17:27 16/05/2023

“Điểm rơi” dệt may sẽ kéo dài sang 2024: Doanh nghiệp cần chủ động giải pháp vượt qua thách thức

Song Hà

Nhu cầu đối với các sản phẩm may mặc trên thị trường toàn cầu giảm khiến các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu điêu đứng. Ngành dệt may Việt Nam cũng không ngoại lệ, đơn hàng giảm, cạnh tranh với các đối thủ gia tăng, dự báo “điểm rơi” còn kéo dài, đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động vượt qua thách thức...

4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng dệt may giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng dệt may giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, hệ lụy từ thiệt hại do đại dịch Covid-19 cùng với sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, tình trạng lạm phát tăng cao tại một số quốc gia, trong khi lượng hàng may mặc tồn kho tăng cao, dẫn đến các đối tác, khách hàng hạn chế đặt hàng số lượng lớn, thậm chí dừng nhận hàng.

ĐƠN HÀNG GIẢM MẠNH

Là đối thủ lớn của dệt may Việt Nam, Bangladesh cũng không ngoại lệ. Theo số liệu mới cập nhật của Cục Xúc tiến xuất khẩu Bangladesh, mặt hàng dệt may vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bangladesh (chiếm tới gần 90% kim ngạch xuất khẩu) cũng tăng trưởng âm trong 2 tháng liên tiếp.

Tháng 4, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh chỉ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ, kéo kết quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 của Bangladesh chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái trong khi hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Bangladesh còn tăng hơn 6% so cùng kỳ.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Bangladesh cũng sụt giảm trong quý đầu tiên năm 2023 do suy thoái kinh tế khi các lô hàng xuất khẩu giảm cả về giá trị và khối lượng.

Kim ngạch xuất khẩu đi Hoa Kỳ của Bangladesh chỉ đạt 2,13 tỷ USD trong quý 1/2023, đánh dấu mức giảm 13,33%. Các nhà xuất khẩu hàng may mặc và các chuyên gia của Bangladesh cho rằng, nhu cầu yếu do suy thoái kinh tế, lạm phát cao và lãi suất cao ở Hoa Kỳ dẫn đến sự suy giảm này, tình hình tương tự cũng xảy ra ở khu vực các nước Châu Âu.

Dự đoán về triển vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp may mặc tại Bangladesh, cho rằng xuất khẩu của nước họ có thể tăng trưởng âm tối thiểu cho đến tháng 6 do những bất ổn kinh tế toàn cầu, thậm chí xu hướng hiện nay sẽ còn tiếp diễn đến tháng 8.

Cũng là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn, tình hình xuất khẩu dệt may của Ấn Độ cũng tương tự. Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Ấn Độ tháng 3/2023 đạt 1,45 tỷ USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ. Lũy kế hết quý 1/2023, xuất khẩu hàng may mặc của Ấn Độ đạt 4,35 tỷ USD, giảm 11% so cùng kỳ năm 2022.

Còn với Việt Nam, số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt kim ngạch 11,6 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó trước đây, những tháng đầu năm bình quân đạt khoảng trên 3 tỷ USD/tháng.

Phân tích cụ thể nguyên nhân, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng do nhiều nguyên nhân như dịch bệnh, chiến tranh Nga-Ukraine đến nay vẫn chưa biết điểm kết thúc, tăng lãi suất của Fed, lạm phát của các nước nhập khẩu dệt may lớn, sức mua toàn cầu giảm. Đặc biệt, hàng hóa tồn kho của năm 2022 trên toàn cầu còn số lượng rất lớn nhất là với những hàng giá rẻ, hàng dệt kim, quần áo jean denim.

Những thị trường xuất khẩu dệt may trọng điểm của Việt Nam như Hoa Kỳ (chiếm trên 44%), EU (19%), Nhật Bản (18,5%), Hàn Quốc (15%), Trung Quốc. Các thị trường khác như châu Á, Trung Đông, Mỹ La tinh… số lượng đơn nhập khẩu thấp. Vì vậy, những mặt hàng như dệt kim, denim, hàng giá rẻ đơn hàng không dồi dào như trước do lượng tồn kho còn lớn ở các nước nhập khẩu nhiều. Tuy nhiên, một số mặt hàng có hiệu ứng tốt như đồ bảo hộ lao động trong các công xưởng, nhà máy, đi rừng… tăng trưởng tốt. Các mặt hàng veston cũng đã bắt đầu nhu cầu tăng trở lại.

Với những doanh nghiệp đưa ra được giải pháp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng thì đã có đơn hàng đến tháng 10/2023. Còn những doanh nghiệp chậm hơn vẫn đang tìm kiếm đơn hàng cho tháng 7, tháng 8.

Cũng do đơn hàng giảm, nên lao động trong một số doanh nghiệp cũng giảm, nhưng ông Giang khẳng định mức giảm không nhiều. Bởi các doanh nghiệp coi lực lượng lao động là tài sản số một của mình, cho nên trong điều kiện khó khăn, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất, giảm giờ làm… chờ thị trường khôi phục trở lại.

CHUYỂN DỊCH, ĐA DẠNG HÓA THỊ TRƯỜNG

Lãnh đạo Vitas nhận định, khó khăn dệt may thời điểm từ năm ngoái đến nay do nhiều nguyên nhân khách quan, nên “điểm rơi” này sẽ mất khoảng 3 năm, tức là kéo dài sang đến năm 2024, trong khi “điểm rơi” của những thời kỳ trước chỉ từ 12-14 tháng.

Tuy nhiên theo ông Giang, “điểm rơi” này sẽ không xuống đáy như cuối năm 2022- đầu năm 2023, mà sẽ khôi phục dần ở mức thấp chứ không lên nhanh như những năm trước đây.

Vì vậy, để đứng vững trước “bão” kéo dài, cộng đồng doanh nghiệp dệt may phải chuyển dịch, đa dạng hóa thị trường - đây là mục tiêu phải đi, không có con đường nào khác. Thay vì phụ thuộc vào thị trường truyền thống, phải tìm ra những phân khúc thị trường riêng, đặc biệt là thị trường của các nước khu vực SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập). Đơn hàng tại khu vực này đã bắt đầu tăng nhanh.

Thị trường tiếp theo mà các doanh nghiệp dệt may hướng đến là thị trường Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc. Điểm sáng Argentina đang là thị trường cho doanh nghiệp dệt may nhắm tới do Chính phủ hai nước đang hướng tới ký kết một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “Doanh nghiệp cần tìm ra một lối đi riêng, tạo ra một sự ổn định thị trường trong thời gian tới”, ông Giang nhận định.

Về phía Chính phủ, lãnh đạo Vitas cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất trong hệ thống tài chính – ngân hàng, giãn thời gian thanh toán nợ giúp doanh nghiệp không chịu áp lực về dòng tiền thanh toán.

Mặt khác, nên có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, áp dụng như khi Covid-19 xảy ra, giúp doanh nghiệp có vốn trả lương cho lao động trong những tháng đơn hàng thiếu hụt.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp phải tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, bám sát khách hàng và thị trường nhằm có chính sách kịp thời cũng như linh hoạt theo tình huống cũng là điều cần thiết.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2023 phát hành ngày 15-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

“Điểm rơi” dệt may sẽ kéo dài sang 2024: Doanh nghiệp cần chủ động giải pháp vượt qua thách thức - Ảnh 1