19:47 27/10/2021

Đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế: Phải quy định rõ việc quản lý và sử dụng quỹ

Quang Trung

Các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần có quy định thực sự chi tiết, rõ ràng và khả thi về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Đáng chú ý, tại nội dung thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là đề xuất của Chính phủ về việc chính sác thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Cơ bản nhất trí với đề xuất này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định rõ trong Nghị quyết về nguyên tắc quản lý, sử dụng quỹ này.

Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Lê An ( tỉnh Cao Bằng) phân tích, Thừa Thiên Huế là thủ phủ 9 đời Chúa Nguyễn đàng trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn, sau đó là đến kinh đô của nước Việt Nam thống nhất với 13 triều vua Nguyễn. Từng là một trong ba trung tâm chính trị, văn hóa lớn của cả nước, với vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở trung lộ của đất nước trên các trục hành lang kinh tế Đông Tây với nhiều tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng trong liên kết vùng và tạo động lực phát triển cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Ảnh: Quochoi.vn

"Trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, đô thị Huế được định hướng là đô thị di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh. Hiện nay Huế sở hữu 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, nổi bật là quần thể di tích cố đô và nhã nhạc cung đình Huế", đại biểu Đoàn Thị Lê An phân tích. 

Theo đại biểu, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng Thừa Thiên Huế vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu.

"Điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh là vẫn chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Việc bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc, gắn với bảo tồn sinh thái đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc kêu gọi thu hút đầu tư. Nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị di tích, di sản chưa đáp ứng được yêu cầu", đại biểu nêu ý kiến.

Do đó, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế tại Dự thảo Nghị quyết lần này là hợp lý.

"Đây là một trong những nguồn kinh phí quan trọng để bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế. Hiện nay nhu cầu vốn cho công tác trùng tu hàng năm là rất lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm. Hầu hết các di tích của Huế có niên đại hàng trăm năm ngày càng xuống cấp. Nếu không được bảo dưỡng, trùng tu kịp thời thì sẽ trở thành phế tích, việc bảo tồn càng khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó ngân sách của địa phương còn hạn chế", đại biểu Lê An lý giải.

Theo đại biểu, việc hỗ trợ của các địa phương, tổ chức, cá nhân thông qua Quỹ này sẽ thuận lợi hơn, quy trình sẽ rút gọn hơn, minh bạch hơn, đảm bảo kịp thời nguồn vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa Huế.

Cũng nhất trí với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cũng đề nghị Chính phủ cần có những quy định thực sự chi tiết, rõ ràng và khả thi về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ, tránh trường hợp Quỹ được thành lập rồi nhưng không thể hoạt động do không huy động được kinh phí và những vướng mắc khác về quy chế hoạt động như nhiều quỹ khác.

Đóng góp về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc cho phép các tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế trùng tu, bảo tồn di sản cố đô.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Quochoi.vn

"Nội dung này là hợp lý, nhưng đối với các tỉnh thành khó khăn thì vấn đề này cũng làm khó cho các tỉnh. Nếu Thừa Thiên Huế kêu gọi ủng hộ, tỉnh có, tỉnh không, nên cũng có thể ngại không quan tâm. Nếu ủng hộ thì các di tích địa phương của mình sẽ ra sao?”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo tờ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, bên cạnh việc trùng tu các công trình di sản thuộc sở hữu quản lý của Nhà nước, còn được phép trùng tu di sản của tư nhân quản lý. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc việc dùng ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp công trình tư nhân bởi việc này có thể dẫn đến tiêu cực.