Doanh nghiệp thanh lý bớt tài sản để có lãi và thoát khỏi diện kiểm soát của HoSE
Sau khi bị đưa vào diện kiểm soát vì kinh doanh thua lỗ hai năm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch thanh lý tài sản để có nguồn thu và có lãi, từ đó giao dịch bình thường, thoát khỏi diện kiểm soát của HoSE...
Công ty CP Garmex Sài Gòn (GMC) vừa trình bày với Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.
Theo GMC, ngày 4/4/2023, HĐQT công ty ban hành nghị quyết về định hướng hoạt động kinh doanh năm 2024. Theo đó, công ty xác định ngành may vẫn là ngành nghề chính. Tuy nhiên, tình hình may vẫn còn khó khăn về đơn hàng. Các điều kiện xanh hóa ngành may vẫn chưa chuyển đổi kịp. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư các ngành mới theo xu thế để phát triển trong trung và dài hạn vì ngành truyền thông đang rất khó khăn.
Bên cạnh đó, năm 2024, công ty sẽ tiết giảm chi phí, thanh lý máy móc thiết bị xe, thanh lý dụng cụ nhà ăn, bàn ghế nhà xưởng, thanh lý nhà máy Quảng Nam trong thời gian chưa thanh lý được thì cho thuê kho để có nguồn thu. Tiếp tục theo dõi thúc đẩy đối tác để giao hàng; theo dõi thúc đẩy Công ty CP Phú Mỹ để hoàn thành Dự án nhà ở Phú Mỹ để bán sản phẩm nhằm thu hồi vốn đầu tư. Triển khai kinh doanh nhà thuốc tại 213 Hồng Bàng.
Trên cơ sở đó, công ty xây dựng kế hoạch năm 2024 với doanh thu 50,46 tỷ đồng; thu nhập khác 156 tỷ đồng và lãi trước thuế 40 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 4/4, GMC nhận quyết định đưa cổ phiếu từ diện cảnh báo sang kiểm soát do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất 2022-2023 của tổ chức niêm yết là con số âm thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Mới đây nhất ngày 8/4, cổ phiếu SMC của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC cũng nhận được quyết định của HoSE về việc đưa cổ phiếu SMC vào diện cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/4/2024. Lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của SMC là số âm và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán trong 2 năm gần nhất 2022-2023 là số âm.
Về biện pháp khắc phục, theo SMC, công ty sẽ tăng trưởng áp dụng các giải pháp kinh doanh có hiệu quả cao nhất như quản trị hàng tồn kho và mua hàng trên nguyên tắc cẩn trọng, phù hợp, linh hoạt dự trữ tồn kho tối ưu bám sát với diễn biến thị trường. Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh chú trọng cả về chất và lượng, kết hợp tăng cường quản trị kiểm soát các khoản phải thu và rủi ro công nợ.
Tối ưu hóa quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất làm việc và hiệu suất sản xuất. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí tất cả các chi phí liên quan đến việc vận hành, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện chuyển nhượng, thanh lý tài sản, các khoản đầu tư tài chính để mang lại hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung của công ty.
Kết quả lợi nhuận quý 1/2024 dự kiến sẽ dương đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính và thanh lý tài sản. Kế hoạch quý 2/2024 tiếp tục bám sát tình hình thực tế của vĩ mô, ngành thép, và doanh nghiệp để vận hành sản xuất kinh doanh tích cực.
Với kết quả như trên, SMC phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ khắc phục được tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát như hiện nay.
Trong diễn biến khác, ngày 8/4, Công ty CP Đầu và Công nghiệp Tân Tạo (Tân Tạo - ITA, liên quan bà Đặng Thị Hoàng Yến) đã công bố thông tin bất thường HoSE về việc công ty đã gửi công văn báo cáo tình hình khắc phục chứng khoán thuộc diện cảnh báo quý 2/2024, đề nghị HoSE ban hành quyết định đưa ITA ra khỏi diện cảnh báo quy định.
Theo đó, lãnh đạo Tân Tạo cho rằng công ty đã công bố thông tin khắc phục hết các nguyên nhân đưa ITA vào diện cảnh báo do vi phạm quy định về công bố thông tin của HoSE. Hơn 8 tháng kể từ ngày công ty đủ điều kiện đưa ra khỏi diện cảnh báo theo quy định thì Tân Tạo cũng đã ba lần gửi công văn đến HoSE nhưng HoSE không giải quyết đưa cổ phiếu của công ty này ra khỏi diện cảnh báo.
Tân Tạo đề nghị HoSE xem xét ban hành quyết định đưa ITA ra khỏi diện cảnh báo theo quy định. Việc giải quyết chậm trễ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại cho công ty và ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của các cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước.