầu tư tại một số tỉnh phía Bắc.

Malaysia là một trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Các dự án của Malaysia chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp với 140 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,19 tỷ USD; tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ với 47 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 336 triệu USD; lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp có 32 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 208 triệu USD.

Tuy nhiên đầu tư của Malaysia vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước, phần lớn các dự án đầu tư của Malaysia vào Việt Nam là các dự án có quy mô nhỏ.

Philippines, Indonesia và Brunei cũng là những nước có đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư, Philippines hiện mới có 30 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 247 triệu USD, vốn thực hiện đạt 85,9 triệu USD. Dự án của Philippines tập trung vào lĩnh vực công nghiệp với 14 dự án và 157, 4 triệu USD (chiếm 63,5% tổng vốn đầu tư của Philippines). Lĩnh vực nông nghiệp có 8 dự án với 88,8 triệu USD.

Lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ lệ vốn đầu tư ít nhất với 855.000 USD và 8 dự án. Indonesia có 13 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 130 triệu USD; trong đó các dự án của Indonesia tập trung vào lĩnh vực công nghiệp với 11 dự án và 73,8 triệu USD (chiếm 56% tổng vốn đầu tư của Indonesia); 3 dự án trong lĩnh vực dịch vụ với 63,7 triệu USD; không có dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.

Brunei có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 125 triệu USD. Cũng giống như hai nước trên, đầu tư của Brunei chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp với 31 dự án và 116 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 92% tổng vốn đầu tư của Brunei). Nông nghiệp và dịch vụ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 5 dự án và 9,6 triệu USD trong lĩnh vực nông nghiệp và 1 dự án với 120.000 USD trong lĩnh vực dịch vụ.

Để thu hút hơn nữa đầu tư của các nước trong khu vực, đặc biệt là những đối tác tiềm năng, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong việc rà soát, phân loại các dự án từ các quốc gia ASEAN để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết triệt để các khó khăn đặt ra trong quá trình đầu tư như thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng...

Cụ thể trong trường hợp của Singapore, việc thúc đẩy các dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện sớm đang là ưu tiên của Chính phủ. Hiện hai bên cũng đang xúc tiến điều chỉnh “Cơ chế chấp thuận nhanh trong cấp Giấy chứng nhận đầu tư” giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Cơ quan Phát triển kinh tế Singapore để phù hợp với điều kiện mới.

Đối với Malaysia, Chính phủ hai nước đã thông qua cơ quan lý hoạt động FDI tiếp tục hỗ trợ các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động.

Chúng ta chủ trương xúc tiến đầu tư từ Malaysia vào Việt Nam trong một số lĩnh vực như dầu khí, luyện kim, hoá chất, xây dựng khách sạn, khu đô thị mới, sản xuất đồ điện gia dụng, chế biến gỗ, trồng, chế biến thực phẩm, nuôi trồng, chế biến hải sản, giáo dục, đào tạo, kể cả đào tạo ngắn hạn để cung cấp lao động sang Malaysia.

Về đối tác đầu tư, ngoài các công ty Malaysia, hướng vận động đầu tư vào tập đoàn lớn đang đầu tư tại Malaysia nhằm đưa Việt Nam vào hệ thống sản xuất trong khu vực của các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn đang được các ban ngành của Việt Nam hết sức chú ý.

Mặt khác, trong thời gian tới, một biện pháp nữa đang được triển khai nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên là khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang các nước ASEAN thông qua đại diện ngoại giao tại các nước ASEAN bằng hình thức hội thảo, trao đổi thông tin của doanh nghiệp các nước hoặc tổ chức các đoàn doanh nghiệp hai nước đi khảo sát thị trường lẫn nhau.