Doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc trông chờ thời cơ từ căng thẳng thương mại Mỹ
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc tin rằng đây là cơ hội để các sản phẩm nội địa dần thay thế hàng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn mà Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh tự lực tự cường…

Suzhou Everbright Photonics, công ty chuyên sản xuất chip cảm biến laser và diode công suất cao của Trung Quốc, nhận định rằng các mức thuế mới sẽ khiến chi phí nhập khẩu chip từ Mỹ đội lên, đồng thời tạo ra sự bất ổn trong chuỗi cung ứng.
Đây sẽ là cơ hội để các khách hàng trong nước chuyển sang sử dụng sản phẩm nội địa. Everbright thậm chí còn dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa chính sách thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm nội địa trong thời gian tới.
Chung quan điểm, Tập đoàn Chipsea Technologies (Thâm Quyến), nhà cung cấp chip cho thiết bị gia dụng và ô tô, cũng cho rằng các biện pháp thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mở rộng thị phần cho các dòng chip sản xuất trong nước.
Một ví dụ khác là Pan Asian Microvent Tech, công ty chuyên sản xuất vật liệu thông gió siêu nhỏ dùng trong ô tô, cảm biến, thiết bị đo đạc, điện tử, bao bì, y tế và nhiều lĩnh vực khác, cho biết các biện pháp áp thuế trả đũa của Trung Quốc sẽ khiến hoạt động kinh doanh tại đại lục của đối thủ Mỹ là W.L. Gore & Associates gặp bất lợi.
Trong bản thông báo gửi tới các nhà đầu tư, Microvent tự tin khẳng định: “Sản phẩm của chúng tôi có lợi thế cạnh tranh về chi phí so với Gore. Nếu Trung Quốc thực sự áp thuế 34% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, ưu thế của chúng tôi sẽ càng rõ rệt”.
Những nhận định từ các doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy họ ngày càng tự tin vào khả năng thay thế hàng nhập khẩu từ Mỹ bằng sản phẩm “nội địa hóa” chất lượng cao. Trong khi đó, về phía các nhà quản lý Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả nếu Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực thuế quan, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đe dọa nâng thuế thêm 50% đối với hàng Trung Quốc.
Tuần trước, Trung Quốc cũng đã tuyên bố áp thêm mức thuế 34% đối với hàng hóa Mỹ, ngoài những loại thuế đã có nhằm đáp trả các động thái tương tự từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế là trước cả khi Trung Quốc đấu tranh chống thuế quan Mỹ, bất chấp những biện pháp hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, nhất là những gã khổng lồ công nghệ, vẫn ưu tiên sử dụng chip Mỹ, thay vì lựa chọn các sản phẩm nội địa có hiệu suất thấp hơn.
Theo thông tin từ Reuters, ba ông lớn công nghệ Trung Quốc là ByteDance, Alibaba và Tencent đã chi ít nhất 16 tỷ USD cho đơn hàng chip máy chủ H20 của Nvidia – dòng chip bị giới hạn xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ trong ba tháng đầu năm.
Không chỉ vậy, các lệnh hạn chế xuất khẩu trước đây của Mỹ được cho là đã vô tình tiếp tay cho một thị trường chợ đen chip AI ngày càng tinh vi. Những con chip bị cấm vẫn tìm đường vào Trung Quốc thông qua các bên trung gian tại Malaysia, Nhật Bản và Hồng Kông.
Một phóng sự của Wall Street Journal thậm chí hé lộ trường hợp một sinh viên được trả 100 USD cho mỗi chip Nvidiamà anh ta mang từ Singapore vào Trung Quốc trong hành lý cá nhân. Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) ước tính rằng khoảng 12.500 chip mỗi năm có thể được tuồn lậu vào Trung Quốc qua các con đường phi chính ngạch.
Năm 2024, các công ty Mỹ chiếm 46% doanh thu thiết kế chip toàn cầu và 72% doanh thu từ phần mềm thiết kế chip và cấp phép IP.
Trong khi đó, ngành thiết kế chip của Trung Quốc ghi nhận doanh thu lên tới 90,99 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2023. Theo số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA), Trung Quốc có tổng cộng 3.626 công ty thiết kế chip, tăng thêm hơn 175 doanh nghiệp so với năm 2023.Đáng chú ý, khoảng 20% số công ty đã đạt doanh thu vượt 100 triệu nhân dân tệ, tăng thêm 106 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.