17:58 10/11/2022

Đề nghị bổ sung trách nhiệm bồi thường khi bán hàng hóa có khuyết tật

Phúc Minh

Các đại biểu Quốc hội đề nghị pháp luật cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng…

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm  khuyết tật gây ra. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra. Ảnh - Quochoi.vn.

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) chiều 10/11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Luật cần quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra đối với người tiêu dùng.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc giải trình không tiếp thu việc bổ sung nội dung về dịch vụ khuyết tật hay dịch vụ không đảm bảo chất lượng là chưa thỏa đáng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhận thấy rằng dự thảo Luật hiện nay có một 131 lần sử dụng từ “dịch vụ cùng với hàng hóa” trong các quy định liên quan, qua đây cho thấy “dịch vụ” thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật và là một khía cạnh liên quan mật thiết tới việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi họ sử dụng có trả tiền, hoặc thuê dịch vụ tương tự như đối với sản phẩm hay hàng hóa.

Đại biểu cho rằng, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam không chỉ gói gọn trong sản phẩm hàng hóa, mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ khác nhau để phục vụ cho cuộc sống như: Dịch vụ du lịch, dịch vụ khách sạn, dịch vụ tư vấn...

“Đây là những hoạt động bên cạnh việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thì cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ trong ngắn hạn mà đôi khi là dài hạn hay suốt cuộc đời”, đại biểu nêu rõ.

Vì vậy đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đánh giá, việc làm rõ khái niệm hàng hóa có khuyết tật nên được điều chỉnh lại, cân nhắc việc bổ sung các quy định cho nhóm dịch vụ.

Theo đại biểu, trong thực tế đối với dịch vụ, người tiêu dùng có khả năng kiểm soát cao hơn đối với chất lượng và tính an toàn của dịch vụ so với những hàng hóa khác. Nhưng trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không biết và không thể kiểm soát được tác động thiệt hại của dịch vụ khuyết tật đối với mình. Do vậy rất cần được bảo vệ trong khuôn khổ của dự án luật này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Ảnh - Quochoi.vn.

Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần bảo vệ trên mọi khía cạnh, mọi góc độ, đặc biệt khi dự án luật có quy định về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung dịch vụ có khuyết tật, vì trong thực tế có những dịch vụ không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe cần được pháp luật điều chỉnh.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra.

Đại biểu Trần Thị Vân cho biết, khoản 3 Điều 34 quy định, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự.

Để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, đại biểu đề nghị cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.

Về việc quy định liên quan đến miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, dự thảo Luật quy định: Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy còn bất cập, sơ hở, không đảm bảo bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Đại biểu đề nghị sửa khoản 1 Điều 35 này thành: Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra khi chứng minh được khuyết tật sản phẩm hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật của thế giới tính đến thời điểm hàng hóa gây ra thiệt hại. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ buộc các doanh nghiệp không ngừng nâng cao quản lý chất lượng, có trách nhiệm hơn với sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng.

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.