08:00 23/04/2007

“Dệt may Việt Nam không bán phá giá tại Mỹ”

Đức Vương

Từ ngày 11/1, Mỹ tiến hành thực hiện cơ chế giám sát chống bán phá giá 5 nhóm hàng hàng may mặc của Việt Nam

Ông Lê Quốc Ân - Ảnh: TT.
Ông Lê Quốc Ân - Ảnh: TT.
Ngày 24/4 tại Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ có buổi điều trần với phía Việt Nam và các bên liên quan về việc thực hiện cơ chế giám sát hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhân sự kiện này.

Thưa ông, hiện nay phía Mỹ đã thực hiện cơ chế giám sát chống bán phá giá đối với những nhóm hàng dệt may nào của Việt Nam và dựa trên cơ sở nào phía Mỹ lại thực hiện cơ chế này?

Theo chúng tôi được biết thì bắt đầu từ ngày 11/1, DOC tiến hành thực hiện cơ chế giám sát chống bán phá giá 5 nhóm hàng hàng may mặc của Việt Nam. Đó là nhóm hàng quần, áo, áo len, đồ lót, quần áo bơi. Tổng cộng 5 nhóm này có 14 mặt hàng (cat.) đang bị áp đặt cơ chế giám sát.

Đây là những mã hàng mà DOC cho là rất nhạy cảm. Việc thực hiện cơ chế này là dễ thoả mãn yêu cầu muốn bảo hộ của ngành dệt Mỹ mà đại diện là hai thượng nghĩ sĩ Elizabet Dole và Linsay Graham (đại diện cho 2 bang Nam và Bắc Corolina chuyên về ngành dệt) và hiệp hội dệt của Mỹ, mặc dù ngành dệt Mỹ không sản xuất những mặt hàng này.

Vậy theo ông, liệu sau khi thực hiện cơ chế giám sát phía Mỹ có tiến hành điều tra và áp đặt cơ chế chống bán phá giá đối với những nhóm hàng kể trên?

Tôi cho rằng phía Mỹ sẽ chẳng có cơ sở nào để áp đặt cơ chế chống bán phá giá đối với những nhóm hàng trên nói riêng và đối với tất cả các mặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam nói chung.

Cụ thể, với lao động có tay nghề khéo léo, Việt Nam đang có lợi thế sản xuất những đơn hàng may mặc có độ phức tạp cao và giá trị cao. Do vậy đơn giá bình quân/m2 của hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ năm 2006 là 2,96 USD/m2, cao hơn gần 2 lần so với đơn giá bình quân của tổng nhập khẩu dệt may vào Mỹ là 1,79 USD/m2.

Riêng đối với các nhóm hàng được DOC liệt vào nhóm nhạy cảm, thì đơn giá của Việt Nam cũng được duy trì ổn định ở mức cao hơn so với nhiều nước khác. Đơn cử như Cat.338, tổng nhập khẩu của Mỹ từ các nước trên thế giới năm 2005 có giá bình quân là 31,5 USD/tá, giảm 4,76% so với năm 2004 (là năm có hạn ngạch). Trong đó từ Indonesia là 46,9 USD/tá, giảm 33% ; từ Bangladesh giá 24,6 USD/tá, giảm 36%...

Trong khi đó, Mỹ đã nhập khẩu từ Việt Nam với giá bình quân 52,2 USD/tá, tăng 7,35% so với năm trước. Tương tự như vậy với Cat.339 : toàn thế giới 35,1 USD/tá, giảm 5,34%, trong khi đó nhập khẩu từ Việt Nam với giá bình quân 40 USD/tá, tăng 6,60%.

Với các số liệu về giá bình quân cũng như tốc độ giảm giá nêu trên, thì không thể có dấu hiệu nào để nói hàng may mặc của Việt Nam được bán phá giá vào thị trường Mỹ.

Mặt khác, Việt Nam hiện xếp thứ 9 về số lượng và xếp thứ 6 về giá trị so với các nước xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ năm 2006. Do vậy có thể khẳng định thêm rằng việc xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào Mỹ không gây bất cứ một mối hăm dọa nào đối với ngành công nghiệp tương tự của Mỹ.

Thưa ông, mặc dù mới thực hiện cơ chế giám sát nhưng ngành dệt may Việt Nam đã bị thiệt hại rất lớn từ cơ chế này, có đúng không?

Đúng vậy. Có thể liệt kê ra rất nhiều công ty đang sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam (trong đó có cả các công ty trong nước và đầu tư nước ngoài) bị đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng vì các nhà nhập khẩu lo ngại cơ chế chống bán phá giá sẽ gây rủi ro cho việc kinh doanh của họ.

Cụ thể hiện nay, Công ty Việt - Mỹ và Công ty Đại Hoàng Gia tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Quảng Ngãi, một tỉnh nghèo tại miền trung Việt Nam - đang phải đóng cửa vì không còn đơn hàng.

Điều đáng lo ngại là vì cơ chế này nên hiện nay các đơn hàng cho quý III và quý IV phía Mỹ đang rất dè dặt và chưa đặt hàng. Bên cạnh đó các nhà nhập khẩu như Nike, Adidas.. còn giảm các đơn hàng đã có kế hoạch đặt gia công tại Việt Nam.

Có thể nói rằng việc giám sát này đang gây nên những thiệt hại to lớn chẳng những cho các nhà sản xuất Việt Nam, hàng triệu lao động Việt Nam mà còn gây thiệt thòi cho các nhà nhập khẩu và ngành công nghiệp bán lẻ của Mỹ với trên 15 triệu lao động. Hầu hết các nhà nhập khẩu Mỹ đã ngừng hoặc giảm đáng kể đơn đặt hàng cho 6 tháng cuối năm vì e ngại tính rủi ro của cơ chế giám sát.

Mục đích của buổi điều trần này là gì và để có thể thuyết phục được Bộ Thương mại Mỹ, phía Việt Nam sẽ trình bày những gì vào phiên điều trần ngày mai, và thưa ông?

Thông qua buổi điều trần DOC muốn nghe các bên tham gia, phía bảo vệ tự do thương mại của tất cả các nước trong đó có Việt Nam, họ là các hiệp hội, các nhà bán lẻ, các nhà nhập khẩu.

Họ đại diện cho khoảng 15 triệu lao động trong khối các doanh nghiệp này, họ muốn được tự do trao đổi hàng hoá với các nước. Chính những người này đang bảo vệ cho ngành dệt may Việt Nam và bảo vệ cho lợi ích của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối tại Mỹ.

Điều quan trọng nhất mà Hiệp hội sẽ trình bày tại buổi điều trần là hiện nay Việt Nam chỉ xuất khẩu hàng may vào Mỹ chứ không xuất khẩu hàng dệt. Cho nên chúng tôi khẳng định xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ không ảnh hưởng gì tới ngành công nghiệp dệt nội địa của Mỹ mà trái lại còn tạo thêm công ăn việc làm cho ngành thương mại Mỹ và tạo điều kiện cho người tiêu dùng Mỹ được sử dụng hàng tốt, giá cả hợp lý.