Để trở thành nước phát triển vào năm 2045: Cần ưu tiên nguồn lực cho vùng chậm phát triển
Chỉ 2/6 vùng của cả nước đạt trình độ phát triển khá, 4 vùng còn lại đạt trình độ trung bình và cách khá xa so với trình độ của 2 vùng phát triển. Điều này đòi hỏi phải có sự ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư cho 4 vùng chậm phát triển nhằm nâng cao điểm số một số chỉ tiêu thấp điểm...
Vùng có vai trò, vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đối với cả nước. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thì sự nghiệp xây dựng từng vùng cũng đều phải hướng tới mục tiêu trở thành vùng phát triển, thu nhập cao.
Tuy nhiên, tương quan trình độ phát triển giữa các vùng đến nay vẫn còn chênh lệch khá lớn. Kết quả thực hiện các tiêu chí thành phần và xếp hạng các vùng theo chỉ số phát triển kinh tế - xã hội (Sn) và theo các chỉ số thành phần đến năm 2020 và đến năm 2021 thể hiện ở bảng 1 và bảng 2.
Căn cứ kết quả đạt được tại bảng 1 và bảng 2, áp dụng phương pháp biên soạn chỉ số (Sn) của Tổng cục Thống kê để xếp hạng các vùng theo chỉ số phát triển chung (bảng 3), theo các chỉ số thành phần đến năm 2020 (bảng 4), và theo các chỉ số thành phần đến năm 2021 (bảng 5).
Theo Bảng 3: Đến năm 2021 có hai vùng đạt trình độ phát triển khá, đứng đầu là vùng Đông Nam bộ (đạt 77,96/100 điểm), đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng (đạt 74,0/100 điểm); bốn vùng còn lại đạt trình độ trung bình gồm: vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đứng thứ ba (đạt 60,99/100 điểm), vùng Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ tư (đạt 56,17/100 điểm), vùng Trung du và miền núi phía Bắc đứng thứ năm (đạt 51,59/100 điểm), và vùng Tây Nguyên đứng vị trí thứ sáu (đạt 49,71/100 điểm).
Theo đó, tương quan trình độ phát triển giữa các vùng đến năm 2021 có sự chênh lệch khá xa, so với trình độ phát triển của vùng Đông Nam bộ là vùng đứng đầu, trình độ phát triển của vùng Tây Nguyên thấp hơn 28,25 điểm, vùng Trung du và miền núi phía Bắc thấp hơn 26,37 điểm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn 21,79 điểm, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thấp hơn 16,97 điểm.
Theo Bảng 5: Để thu hẹp mức độ chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng, trong các năm tới, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm chỉ đạo, bố trí các nguồn lực đầu tư cho bốn vùng chậm phát triển.
Trong đó, chú ý ưu tiên cho vùng Tây Nguyên và vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trước hết tập trung đầu tư nâng cao kết quả thực hiện các tiêu chí: Thu nhập bình quân đầu người, Tỷ lệ đô thị hóa, Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh là các tiêu chí hai vùng này còn đạt rất thấp so với vùng có trình độ phát triển hàng đầu và so với mức chuẩn (ngưỡng) cần đạt để trở thành vùng phát triển, thu nhập cao.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam