Đề xuất tăng mức hỗ trợ lao động Việt Nam ở nước ngoài gặp rủi ro
Tại Tờ trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất tăng mức hỗ trợ đối với lao động làm việc ở nước ngoài trong các tình huống rủi ro như: tai nạn lao động, ốm đau, phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản…
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sau 14 năm triển khai, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đã bộc lộ một số hạn chế khó khăn như: doanh nghiệp lợi dụng quy định cho doanh nghiệp chủ động trong việc kê khai, đóng góp để khai mức thu tiền dịch vụ thấp hơn so với thực tế. Từ đó có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế và đóng góp Quỹ.
Ngoài ra, một số nội dung chi, mức chi chậm được điều chỉnh trong khi hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đa dạng. Chỉ số giá tiêu dùng, tỷ giá ngoại tệ liên tục tăng; nhiều tình huống, nhiều dạng rủi ro của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài chưa được đề cập…
Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất mức hỗ trợ cho thân nhân của người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài là 30 triệu đồng/trường hợp, tăng 3 lần so với mức hỗ trợ tại Quyết định 144/2007/QĐ-TTg.
“Mức hỗ trợ này có thể bù đắp mức trượt giá hằng năm giai đoạn 2007 – 2020 (khoảng 40%) và đảm bảo phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng của giai đoạn tiếp theo. Mức hỗ trợ phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, góp phần hỗ trợ cho gia đình người lao động vượt qua khó khăn và đảm bảo cân đối Quỹ”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định hỗ trợ cho người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc.
Theo đó, người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 1/2 thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/trường hợp; người lao động có thời gian làm việc thực tế từ 1/2 thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở lên, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp (tương đương bằng 67% và 50% mức hỗ trợ với lao động bị tử vong).
Đồng thời, người lao động cũng được hỗ trợ khi phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng…
Cụ thể, với người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 1/2 thời gian hợp đồng, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp và người lao động có thời gian làm việc thực tế từ 1/2 thời hạn hợp đồng trở lên, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất hỗ trợ hỗ trợ cho người lao động chi phí ăn, ở trong thời gian người lao động chờ giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động, chuyển chủ sử dụng theo quy định hoặc phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của người lao động, mức 500.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 10 triệu đồng/người.
Đồng thời, hỗ trợ bằng 50% cho phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý trong trường hợp tranh chấp lao động phức tạp giữa người lao động hoặc nhóm lao động với người sử dụng lao động, tối đa bằng 25 triệu đồng cho 1 vụ việc phát sinh tranh chấp.
Ngoài ra, để tạo điền kiện cho người lao động phải về nước trước hạn vì lý do khách quan sớm ổn định cuộc sống, ngoài hỗ trợ trực tiếp, sau khi về nước nếu người lao động có nhu cầu hỗ trợ học nghề để tìm việc làm, sẽ được Quỹ hỗ trợ chi phí đào tạo nghề có thời hạn dưới 3 tháng.
Mức hỗ trợ bằng 70% chi phí đào tạo thực tế của khóa học nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/lao động.