Điểm mặt những “siêu dự án” nghìn tỷ đã khởi công nhưng không hẹn ngày khánh thành tại Thanh Hóa
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện đang tồn đọng nhiều dự án được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, án ngữ tại những vị trí đắc địa nhưng xây dựng dang dở, gây lãng phí quỹ đất, nhức nhối trong dư luận xã hội. Đây cũng là vấn đề nóng, nan giải, luôn được đại biểu đưa ra bàn luận tại nghị trường tỉnh Thanh Hóa những năm qua...
Dự án Thủy điện Hồi Xuân được xây dựng trên sông Mã tại huyện Quan Hóa, Thanh Hóa có công suất lắp máy 102MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hằng năm đạt 432 triệu KWh, do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO), thuộc Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam, làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 3-2010.
THỦY ĐIỆN HỒI XUÂN “ĐUỐI NƯỚC GẦN BỜ”
Khởi công chưa lâu, dự án đã bị đình trệ vì chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính. Công ty mẹ của thủy điện Hồi Xuân là Tổng công ty CP xây dựng điện Việt Nam buộc phải tái cấu trúc và tìm đối tác bán lại cổ phần của mình cho nhóm cổ đông mới. Đến tháng 6-2014, Công ty TNHH dịch vụ-thương mại-sản xuất-xây dựng Đông Mê Kông mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính nắm giữ khoảng 91% cổ phần của VNECO.
Sau khi dự án về tay Đông Mê Kông, năm 2015 dự án được tái khởi động với nguồn vốn vay thương mại nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) và Ngân hàng TOKYO Mitsubishi (Nhật Bản) đã giải ngân khoản vay 125 triệu đô la vào dự án.
Chỉ 2 năm sau, năm 2017 dự án tiếp tục phải dừng thi công vì nhiều khó khăn nội tại phát sinh. Nguyên nhân chính của việc Chủ đầu tư chậm thu xếp được nguồn vốn bổ sung để thực hiện phần khối lượng còn lại của dự án là do việc đàm phán ký lại Hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kéo dài.
Phải đến khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì tháng 6/2021, hợp đồng mua bán điện số 06/2021/HĐ-NMĐ-Hồi Xuân với giá bán điện đảm bảo để đưa nhà máy vào vận hành.
Tuy nhiên, dự án vẫn dậm chân tại chỗ vì chủ đầu tư chưa thể thu xếp được nguồn vốn vay thương mại trong nước. Theo văn bản mới nhất gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, sở dĩ việc chủ đầu tư thiếu vốn vì nhiều dự án bất động sản, hạ tầng giao thông đang triển khai bị sa lầy.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng thi công. Tổng nguồn vốn dự án đã thu xếp hơn 3.557 tỷ đồng. Ứng vốn Quỹ tích lũy trả nợ của Chính phủ: 46.579.717,55 USD (tương đương khoảng 1.089 tỷ đồng); nợ phí bảo lãnh Chính phủ 1.771.575,49 USD (tương đương khoảng 41,791 tỷ đồng).
DỰ ÁN 6900 TỶ KHAI TRƯƠNG XONG LÀ… “ĐẮP CHIẾU”
Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỷ đồng.
Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ôtô các loại. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến tạo ra những con số đầy hứa hẹn, như sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm.
Nhà máy này đi vào hoạt động năm 2011 nhưng chỉ sau đó 2 năm, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang. Năm 2017, doanh nghiệp bị thu hồi một phần quỹ đất và đến năm 2021 bị thu hồi toàn bộ.
Sau khi thu hồi đất của Vinaxuki, UBND tỉnh Thanh Hoá đã cho phép Công ty CP Giải trí nghe nhìn toàn cầu - Tập đoàn đầu tư tài chính (TF Group) thuê khu đất này để tiếp tục sử dụng triển khai dự án cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng.
Dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức Đầu tư 6.900 tỷ đồng. Dự án bao gồm tổ hợp nhiều nhà máy với các chức năng đa dạng gồm: lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin, lắp ráp các loại máy thi công... được xây dựng trên cơ sở khuôn viên 45,6 héc-ta của nhà máy Vinaxuki cũ.
Trong giai đoạn 1, sẽ đầu tư 1.993 tỷ đồng, bao gồm các gói san lấp và hạ tầng nhà xưởng. Sau khi hoàn thiện hai giai đoạn và đưa vào sản xuất, Công ty phấn đấu đạt mục tiêu 17 sản phẩm chiến lược, với công suất sản xuất, lắp ráp dự kiến đạt 6.000 xe trong năm đầu tiên và dự kiến đạt 30.000 xe/năm khi hoạt động với 100% công suất. Trong đó, thị trường mục tiêu mà công ty hướng tới chủ yếu là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, sau khởi công rầm rộ, dự án gần như “đắp chiếu” khiến dư luận không khỏi băn khoăn về năng lực thực sự của chủ đầu tư.
“KHAI TỬ” DỰ ÁN 2.300 TỶ ĐỒNG CỦA FLC
Dự án Khu công nghiệp Hoàng Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ tháng 9/2015 tại Thanh Hóa. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với chức năng khu công nghiệp đa ngành gồm: Viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da…
Quy mô dự án lên tới 286 ha, thuộc địa giới hành chính của các xã: Hoằng Anh, Hoằng Long (nay là phường Long Anh) và Hoằng Quang (thành phố Thanh Hóa); Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa). Tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 60.000-80.000 lao động.
Để triển khai dự án, hàng trăm hộ dân đã nhường đất, bàn giao cho đơn vị chủ đầu tư thi công với kỳ vọng địa phương sẽ có một khu công nghiệp hiện đại, người dân sẽ có việc làm. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ thi công, ngoài cổng chào hoành tráng thì toàn bộ dự án vẫn chỉ là khu đất hoang, cỏ mọc um tùm khiến nhiều người dân không khỏi xót xa, nuối tiếc.
Tháng 4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản thống nhất với đề nghị Sở Xây dựng tỉnh này về chủ trương điều chỉnh quy hoạch phân khu dự án Khu công nghiệp Hoàng Long thành Khu đô thị thông minh.
Tháng 4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long.
Đối với việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp chủ trì, làm việc với Tập đoàn FLC để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long (theo hướng nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động dự án).
BÀI TOÁN NAN GIẢI
Ngoài những “siêu dự án” chậm tiến độ kể trên, tại Thanh Hóa vẫn còn nhiều dự án lớn cùng chung số phận như: Dự án Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn được khởi công xây dựng năm 2009 tại huyện Ngọc Lặc với tổng mức đầu tư 1.430 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư, sau 14 năm vẫn là bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm; Dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngày 25/1/2017, tổng vốn đầu tư khoảng 2.681 tỷ đồng do Công ty Hoàng Sơn làm chủ đầu tư, đến nay bên trong dự án vẫn là khu đất trống,…
Nhiều chuyên gia cho rằng theo quy định của luật Đất đai hiện hành, dự án được cấp quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư… có hiệu lực trong vòng 12 tháng.
Nếu sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng, dự án có thể được gia hạn thêm và tối đa 48 tháng phải đưa đất vào khai thác sử dụng. Nếu hết thời gian này, dự án vẫn bỏ hoang, vẫn “treo”, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư và thu hồi đất mà không bồi thường.
Nhưng hiện nay các địa phương mới dừng lại ở việc thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư nếu dự án chậm triển khai mà khó thu hồi được đất, nhất là trong trường hợp đất do chủ đầu tư tự đền bù, giải phóng mặt bằng.
Bởi luật quy định nhà nước chỉ được thu hồi đất trong một số trường hợp cần thiết mà không có trường hợp dự án chậm triển khai. Luật Đất đai cũng không quy định rõ như thế nào là không đưa vào sử dụng, nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khe hở này để đối phó với cơ quan chức năng bằng cách triển khai “nhỏ giọt”, mỗi năm một ít.
Để xảy ra tình trạng dự án treo, dự án chậm triển khai trong nhiều năm nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án…
Tất nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Với những dự án chủ đầu tư chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý thu hồi giao cho doanh nghiệp khác có năng lực để triển khai dự án, từ đó không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.