12:38 27/03/2023

Doanh nghiệp “níu chân” lao động, chờ đơn hàng

Lưu Hà

Tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ cuối năm 2022 vẫn đang tiếp diễn khiến nhiều doanh nghiệp phía Nam liên tục thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, rút ngắn giờ làm... 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hơn 7.500 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể đây là thống kê ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay. Con số này đã làm dài thêm danh sách doanh nghiệp gặp khó khăn và buộc phải rời bỏ thị trường. Bên cạnh đó, đơn hàng sụt giảm với phần lớn ngành xuất khẩu chủ lực, như đồ gỗ, dệt may, giày dép, thủy sản…, khiến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2023 đứng trước áp lực không nhỏ.

GIỮ NHÂN LỰC CHO NHÀ MÁY

Trong tháng 3 này, Công ty PouYuen chuyên gia công giày xuất khẩu đã có văn bản gửi cơ quan chức năng về việc thực hiện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với gần 2.400 công nhân do khó khăn về đơn hàng. Một công ty lớn, trước đây tuyển lao động luôn không đủ, mà giờ đây phải cho số lượng lớn công nhân nghỉ việc, cho thấy các doanh nghiệp trong ngành da giày và dệt may đang thực sự rất khó khăn.

Kể từ ngày 31/3 tới, xưởng gia công đế giày Công ty TW MTC tại KCN Biên Hòa 2 (Đồng Nai) với 800 lao động sẽ ngừng sản xuất vì thiếu đơn hàng. Doanh nghiệp khuyến khích người lao động nghỉ việc và có chính sách hỗ trợ nửa tháng lương/năm đối với lao động làm việc dưới 20 năm và 1 tháng lương/năm đối với lao động làm việc từ 20 năm trở lên. Trường hợp người lao động có nhu cầu tiếp tục làm việc thì có thể chuyển đến nhà máy tại Cần Thơ.

Trong thời điểm nhiều khó khăn này, doanh nghiệp duy trì được lực lượng lao động hay một phần lớn lao động thường trực đã là sự cố gắng rất lớn. Tuyển dụng có chọn lọc, sắp xếp lại ca kíp hợp lý, chia đều việc… là cách nhiều doanh nghiệp đang làm để giữ chân công nhân. Dù thiếu đơn hàng nhưng Công ty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) vẫn cố gắng duy trì việc làm cho công nhân 6 ngày/tuần. Ông Đinh Văn Giai, quản lý sản xuất công ty, cho hay công ty đã có sáng kiến tăng năng suất trong các công đoạn chế biến để công nhân được nhận thưởng năng suất từ 1 - 2 triệu đồng/tháng, bù cho việc không có tiền tăng ca.

Doanh nghiệp “níu chân” lao động, chờ đơn hàng - Ảnh 1

Chung nỗi khó khăn của ngành dệt may, Công ty TNHH SX-TM-DV Long Cường (TP.Thủ Đức) không có đơn hàng trong tháng 5 và 6. Thế nhưng, tập thể công nhân không quá lo lắng bởi Ban Giám đốc đã chủ động thông báo tình hình của doanh nghiệp cùng với cam kết sẽ cố gắng tìm đơn hàng mới để ổn định việc làm của người lao động. “Công đoàn cơ sở đang nỗ lực cùng Ban Giám đốc tìm kiếm thị trường mới. Nếu vẫn còn khó khăn, công ty sẽ tính đến phương án bố trí cho công nhân nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dài ngày”, bà Phan Thị Thiện, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết.

Công ty TNHH nội ngoại thất Gia Hân ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) thì tổ chức cho công nhân làm việc xoay vòng, mỗi người làm 10 - 15 ngày/tháng để ai cũng có việc làm cầm chừng. “Phương án này được toàn bộ công nhân thống nhất, cùng nhau chia sẻ khó khăn, không ai bỏ việc mà chờ ngày hoạt động trở lại bình thường. Chúng tôi kỳ vọng đến đầu tháng 6/2023 công ty sẽ có đơn hàng mới, khi đó tình hình hoạt động của công ty sẽ khởi sắc trở lại”, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc công ty nhấn mạnh.

Tại tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty gỗ Lâm Việt, cho biết các doanh nghiệp trong hiệp hội đang cố gắng giữ chân người lao động bằng cách chia ca sản xuất luân phiên. Bởi nếu cho công nhân nghỉ việc thì họ sẽ kiếm việc khác hoặc về quê, đến khi có đơn hàng trở lại sẽ không có nhân công sản xuất, việc tuyển dụng rất khó khăn và mất nhiều thời gian, nhất là các công nhân lành nghề. Khó khăn chồng chất khó là chi phí mà doanh nghiệp đang phải gánh, từ tiền lương công nhân, các khoản bảo hiểm, chi phí xử lý nước thải, kiểm định môi trường định kỳ đến chi phí sử dụng hạ tầng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2023 phát hành ngày 27-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp “níu chân” lao động, chờ đơn hàng - Ảnh 2