Doanh nghiệp phải đảm bảo tiền lương, chế độ cho lao động mất việc
Hàng trăm doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ...do khó khăn về đơn hàng đã phải cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên khi thời điểm cuối năm đang cận kề...
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực gia dày, dệt may, đồ gỗ… tại các tỉnh phía Nam phải cắt giảm lao động ngay thời điểm cuối năm do thiếu đơn hàng, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp theo quy định cho người lao động.
DOANH NGHIỆP THIẾU ĐƠN HÀNG, HÀNG TRĂM NGHÌN LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG
Theo báo cáo của Ban Quan hệ lao động (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đến nay có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…
Số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 75,05%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, 88,27% tổng số lao động bị ảnh hưởng).
Trong đó có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90%); 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,02%); 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%)…
Trao đổi về vấn đề này với báo chí ngày 11/11, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tình trạng nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ, một phần trong lĩnh vực dệt may, da giày bị giảm đơn đặt hàng nên phải sa thải lao động là việc làm bất khả kháng.
Bởi lẽ, sau thời gian mới hồi phục lại nền kinh tế, người lao động bắt đầu trở lại làm việc, doanh nghiệp đã kỳ vọng người lao động tăng ca để tạo ra sản phẩm, chất lượng tốt hơn để bù đắp lại thời kỳ khó khăn trước đây. Tuy nhiên, tình hình biến động đơn hàng đang xảy ra khá lớn, một lực lượng lao động đang chịu ảnh hưởng từ chính sự sụt giảm các đơn hàng này.
“Khó khăn này lại rơi vào thời điểm cuối năm, khi chuẩn bị đến Tết. Về mặt tâm lý chung của người lao động là đều mong muốn sau một năm nỗ lực, Tết sẽ được chăm lo tốt hơn, nhưng đến nay các doanh nghiệp đang rất khó khăn, chưa tìm được đơn hàng”, ông Hải thừa nhận.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phải bố trí lại lực lượng lao động, sử dụng hết phép năm 2022 cho người lao động, thậm chí tiếp tục ứng phép của năm 2023 với mong muốn tạo một nguồn thu nhập cần thiết giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần giữ chân họ trong thời gian chờ đợi khả năng hồi phục các đơn hàng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp mới đầu tư trong giai đoạn gần đây, nhất là năm 2022 nên khả năng tích lũy và sức chịu đựng của các doanh nghiệp có hạn. Những doanh nghiệp này đã có thông báo cho người lao động mới ký hợp đồng từ năm 2022 nghỉ việc. “Đây là điều khó khăn vô vùng”, ông Hải nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện tượng một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên là do tình hình biến động chung của thế giới dẫn đến biến động thị trường đã tác động đến các hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp.
Theo ông Phòng, các thị trường trước đây được dự báo có sức mua lớn, năng lực chi trả cao đã phải điều tiết lại do tình hình nội tại của nền kinh tế. “Chúng tôi cùng với các cơ quan chức năng đã phối kết hợp để giới thiệu, quảng bá tốt hơn nữa các sản phẩm với hy vọng rằng doanh nghiệp của chúng ta sẽ tiếp cận được các thị trường mới, qua đó có được các đơn hàng mới để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động”, ông Phòng chia sẻ.
ĐẢM BẢO CHẾ ĐỘ CHO LAO ĐỘNG KHI MẤT VIỆC
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong bối cảnh này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo chế độ chính sách theo quy định của pháp luật cho người lao động. Trong trường hợp không thể tiếp tục giữ chân người lao động, cần giới thiệu việc làm cho họ, nhất là với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Với người lao động, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn có nhiều biến động, cần nỗ lực trau dồi kiến thức để có khả năng chủ động ứng phó với những thách thức mà nền kinh tế có thể xảy ra trong thời gian sắp tới. “Các cấp công đoàn cũng phải hết sức lưu tâm đến những hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn nếu một gia đình mà cả hai vợ chồng đều mất việc, thì những đối tượng phải này phải hết sức quan tâm, chí ít phải nỗ lực để một người có việc làm để mỗi gia đình có điểm tựa”, ông Hải lưu ý.
Đồng thời, trong việc triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động sắp tới, ông Hải đề nghị với những lao động đang đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn mất việc cũng phải là đối tượng ưu tiên để có sự trợ giúp kịp thời.
Trước những lo ngại về nguy cơ có thể xảy ra ngừng việc, đình công khi sa thải lao động dịp cuối năm, ông Hải nhấn mạnh để ngăn ngừa tình trạng này, không gì khác là phải làm thật tốt chế độ chính sách, công khai cho người lao động. Song, chính người lao động cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh chung. “Nếu như tình hình thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thì khả năng giải quyết vấn đề này sẽ không phải một sớm một chiều”, ông Hải nhận định.
Do đó, khi người lao động không còn tiếp tục làm việc nữa vẫn phải được đảm bảo các quyền lợi cơ bản về tiền lương những ngày đang làm việc, chế độ chính sách khi thôi việc, đặc biệt, với các đối tượng khó khăn cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Về vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng cũng cho rằng, trước mắt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm; điều tiết lại lực lượng lao động; có chương trình đào tạo để nâng cao tay nghề. Doanh nghiệp cũng cần tích cực tìm kiếm thị trường và đa dạng hóa sản phẩm, làm đẹp mẫu mã để có khả năng chinh phục được các thị trường khó tính hơn. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực tuân thủ đối với các hiệp định thương mại tự do đã và đang cam kết.
Phó Chủ tịch VCCI cũng nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hướng về xuất khẩu. Trong thời gian dịch Covid-19, các tỷ trọng xuất khẩu vẫn đạt được yêu cầu đề ra. “Vì vậy, chúng ta không bi quan về các biến động, qua nắm bắt chúng tôi được biết nhu cầu tiêu dùng sản phẩm dịch vụ của Việt Nam đối với các đối tác hải ngoại là rất lớn, thậm chí đã có các đoàn xúc tiến đầu tư thương mại của các nước chủ động đến với Việt Nam”, ông Phòng thông tin.
Hiện nay, Bộ Công thương và các bộ, ngành khác đang tích cực triển khai quảng bá hình ảnh, thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng như cung cách làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam; quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng, những khó khăn đang gặp phải chỉ là tạm thời. Trong thời gian tới sẽ được xử lí bài bản, hy vọng cửa sáng của doanh nghiệp sẽ tiếp tục được mở ra và phát triển, người lao động có quyền hy vọng có việc làm, cải thiện đời sống”, ông Phòng nhấn mạnh.