16:25 16/03/2007

Doanh nghiệp Nhật: Việt Nam vẫn “hot”

Thành Nam

Các công ty Nhật Bản ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và Ấn Độ

Một dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội của doanh nghiệp Nhật Bản vừa mới được chấp thuận - Ảnh: Việt Tuấn.
Một dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội của doanh nghiệp Nhật Bản vừa mới được chấp thuận - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo kết quả mà Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) vừa công bố về cuộc điều tra hàng năm hoạt động của các công ty Nhật Bản ở nước ngoài, thì so với cuộc điều tra năm 2005, các công ty Nhật Bản ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và Ấn Độ.

Đây là năm thứ hai liên tiếp các công ty Nhật Bản mong muốn mở rộng bán hàng ở Việt Nam và Ấn Độ.

Đối với Việt Nam, việc sản xuất các sản phẩm từ thấp đến trung cấp tăng 3,2 điểm đạt 8,4%, chỉ xếp sau Trung Quốc và Thái Lan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật cũng đánh giá cao những tiến bộ cho Việt Nam, như chức năng bán hàng và kinh doanh tăng 2,3 điểm và sản xuất các sản phẩm cao cấp tăng 1,7 điểm.

Ấn Độ đứng thứ 5 cả về chức năng bán hàng (tăng 2,3 điểm đạt 15,5%) và sản xuất các sản phẩm thấp đến trung cấp (tăng 3,4 điểm đạt 5,7%).

Trong đó, việc mở rộng sản xuất các sản phẩm sắt thép, kim loại, thực phẩm và đồ giải khát tại Việt Nam được các công ty Nhật Bản quan tâm hơn cả, còn các công ty trong ngành ôtô, phụ tùng ôtô, các máy móc vận tải khác, lại quan tâm đến Ấn Độ.

“Điều này thể hiện tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thị trường phát triển ở 2 quốc gia này”, Jetro nhận xét. “Chiến lược “Trung Quốc + 1” (tức là đầu tư ở Trung Quốc và một nước, khu vực khác nhằm giảm việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc) có lẽ giải thích cho việc các chỉ số của Việt Nam được cải thiện hơn trong điều tra này”.

Trong cuộc gặp gỡ với báo giới mới đây, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Norio Hattori cũng đã nhận định: “Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư Nhật”.

Nhưng kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy có những rủi ro xuất phát từ cơ sở hạ tầng kém phát triển của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Ấn Độ và Việt Nam, và một tỷ lệ khá lớn các công ty cũng lo ngại về các ngành công nghiệp phụ trợ kém hoặc không phát triển tại 2 quốc gia này.

Tuy nhiên, trong khi nêu ra những khó khăn trong thời gian tới, chủ yếu do cơ sở hạ tầng kém phát triển hoặc phát triển chưa đầy đủ, đặc biệt là các vấn đề về điện và hậu cần, các doanh nghiệp Nhật vẫn tỏ ra quan tâm hơn tới Việt Nam và Ấn Độ.

Một điểm đáng chú ý của báo cáo là khi được hỏi về việc mở rộng kinh doanh ở nước ngoài, 65,4% các công ty Nhật Bản trả lời có kế hoạch mở rộng trong khoảng 3 năm tới (gần bằng tỷ lệ 65,6% năm ngoái).