10:44 21/04/2012

Điều hành lãi suất và chuyện giờ mới hỏi

Minh Đức

Ngân hàng Nhà nước sẽ nói gì khi chiếu thực tế lãi suất cho vay với trách nhiệm ở 5 chữ ngắn gọn có trong luật định?

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận những ngày gần đây đề cập nhiều đến giả thiết bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay.
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận những ngày gần đây đề cập nhiều đến giả thiết bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước sẽ nói gì khi chiếu thực tế lãi suất cho vay với trách nhiệm ở 5 chữ ngắn gọn có trong luật định?

Hơn một năm qua, có lẽ chẳng mấy doanh nghiệp hay người dân vay vốn bỏ thời gian ngồi tra soát một bộ luật mới có hiệu lực: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
 
Nhưng, nếu đọc lại bộ luật này, người quan tâm có thể dừng mắt ở điều 12 với 5 chữ ngắn gọn để nhìn lại thực tế.

Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói về lãi suất có nêu: “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi”.

Chuyện giờ mới hỏi: thế nào là “chống cho vay nặng lãi”; thực tế vừa qua, hiện nay và sắp tới đã, đang và sẽ như thế nào?

Quý 1/2008, lãi suất cho vay VND ngắn hạn khoảng 11% - 13%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 14% - 16%/năm. Quý 1/2009, tương ứng là 8% - 10%/năm và 12% - 15%/năm, cá biệt sau đó có chính sách hỗ trợ lãi suất kích cầu. Quý 1/2010, tương ứng là 13% - 14%/năm, 15% - 16%/năm.

Riêng năm 2011, lãi suất cho vay bắt đầu leo thang, các mức cao phổ biến ghi nhận từ 20% - 25%/năm; quý cuối năm có hạ chút đỉnh nhưng phổ biến vẫn từ 19% - 20%, lãi suất ở các lĩnh vực không khuyến khích 22% - 25%/năm…

Dữ liệu so sánh là rõ ràng. Những mức 20% - 25%/năm vừa qua càng khắc nghiệt hơn nếu nhìn ở một góc độ: dồn dập những năm khó khăn 2008, 2009, 2010 rồi tới 2011, sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp và người dân vay vốn đã bị mài mòn, hay một số chuyên gia vẫn dùng từ là “rệu rã”. Đó cũng là câu trả lời thực tế cho việc xác định lãi suất cho vay như vậy “nặng lãi” hay không “nặng lãi”.

Tất nhiên, cứ theo luật mà xác định. Cho vay nặng lãi trước đây được căn cứ theo Bộ luật Dân sự với giới hạn 150% lãi suất cơ bản. Oái ăm là, đúng trong kỳ lãi suất cao 2011 và cho đến nay, lãi suất cơ bản không còn tồn tại. Đúng hơn, sau lần công bố ngày 1/12/2010, nó trở nên vô hồn vì không điều chỉnh bất cứ cái gì, bất cứ quan hệ vay mượn nào, hay ngay cả giá trị tham khảo và tính tín hiệu cũng chẳng có.

Nhưng, ngay trong điều 12 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà thời điểm hiệu lực còn tươi mới vẫn có cụm từ “lãi suất cơ bản”, dù định nghĩa nó và sử dụng nó là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Hơn một năm qua nó bị mờ nhạt, như số phận 5 chữ “chống cho vay nặng lãi” nói trên vậy.

Nhưng tại điều 12 cũng có mở một hướng: “Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác”. Liệu thời gian qua có phải là sự nối dài của những bất thường, khiến yêu cầu “chống cho vay nặng lãi” trở nên mờ nhạt?

Ngân hàng Nhà nước có thể trả lời rằng (thực tế đã được nhấn mạnh trong quan điểm đưa ra thời gian qua) là dùng lãi suất cao để chống lạm phát cao, xem đó như một giải pháp kinh điển.
 
Ngân hàng Nhà nước phải đứng trước các lựa chọn. Với giải pháp trên, vừa đẩy lãi suất lên để chống lạm phát cao, vừa đè lãi suất xuống để chống cho vay nặng lãi là bất khả thi.

Còn nay, khi lạm phát đã hạ nhiệt, yêu cầu chống cho vay nặng lãi cần được đặt ra một cách rõ ràng và kín kẽ, nhất là khi vẫn còn lãi suất cho vay cỡ 22% - 25%/năm. Ở đây là cơ chế. Cơ chế chặn trần lãi suất huy động và mở lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay là không đảm bảo được yêu cầu chống cho vay nặng lãi, cả về mặt pháp lý.

Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà dư luận những ngày gần đây đề cập nhiều đến giả thiết bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay.

Có những phản biện khác nhau về giả thiết đó. Nó có thể gặp phản ứng từ các ngân hàng thương mại, vì liên quan trực tiếp đến khả năng tạo lợi nhuận của họ. Nhưng khi mà câu chuyện lãi suất cơ bản với quy định tại Bộ luật Dân sự không gặp nhau, nó là một giải pháp để Ngân hàng Nhà nước thực thi nhiệm vụ chống cho vay nặng lãi.

Và nếu áp trần lãi suất cho vay, ngoài mục đích và yêu cầu trên, Ngân hàng Nhà nước còn bình định được lãi suất huy động. Bởi lãi suất huy động càng sát trần cho vay, ngân hàng càng hẹp lãi, thậm chí lỗ; trường hợp bất chấp cả lỗ thì trụ được mấy lâu. Ngược lại, ngân hàng muốn lợi nhuận tốt thì cần giữ lãi suất huy động hợp lý.

Nhưng áp trần như vậy có hạn chế tính thị trường, với nguyên tắc rủi ro cao lãi suất cho vay phải cao? Trần ở đây là giới hạn cuối cùng về độ rủi ro, vượt quá nó nên được xem nhu cầu vay đó không được đáp ứng; hoặc có thể áp các mức trần khác nhau với các nhóm đối tượng khác nhau, như sản xuất với phi sản xuất…

Sẽ có băn khoăn, đó vẫn là một biện pháp hành chính? Cũng không khác gì, vì cơ chế trần lãi suất huy động hiện nay cũng là hành chính, chỉ là một sự đổi chỗ mà thôi.