Đề xuất bổ sung 4.000 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn 561 điểm sạt lở, với tổng chiều dài sạt lở lên đến hơn 800 km. Trong đó, có 63 điểm/204 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần phải đầu tư xử lý ngay…
Chiều 28/8/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các bộ liên quan và các địa phương về bố trí nguồn vốn cho các dự án phòng, chống sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
HƠN 60 ĐIỂM SẠT LỞ CẦN XỬ LÝ KHẨN CẤP
Báo cáo với Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo sát tại các điểm sạt lở cấp bách ở các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km (bờ sông sạt lở 666 điểm/744 km; bờ biển sạt lở 113 điểm/390 km).
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, hiện tại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn 561 điểm sạt lở, bao gồm bờ sông 513 điểm/602 km; bờ biển 48 điểm/208 km. Trong đó, những địa điểm đặc nguy hiểm cần làm ngay là 63 điểm/204 km, bao gồm: sạt lở bờ sông 39 điểm/118 km; sạt lở bờ biển 24 điểm/86 km.
“Hiện tình hình sạt lở trên hầu hết các địa bàn có mức độ khác nhau, công tác phòng, chống, khắc phục sạt lở cần làm đồng bộ, theo vùng. Nếu xử lý đơn lẻ từng địa phương, hiệu quả sẽ không cao. Do đó, vượt tầm xử lý của địa phương, cần có sự vào cuộc của trung ương, có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương”.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về các nguyên nhân cơ bản gây sạt lở, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá đối với tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, hầu hết các khu vực sạt lở thường xảy ra mạnh, phổ biến ở những vị trí tại đỉnh các khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư… Tình hình sạt lở ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi. Sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực phía hạ nguồn (các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, sạt lở núi đồi cũng xảy ra ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc, nặng nhất là tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, một phần Sơn La và một số địa điểm ở Tây Nguyên.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành nhấn mạnh sự cần thiết phải bố trí nguồn vốn để xử lý các dự án sạt lở. Tuy nhiên, số liệu của các Bộ còn có sự khác nhau, do đó, cần rà soát lại để xử lý và phải đảm bảo nguyên tắc dự án phải là dự án phòng, chống thiên tai, trung ương chỉ hỗ trợ khi địa phương không đảm bảo về nguồn vốn.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ các địa phương thực hiện 18 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Danh mục các dự án này được tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các địa phương tại thời điểm tháng 2 và tháng 3/2023 và được Bộ tổng hợp trong phương án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
CẦN RÀ SOÁT KỸ, THẬN TRỌNG ĐỀ XUẤT NGUỒN VỐN
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ cần hoàn thiện lại theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, bộ, ngành rà soát lần nữa với 5 tỉnh mà Bộ đi khảo sát và có đề xuất chính thức.
“Trước đây các Bộ đề xuất sử dụng nguồn tăng thu để xử lý các dự án, nhưng do tính chất cấp thiết và ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ là phải dùng nguồn dự phòng để xử lý hậu quả do thiên tai cấp bách, do đó, việc sử dụng nguồn vốn phải đảm bảo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Luật Phòng, chống thiên tai. Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc xử lý cấp bách”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Do đặc thù của việc xử lý các dự án liên quan đến sạt lở, ý kiến của các bộ về danh mục dự án còn có sự khác nhau (danh mục dự án Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp thông qua đề xuất của địa phương và danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất từ thực tế khảo sát của Bộ).
“Với tính cấp bách của việc xử lý sạt lở, các địa phương, bộ, ngành phải rà soát, phối hợp, đề xuất danh mục dự án xử lý sạt lở bờ sông ở 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh nhất, kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật, trên tinh thần trọng tâm, trọng điểm, sớm triển khai”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc đề xuất danh mục dự án phải theo nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được vấn đề cấp bách và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, phải lựa chọn dự án nơi nào làm trước, nơi nào làm sau, sử dụng nguồn lực hiệu quả, làm dứt điểm từng khu vực, từng dự án.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ rà soát, thống nhất đề xuất danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trước 15/9/2023 để có nguồn lực cùng với các địa phương xử lý kịp thời các khu vực sạt lở.
Liên quan đến nguồn vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng nguồn dự phòng theo quy định tại Nghị định 66/2021/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai) là ngân sách địa phương phải đảm bảo. Nếu không đảm bảo được, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ. Các bộ phải phối hợp với Bộ Tài chính trình nội dung cho phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các bộ, ngành thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các cuộc làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.