07:14 23/09/2022

Đề xuất loạt quy định mới ảnh hưởng đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi nhiều nội dung mới liên quan đến trách nhiệm chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa. Trong đó, việc cập nhật dữ liệu về thuyền viên sẽ được đề xuất theo 2 phương án...

Dự thảo tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thuyền viên, người lái phương tiện.
Dự thảo tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thuyền viên, người lái phương tiện.

Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2019/TT-BGTVT quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa (Thông tư 39) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

NHỮNG THIẾU SÓT CẦN SỬA ĐỔI

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: ca làm việc; mức trọng tải toàn phần đối với trường hợp yêu cầu lập sổ nhật ký phương tiện; điều kiện đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng; trách nhiệm khai báo khi rời phương tiện, điều hành, bảo dưỡng phương tiện, huấn luyện thuyền viên…

Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa.

Theo đó, thông tư này áp dụng đối với chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trách nhiệm, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.

Hiện nay, phạm vi trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa được quy định tại Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trong tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, cho hay quá trình tổ chức triển khai thực hiện, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn hoạt động vận tải đường thủy nội địa, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, thứ nhất, cần áp dụng công nghệ thông tin để quản lý thời gian thuyền viên làm việc thực tế trên phương tiện.

Thứ hai, trách nhiệm của thuyền viên chưa được cụ thể đối với các nhiệm vụ: (1) Bảo quản, bảo dưỡng, duy trì điều kiện sẵn sàng hoạt động của các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa; (2) Việc duy trì số lượng thuyền viên trên phương tiện neo đậu trong vùng nước cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu để điều động phương tiện hoặc xử lý các trường hợp khẩn cấp; (3) Việc huấn luyện, hướng dẫn sử dụng thiết bị cứu sinh, cứu hỏa cho thuyên viên mới xuống phương tiện; (4) Trách nhiệm của thuyền trưởng, máy trưởng trong việc ký, xác nhận nhật ký phương tiện.

Thứ ba, quy định về định biên thuyền viên trên phương tiện cao tốc có sức chở dưới 12 người còn chưa rõ ràng.

Thứ tư, quy định về sổ nhật ký phương tiện chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được thuận lợi.

Vì vậy, việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 về trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa là rất cần thiết.

7 NỘI DUNG MỚI ĐƯỢC ĐỀ XUẤT

Theo đó, dự thảo sửa đổi bổ sung một số quy định tại Thông tư số 39 để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về vận tải đường thủy nội địa, đồng thời tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thuyền viên, người lái phương tiện.

Cụ thể, một là, quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc khai báo, cập nhật việc bố trí chức danh, ngày xuống, ngày rời phương tiện bằng hình thức trực tuyến lên cơ sở dữ liệu về thuyền viên phương tiện thủy nội địa.

Tuy nhiên, dù việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước là hết sức cần thiết nhưng hiện nay nhiều chủ phương tiện cũng là thuyền trưởng trên phương tiện, có trình độ về công nghệ thông tin hạn chế, nhất là phương tiện cỡ nhỏ.

 

Do đó, với nội dung khai báo việc bố trí chức danh, ngày xuống, ngày rời của phương tiện bằng phương thức điện tử vào cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đề xuất 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1 áp dụng với tất cả các phương tiện; phương án 2, chỉ áp dụng đối với những phương tiện cỡ lớn (tổng trọng tải trên 500 tấn, sức chở trên 50 khách) hoặc chủ phương tiện mang cấp VR-SB.

Hai là, quy định trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện trong việc duy trì số lượng thuyền viên trên phương tiện neo đậu trong vùng nước cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu để điều động phương tiện hoặc xử lý các trường hợp khẩn cấp.

Ba là, quy định về trách nhiệm của Thuyền trưởng trong việc: ký xác nhận nội dung các loại nhật ký theo quy định; khi có người rời xuống nước; có mặt ở buồng lái khi điều động phương tiện ra, vào cảng, bến, khu neo đậu; nắm vững tình hình, diễn biến thời tiết trong khu vực mà phương tiện sẽ đi qua, chỉ được rời cảng, bến khi điều kiện thời tiết đảm bảo theo quy định.

Bốn là, quy định về trách nhiệm của Thuyền phó về: trực tiếp phụ trách và tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa; khi phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải ven biển phải chuẩn bị đầy đủ hải đồ; trực tiếp phụ trách và bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, đảm bảo các thiết bị này luôn ở trạng thái sẵn sàng sử dụng an toàn, thuận lợi khi xảy ra sự cố; định kỳ tổ chức kiểm tra phương tiện, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng và báo cáo thuyền trưởng biết để kịp thời có biện pháp khắc phục; huấn luyện, hướng dẫn sử dụng thiết bị cứu sinh, cứu hỏa cho thuyền viên mới xuống phương tiện.

Năm là, quy định về trách nhiệm của Máy trưởng trong việc hàng ngày kiểm tra việc ghi chép và ký xác nhận nhật ký máy trên phương tiện.

Sáu là, quy định về định biên thuyền viên trên phương tiện cao tốc có sức chở dưới 12 người.

Bảy là, sửa đổi quy định về sổ nhật ký phương đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thuận lợi, hạn chế phát sinh chi phí.

Theo đó, dự thảo thông tư quy định chủ phương tiện có trọng tải toàn phần từ 500 tấn (thay vì 250 tấn như quy định cũ) trở lên phải lập sổ nhật ký phương tiện.

Tuy nhiên, “nội dung quy định thay đổi sẽ ảnh hưởng đến chế tài xử phạt quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi không có hoặc có nhưng không ghi chép đầy đủ sổ nhật ký phương tiện theo quy định, đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 250 tấn đến 1.000 tấn”, Cục Đường thuỷ nội địa nêu rõ.